Cũng như ở hai tập đầu của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm, ở tập 3 - Từ Việt Bắc về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vẫn nhất quán với lối tự sự biên niên sử, chủ động tạo cho mạch truyện trôi theo trật tự thời gian tuyến tính.
Người kể chuyện nêu lại những biến cố, sự kiện quan trọng đã thực sự xảy ra; những con người có thật hay hư cấu xoay quanh nhân vật trung tâm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhưng tỉnh táo để không sa vào "bẫy lịch sử", soi rọi, phản ánh chiều sâu bên trong của nhân vật.
Bối cảnh hiện thực đời sống của tập 3 diễn ra từ 1941 - 1945. Tình hình cách mạng Việt Nam tuy âm thầm bề ngoài nhưng sôi sục bên trong để chờ thời cơ bùng lên cơn bão táp lớn; tình hình của nước láng giềng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, của chính quyền Quốc dân; các nhân vật quan trọng của Liên Xô, của Mỹ hiện diện ở Trung Quốc; diễn biến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2; gương mặt bạc nhược của một số chính khách của Việt Quốc, Việt Cách, Việt Nam Phục quốc quân… đang lưu vong ở Trung Quốc.
Ở tập này, người đọc biết thêm về những hoạt động phong phú, tầm nhìn chiến lược, sắc sảo của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người hoạt động ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên; những chuyến qua lại biên giới Việt - Trung như con thoi của Người để móc nối liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nắm tình hình của chính phủ Quốc dân; việc Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ hơn một năm, đày ải qua hàng chục nhà lao lớn nhỏ; hoàn cảnh ra đời của các bài thơ trong Nhật ký trong tù; tấm lòng quý mến của những người dân Trung Quốc với Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người; Người trở về nước, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945...
Nhiều trang viết về việc lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh; cho ra tờ báo Việt Nam Độc lập; chỉ đạo thành lập các đội du kích nhỏ, biên soạn tài liệu “Cách đánh du kích”; thiết lập các mối quan hệ khá sớm với đại diện nước Mỹ ở Trung Quốc và sau đó với nhóm "Con Nai" của Mỹ ở Tuyên Quang giữa năm 1945...
Những chi tiết ấy từ lịch sử đã đi vào văn chương, tạo cho nhiều trang viết sự mới mẻ, hấp dẫn. Trong những trường hợp và bối cảnh nhất định, chúng mang ý nghĩa như là sự "phản biện ngầm" của tác giả đối với những "diễn giải" lịch sử theo quan điểm đối lập, sai trái.
Trong các trang viết, tác giả luôn chú trọng và dụng công khi "đời thường hóa", "bình dị hóa" con người và những phẩm chất vĩ đại của Hồ Chí Minh. Tác giả đã đặt nhân vật trung tâm Hồ Chí Minh vào một khung khổ không gian - thời gian phi sử thi, trong những điều kiện của môi trường sống bình thường vốn có.
Trong tập 3 của bộ tiểu thuyết, quan hệ giữa Hồ Chí Minh với những người đồng chí của mình như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Chu Văn Tấn..., những người dân Cao Bằng chân chất mà nồng nàn yêu nước như ông Máy Lỳ, thầy tào Thình, anh thanh niên Dương Đại Lâm, chị phụ nữ Nông Thị Bảy (Nông Thị Trưng)..., nhân vật Hồ Chí Minh bao giờ cũng thể hiện được những giá trị, phẩm chất cao quý mà bình dị, gần gũi, tuyệt nhiên không “thần thánh hóa”, sùng bái hóa. Những tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, phong cách của Người được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nhiều khi lặng lẽ, khiêm nhường.
Theo các nhà phê bình văn học, nếu tập 4 và tập 5 của Nước non vạn dặm được hoàn thành đúng như dự kiến của tác giả (tập 4 sẽ ra mắt trước ngày 2.9 và tập 5 ra mắt trước ngày 19.5.2025), thì đây là bộ tiểu thuyết đầu tiên của văn học đương đại Việt Nam phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là hình tượng Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh.