Nhận diện đúng để giám sát trúng

- Thứ Tư, 28/07/2021, 05:55 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu đã thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Dù nội dung không mới, nhưng là lần đầu tiên Quốc hội quyết định đưa ra thảo luận tại hội trường. Quyết định này được cử tri, Nhân dân đồng tình ủng hộ. Bởi đã đến lúc, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được đánh giá một cách toàn diện và có những giải pháp quyết liệt như công cuộc phòng, chống tham nhũng mà chúng ta đã và đang thực hiện.

Lãng phí được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên khác của quốc gia một cách không hiệu quả. Do đó, không ít người đã ví lãng phí là sự “khuyết tật” trong quản lý xã hội. Và thực tiễn cho thấy, có không ít lãng phí đã xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực.

Một trong số đó là tình trạng “đủng đỉnh” trong giải ngân vốn đầu tư công. Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Một số bộ, cơ quan và địa phương giải ngân đạt thấp so với kế hoạch, điều này gây lãng phí lớn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Lãng phí nguồn lực xã hội còn là tài sản nằm ở những doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, hay từ sự chậm trễ trong cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Tính đến ngày 24.12.2020, cả nước mới thực hiện cổ phần hóa đạt 27,3% kế hoạch năm 2020, còn 89 doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành cổ phần hóa.

Nhận diện về những tồn tại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Báo cáo Thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ rõ, đó là quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn một số bất cập, gây lãng phí. Việc quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất công còn có biểu hiện lãng phí. Một số cơ quan còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công như: vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ; vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội…

Thực tế cũng đã có bộ, cơ quan trung ương dù được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn cố “ôm” trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng, điều này gây lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai. Nhưng tiếc là, thực tế này lại chưa được Chính phủ thống kê trong báo cáo. Do đó, để có một bức tranh toàn diện về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, rất cần Chính phủ bổ sung vấn đề này vào trong báo cáo, chỉ rõ nguyên nhân tồn tại, vướng mắc vì sao. Từ đó, có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.

Hàng năm, Quốc hội đều dành thời gian để đánh giá về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Yêu cầu đặt ra, cần thiết phải tiến hành đánh giá vấn đề này một cách toàn diện hơn. Đó cũng là lý do, dù thời lượng được rút ngắn của Kỳ họp thứ Nhất để tập trung cho công tác phòng, chống dịch, nhưng Quốc hội vẫn dành thời gian thỏa đáng để thảo luận về nội dung này.

Cùng với đó, việc Quốc hội quyết định lựa chọn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” là một trong 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2022 cho thấy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Quốc hội nhận diện đúng tầm. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ này.

Để không lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước, việc phòng chống tham nhũng là cần thiết. Tuy nhiên, sẽ là chưa đủ nếu như chúng ta chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”. Cử tri và Nhân dân tin rằng, với việc nhận diện đúng vấn đề để thảo luận, giám sát, sự vào cuộc ngay từ những ngày đầu của Quốc hội khóa mới này, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hà An