Nhân dân là chủ thể tối thượng của quyền lập pháp

- Thứ Bảy, 31/07/2021, 07:20 - Chia sẻ
Lời Tòa soạn: Mở đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, GS.TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã có bài viết quan trọng: “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngay sau khi đăng tải trên Báo Đại biểu Nhân dân, bài viết đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận xã hội, cử tri cả nước, đặc biệt là của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Báo Đại biểu Nhân dân đăng tải một số ý kiến của độc giả, nhà nghiên cứu xung quanh bài viết của Chủ tịch Quốc hội.
	Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV Ảnh: Lâm Hiển
Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV
Ảnh: Lâm Hiển

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chữ “DÂN” luôn được đặt ở vị trí tối thượng, Nhân dân luôn là chủ thể của “mọi quyền lực Nhà nước”. Nhân dân là chủ thể tối thượng của quyền lập pháp. Do đó, hoạt động lập pháp trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ các quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng pháp luật, trong giám sát hoạt động của Nhà nước, quyền được thụ hưởng đầy đủ các thành quả phát triển của đất nước, quyền được hạnh phúc.

Lập pháp là biến ý chí của Nhân dân thành luật

Một vấn đề nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đậm nét trong bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” là tư tưởng lập pháp vì Dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định nhất quán quan điểm “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam". Người đặc biệt coi trọng Nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước, là người làm chủ đất nước. Người khẳng định, quyền lực nhà nước là quyền lực của Nhân dân, do Nhân dân ủy thác cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước và căn dặn "các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”.

Với các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, Người cũng nêu rõ, Nhân dân có quyền kiểm soát đại biểu mà mình đã bầu ra, "có quyền bãi miễn… nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của Nhân dân đối với đại biểu của mình". Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của Hiến pháp là đạo luật cơ bản, tối thượng của Nhà nước. Tư tưởng của Người về Nhà nước pháp quyền được thể hiện rõ nhất trong Hiến pháp năm 1946.

Có thể nói, những yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền đều đã được Người chắt lọc, thể hiện rất giản dị, ngắn gọn, súc tích mà sâu sắc trong bản Hiến pháp đầu tiên này. Theo đó, Hiến pháp, pháp luật phải “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, tức là phải do Nhân dân làm ra thông qua người đại diện trực tiếp của mình là các đại biểu Quốc hội, bằng sự tham gia trực tiếp đóng góp vào quá trình xây dựng luật, pháp lệnh và thông qua quyền quyết định tối cao của Nhân dân đó là quyền phúc quyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng quyền của Nhân dân trong xây dựng và thực thi pháp luật. Người nêu rõ, Quốc hội có quyền thông qua, sửa đổi Hiến pháp nhưng phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Người coi Nhân dân phúc quyết là một yêu cầu của Nhà nước pháp quyền.

Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đúc kết trong bài viết, trong tư tưởng Hồ Chí Minh chữ “DÂN” được đặt ở vị trí tối thượng. Người luôn căn dặn: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”.  Mọi việc lớn nhỏ đều nhằm làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân. Đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân, để mưu cầu hạnh phúc cho dân, bởi dân là chủ thể, dân là thước đo chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức là không phải chân lý. Đối với Người, ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân - tức là phục tùng chân lý”.

Bác Hồ luôn nhắc nhở chúng ta rằng pháp luật của ta là pháp luật của Nhân dân, pháp luật thể hiện ý chí của Nhân dân. Lập pháp là việc biến ý chí của Nhân dân thành luật. Vì vậy, trong hoạt động lập pháp, Nhân dân phải được coi trọng hàng đầu. Nhân dân là chủ thể tối thượng của quyền lập pháp, là người xây dựng, thi hành, giám sát kiểm tra và hưởng thụ.

Nói đến hoạt động lập pháp không thể không nói đến Quốc hội với vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân cả nước, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan có quyền lập hiến, lập pháp và giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong hoạt động lập pháp không thể không nói đến mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ, với các cơ quan nhà nước khác. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân cả nước nên Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức quan tâm đến mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ, với Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan thực thi quyền lực Nhà nước. Đến Hiến pháp năm 2013, chúng ta đã hiến định thành nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Sử dụng hữu hiệu quyền lập pháp để kiểm soát quyền lực

 Bài viết của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lựa chọn một khía cạnh cụ thể, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp và đã đề cập toàn diện, sâu sắc những nội dung, quan điểm cốt lõi trong tư tưởng của Người đối với hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Bài viết đồng thời cũng đặt ra và gợi mở nhiều vấn đề hệ trọng đối với hoạt động lập pháp nói riêng và đối với việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung trong thời gian tới để thực hiện trọn vẹn hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền và đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi mới của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Quốc hội Khóa XV có nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cần lưu ý rằng, trong Đại hội lần này, Đảng không chỉ đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 5 năm của nhiệm kỳ này mà đặt mục tiêu, tầm nhìn xa hơn đến năm 2030, 2045 với khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường. Như vậy, hoạt động lập pháp cũng phải theo đó mà xác lập các thứ tự ưu tiên để nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu này. Trong bài viết, Chủ tịch Quốc hội đã đúc kết và xác định rất đúng, trúng 6 yêu cầu và 8 lĩnh vực trọng tâm trong hoạt động lập pháp thời gian tới. Trong đó đặc biệt quan tâm đến yếu tố Nhân dân trong hoạt động lập pháp. Quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ các quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng pháp luật, trong giám sát hoạt động của Nhà nước, quyền được thụ hưởng đầy đủ các thành quả phát triển của đất nước, quyền được hạnh phúc.

Cụ thể là, đề cao vai trò của Nhân dân trong xây dựng pháp luật, đổi mới thực chất việc lấy ý kiến của Nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Luật Trưng cầu ý dân - tiến hành trưng cầu ý dân, nhất là về những vấn đề có tác động sâu rộng đến sự phát triển của đất nước, đến an ninh quốc gia, đến quyền con người, quyền công dân. Khắc phục tình trạng vừa qua trong quá trình xây dựng, soạn thảo, các dự án luật cũng được lấy ý kiến Nhân dân rất nhiều nhưng việc tiếp thu ý kiến của Nhân dân để luật trở thành “luật của Nhân dân, vì Nhân dân” vẫn còn nhiều hạn chế.

Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong toàn bộ quy trình lập pháp; khắc phục tình trạng ý kiến nào phù hợp với quan điểm, ý chí của các nhà soạn thảo, nhà quản lý thì tiếp thu, ý kiến nào chưa phù hợp - dù đúng với thực tiễn - cũng vẫn… “xin phép giữ như dự thảo”. Chúng ta vẫn nói “luật trên trời mà cuộc đời dưới đất” là vì thế. Tất nhiên, điều này đặt ra trách nhiệm rất lớn đối với các cơ quan có trách nhiệm soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, trong đó có trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và toàn thể Quốc hội.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động lập pháp, người cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà làm luật, các đại biểu Quốc hội. Tôi rất tâm đắc với phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV và phát biểu sau tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi ông nhấn rất mạnh yêu cầu đối với mỗi đại biểu Quốc hội phải “phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của Nhân dân; phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem hơi thở cuộc sống vào nghị trường”, với Quốc hội phải “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm các quyền con người, quyền công dân”; “không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp”…

Đó là những cam kết mà Quốc hội Khóa XV phải thực hiện, từng đại biểu Quốc hội Khóa XV phải thực hiện. Quốc hội phải thực hiện quyền lập pháp như một công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực. Quốc hội cũng phải thực hiện kiểm soát quyền lực chặt chẽ ngay trong hoạt động lập pháp, nhất là trong quy định chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan trong tổ chức bộ máy Nhà nước và trong ủy quyền lập pháp cho Chính phủ, các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, khắc phục tình trạng sau khi được Quốc hội ủy quyền thì các cơ quan này lại ban hành những văn bản pháp luật không bảo đảm tinh thần của luật, không bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

GS.TS. Phan Trung Lý
 Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Quỳnh Chi ghi