Nhận diện các dạng lợi ích

Hoài Thu 11/05/2012 07:38

Thông thường, các quy định liên quan ở các nước xác định các dạng lợi ích riêng tư có thể dẫn đến xung đột lợi ích để nghị sỹ biết mà tránh trong hoạt động của mình.

Các khoản đầu tư cá nhân có thể dẫn đến xung đột lợi ích Nguồn: Mail Online
Các khoản đầu tư cá nhân có thể dẫn đến xung đột lợi ích                       Nguồn: Mail Online

Trước hết, mặc dù rủi ro không cao, nhưng các khoản đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, các quỹ đầu tư… có thể dẫn đến xung đột lợi ích và cần có những giới hạn trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, ở bang Ontario của Canada, trong một vụ việc, Cao ủy viên về xung đột lợi ích đã ra kết luận Bộ trưởng Tài chính không được nắm giữ trái phiếu của bang vì ông ta là người có quyền định ra lãi suất. Hoặc là nghị sỹ được nắm giữ bao nhiêu phần trăm cổ phiếu của một công ty, bởi lẽ nếu tỷ lệ đó lớn thì nghị sỹ sẽ kiểm soát được công ty và sẽ có rủi ro cao khi ông/bà ta muốn có những chính sách có lợi cho công ty đó.

Các khoản nợ cũng là nguồn rủi ro tiềm năng gây ra xung đột lợi ích, vì chủ nợ có thể lợi dụng chúng để tác động lên nghị sỹ nhằm đạt mục đích có được các chính sách có lợi cho mình. Vị trí lãnh đạo hoặc quản lý trong công ty khiến cho nghị sỹ có thể lung lay khi bàn và quyết về một chính sách nào đó ảnh hưởng đến vị trí của ông/bà ta hoặc của công ty. Với tư cách giám đốc công ty hoặc chủ tịch hội đồng quản trị, ông/bà ta phải hành động vì lợi ích tốt nhất của công ty, trong khi với tư cách là nghị sỹ, ông/bà ta lại phải bảo vệ lợi ích của công chúng.

Một số dạng lợi ích có thể dẫn đến xung đột như kiêm nhiệm các công việc kinh doanh, vận động hành lang, hợp đồng của chính phủ, quà biếu, nắm giữ thông tin, người thân trong gia đình… Chẳng hạn, ở mức độ nào nghị sỹ có thể ký hợp đồng lao động làm thêm những việc như luật sư, kinh doanh? Có cần cấm hay giới hạn số tiền mà nghị sỹ nhận được từ công việc làm thêm đó? Bở lẽ, khi nghị viện bàn và biểu quyết về những chính sách ảnh hưởng đến lợi ích của các đối tác của nơi mà nghị sỹ làm thêm, nghị sỹ sẽ rơi vào tình thế xung đột với lợi ích chung. Đối với các hợp đồng của chính phủ, có nên cho phép nghị sỹ sở hữu hoặc đầu tư vào các giao dịch kinh doanh trong các hợp đồng của chính phủ hay không? Về việc nhận quà biếu từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, như thực tiễn nghị viện nhiều nước, có cần quy định cụ thể nghị viện được nhận quà dạng nào, với giá trị tính ra bằng tiền bao nhiêu; hay là chỉ cần quy định công khai hóa các quà biếu mà nghị sỹ nhận được? Đối với việc nắm giữ thông tin, các nghị sỹ là một trong số những người nắm giữ thông tin sớm và đầy đủ nhất về các chính sách sắp ban hành, vì vậy, cần có những cơ chế ngăn ngừa nghị sỹ sử dụng thông tin đó phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình hoặc của người khác. Đặc biệt, các mối quan hệ gia đình, thân quen liên quan đến các chính sách mà nghị viện bàn và quyết cũng cần được phòng ngừa để tránh xung đột lợi ích.

Tuy nhiên, ở đây cần phân biệt một số dạng lợi ích khác không thể tránh khỏi mà hầu như không có rủi ro tác động xấu đến lợi ích chung. Chẳng hạn, lợi ích cố hữu xảy ra khi nghị viện bàn và quyết những chính sách tác động đến nghị sỹ với tư cách đồng thời là người sở hữu nhà, người tiêu dùng, cha mẹ… Hoặc lợi ích mang tính chất đại diện khi nghị sỹ có cùng những sở thích, mối quan tâm cá nhân như cử tri, ví dụ làm vườn, câu cá… Ngược lại, đối với những dạng lợi ích có rủi ro cao sẽ tác động tiêu cực đến lợi ích chung như đã đề cập thì nghị viện các nước đều đưa ra những quy định ràng buộc, tránh cho nghị sỹ không bị vướng vào những xung đột lợi ích đó.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhận diện các dạng lợi ích
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO