Chiều 10.1, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Công ty Văn hóa và Truyền thông Liên Việt phối hợp tổ chức chương trình giao lưu ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lê Minh Hà: Phố vẫn gió, Gió tự thời khuất mặt và Những ta. Cả ba tiểu thuyết này đều được họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa và chăm chút phần mỹ thuật.

Trong đó, cuốn Gió tự thời khuất mặt từng được in 18 năm trước và bản in năm 2024 là nguyên bản, không có sửa chữa, biên tập. Nhà văn Lê Minh Hà chia sẻ, với "Gió tự thời khuất mặt, tôi nhận ra không phải mình đang dựng lại một quá khứ, mà là ý thức về nó, của tôi và bạn bè tôi thời đó. Đọc lại bản thảo, tôi kinh ngạc khi gặp lại nhiều ý nghĩ của mình từ hai mấy năm trước".
Với Phố vẫn gió, Lê Minh Hà mô tả lao động văn chương của mình là viết từng từ một, rất khó nhọc, "viết để nói với các bạn về Hà Nội". Tác phẩm lấy bối cảnh Hà Nội từ những năm sau giải phóng 1954 tới nay. Sự đối lập của Hà Nội cũ và Hà Nội hậu chiến là bức tranh đầy cảm xúc mà Lê Minh Hà dựng lên. Cảm giác sự đau đớn của nhân vật Ngân khi chứng kiến những đổi thay của Hà Nội cũng có bóng dáng của chính tác giả - một người Hà Nội sống xa xứ đã nhiều năm.

Những ta là tác phẩm mới nhất của Lê Minh Hà, cũng về Hà Nội. Nhà văn Lê Minh Hà cho biết, ban đầu chị đặt tên cuốn sách là Vọng. Đến khi chuẩn bị xuất bản thì bạn văn mới tiết lộ có một dự án nghệ thuật cùng tên này. Do vậy, theo gợi ý của họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn đã đổi tên tiểu thuyết mới là Những ta.
Có thể thấy Hà Nội là vùng đất đặc biệt có ý nghĩa, không thể dứt bỏ trong tâm trí cũng như sự nghiệp sáng tác của Lê Minh Hà. Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất có lẽ là tâm thế từ xa nhìn về. Trong tiểu thuyết của Lê Minh Hà, Hà Nội là những mảng ký ức đẹp đẽ, trong trẻo, vẹn nguyên, một Hà Nội vừa gần đây mà dường như cũng đã xưa rồi; và Hà Nội của những chuyến trở về, quan sát, chiêm nghiệm, nghĩ suy, so sánh, có những điều mới mẻ và cũng rất nhiều đã mất đi.
Hơn nữa, Lê Minh Hà nói rằng, điều mình quan tâm nhất và luôn tìm cách lý giải, phân tích, gọi tên là phận người. Phận người trong những biến chuyển của lịch sử, xã hội, đời sống. Và Hà Nội là cái bối cảnh để chị thực hiện điều đó.

Nhà phê bình văn học Đào Tuấn Ảnh là một trong những người đầu tiên tiếp cận bản thảo tác phẩm của Lê Minh Hà đưa ra nhận định, Lê Minh Hà đã tìm ra hướng đi khiến trang viết của mình đặc sắc riêng có. Đó là cái mới ở bút pháp, cái mới trong tư duy, trung thành đến cùng với giọng điệu hướng nội.
"Đại đa số tác giả Việt Nam có kiểu viết hướng ngoại, tức những xung đột dội vào từ phía bên ngoài, tác động bởi xã hội, những vấn đề bề nổi. Nhưng Lê Minh Hà lại từ trong ra, đi sâu vào nội tâm con người, đi vào những tâm trạng, những tự vấn. Song vì vậy, Lê Minh Hà thuộc diện viết văn kén người đọc, không phải ai đọc cũng thích, không phải ai đọc cũng hiểu. Nhưng với ai đã đọc, với ai đã thích thì những ngôn ngữ văn chương ấy lại rất mời gọi - gọi chúng ta đi vào Những ta", nhà phê bình Đào Tuấn Ảnh nhận định.
Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm năm 1983. Chị từng giảng dạy tại Trường Phổ thông Trung học Hà Nội - Amsterdam, hiện làm việc và sinh sống tại Đức.
Nhà văn Lê Minh Hà bắt đầu viết văn từ khi còn ở trong nước và viết bền bỉ, liên tục suốt nhiều năm qua. Cuốn sách đầu tiên của chị xuất bản năm 1998 tại Mỹ - tập truyện ngắn Trăng góa. Tới nay, nhà văn Lê Minh Hà đã in 18 cuốn sách, bao gồm truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết...