Kỷ niệm 45 năm ngày Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội Việt Nam thống nhất (25.4.1976 - 25.4.2021)

Nhân dân ta “đặt nhiều hy vọng vào Quốc hội”

- Chủ Nhật, 25/04/2021, 06:54 - Chia sẻ
Sáng 25.4, tròn 45 năm trước, hơn 23 triệu cử tri cả nước, với tư thế của công dân một quốc gia độc lập, thống nhất, vẹn toàn lãnh thổ, đã nô nức đi bỏ phiếu để bầu ra những đại biểu xứng đáng nhất tham gia Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước “Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội”.

Với “những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”, cuộc tổng tuyển cử ngày 25.4.1976 đã được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cả nước đạt tới 98,77%, trong đó miền Bắc là 99,36%, miền Nam là 98,59%; rất nhiều xã, huyện, thị, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đều đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bỏ phiếu. Cử tri cả nước đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. “Nhân dân ta nhiệt liệt hoan nghênh Quốc hội mới và đặt nhiều hy vọng vào Quốc hội”, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã xúc động khẳng định khi phát biểu khai mạc Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất (Khóa VI).

Kết quả của cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất đã được lịch sử khẳng định: là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước tiếp nối chiến thắng vĩ đại về quân sự vào mùa Xuân năm 1975; khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam quyết vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất, phát triển đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó còn là thắng lợi của quyền làm chủ đất nước của nhân dân ta - những công dân tự mình nắm lấy vận mệnh của mình để xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Đáp lại rất “nhiều hy vọng vào Quốc hội” của cử tri cả nước, Quốc hội Khóa VI đã hoàn thành trọng trách của mình, quyết định những vấn đề hệ trọng trong thời kỳ phát triển mới của đất nước; thể chế hóa quan điểm, đường lối phát triển đất nước của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam thống nhất, xây dựng Hiến pháp năm 1980 - bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất.

45 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất và 76 năm kể từ ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên, với sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri cả nước, Quốc hội đã không ngừng nỗ lực để hoàn thành trọng trách trước cử tri và nhân dân cả nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong các cuộc làm việc với Thường trực các cơ quan của Quốc hội vừa qua đã nhiều lần nhấn mạnh, 75 năm qua và nhất là nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã để lại một “di sản” đồ sộ trên tất cả các lĩnh vực, từ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đến công tác đối ngoại. Người đứng đầu cơ quan lập pháp cũng nêu rõ, nhiệm vụ quan trọng tới đây là phải duy trì được những thành quả hết sức to lớn mà Quốc hội đã đạt được và phải tiếp tục đổi mới, tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội để đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đều đã có những thay đổi hết sức sâu sắc so với giai đoạn trước.

Nhiều thách thức mới đang đặt ra đối với Quốc hội Khóa XV. Đơn cử như việc hoàn thiện thể chế phát triển, xây dựng hệ thống pháp luật như thế nào trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ còn làm thay đổi mọi mặt của đời sống, quan hệ xã hội, kinh tế, văn hóa…? Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế số, hàng loạt mô hình kinh doanh, giao dịch mới liên tục xuất hiện, liên tục có sự điều chỉnh do tác động của công nghệ đã đặt ra những đòi hỏi hoàn toàn mới trong việc xây dựng thể chế cho kinh tế số phát triển. Và như vậy, xây dựng pháp luật theo cách thức truyền thống hiện nay (tuần tự theo quy trình tại một hoặc hai kỳ họp, các dự luật hầu hết đều có tới mấy chục, thậm chí là hàng trăm điều khoản và chủ yếu phụ thuộc vào việc Chính phủ đề xuất, trình Quốc hội…) có lẽ sẽ không thể theo kịp được các vấn đề thực tiễn của kinh tế số. Nhưng đổi mới như thế nào cả về quy trình lập pháp và tư duy lập pháp lại không hề đơn giản. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tại các cuộc làm việc với Thường trực các cơ quan của Quốc hội vừa qua: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải chủ động hơn nữa, thậm chí phải thể hiện được vai trò dẫn dắt trong xây dựng pháp luật. Để làm được như vậy, đòi hỏi rất lớn ở năng lực, trình độ, bản lĩnh và tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội. Và điều này lại được quyết định bởi năng lực, trình độ, bản lĩnh và tính chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Nói như vậy để thấy rằng, ý nghĩa và yêu cầu đặt ra đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào ngày 23.5 tới đây vô cùng hệ trọng. Phải bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi nhất để cử tri cả nước lựa chọn cho được những đại biểu Quốc hội có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh và chuyên nghiệp, đáp ứng được trọng trách của Quốc hội trong bối cảnh phát triển mới của đất nước. Cần nói thêm rằng, bản lĩnh và tính chuyên nghiệp của Quốc hội không chỉ được hình thành bởi các đại biểu chuyên trách mà với các đại biểu kiêm nhiệm cũng phải phân vai cho rành mạch, phải “đúng vai, thuộc bài” khi nào là người đại diện của dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và khi nào là cán bộ, lãnh đạo các cơ quan nhà nước…

45 năm trước, hơn 23 triệu cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất với tất cả sự hồ hởi “nhiệt liệt hoan nghênh Quốc hội mới và đặt nhiều hy vọng ở Quốc hội”. Tình cảm đó vẫn vẹn nguyên trong trái tim của gần 100 triệu người dân Việt Nam đang hướng về cuộc bầu cử ngày 23.5 tới nhưng với một khát vọng lớn hơn, khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường và hạnh phúc!     

Hải Lam