Tháo gỡ các điểm nghẽn
“An cư mới lạc nghiệp”! Đó là lý do trong 10 nhóm vấn đề cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động cả nước gửi đến người đứng đầu Chính phủ qua cuộc đối thoại vừa qua có vấn đề nhà ở cho công nhân lao động. Cụ thể là vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Là địa phương có nhiều khu công nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, hiện có 250.000 công nhân sinh hoạt ở Bắc Giang, trong đó có 1/3 công nhân từ các địa phương khác nên nhu cầu nhà ở rất nhiều. Bắc Giang hiện có 19 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 14 dự án đang triển khai. Nếu triển khai được 14 dự án này sẽ giải quyết được khoảng 110.000 công nhân có nhà ở.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp hiện nay, theo Bí thư Dương Văn Thái, vấn đề vướng mắc nhất là Nghị định 100 quy định về vấn đề thuê, thuê lại nhà ở, doanh nghiệp xây dựng nhà ở, nhưng người thuê phải trực tiếp ký hợp đồng với công nhân. “Nếu một doanh nghiệp có 10 ha, giải quyết khoảng 20.000 công nhân có nhà ở, mà doanh nghiệp ký từng hợp đồng với từng công nhân, tức là phải có tới 20.000 hợp đồng. Trong khi đó, việc công nhân ở không ổn định, có người thay đổi công việc trong vòng 6 tháng, 1 năm… di chuyển chỗ khác, nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện” – ông Thái nêu khó khăn.
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân. Trên cơ sở đó, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay như Nghị định 49, Nghị định 100. Vấn đề gì liên quan đến luật pháp thì tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn làm sao nhanh nhất có thể giải quyết vấn đề này căn cơ, bài bản, vừa bảo đảm tính trước mắt vừa bảo đảm lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Vướng mắc thứ hai cũng được ông Thái đưa ra là việc xác định giá để thuê, bởi hướng dẫn hiện nay của các bộ, ngành về vấn đề này cũng chưa cụ thể.
Đề cập đến vấn đề miễn giảm tiền thuê đất, ông Thái cho rằng, không chỉ Bắc Giang mà nhiều địa phương cũng muốn kiến nghị tới Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công nhằm tháo gỡ được những vướng mắc trong triển khai nhà ở cho công nhân.
Cùng chung “nỗi niềm” về nhà ở cho công nhân lao động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng: vấn đề nhà ở cho công nhân luôn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam “đau đáu” từ mấy năm nay trong quá trình thực hiện Đề án do Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 655 và Quyết định 1729. Tuy nhiên quá trình thực hiện thì thấy có nhiều điểm vướng.
Theo ông Khang, vướng mắc thứ nhất đó là Luật Đất đai, Luật Đất đai quy định là giao đất giải phóng mặt bằng để làm nhà ở xã hội nhưng lại vướng về thủ tục, vì nếu như vậy sẽ phải đấu thầu. Thứ 2, vướng về Luật Nhà ở. Thứ 3, hiện nay việc thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội là rất khó, do vậy rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như là nhà nước. Vướng mắc thứ tư là Luật Kinh doanh bất động sản liên quan đến việc vận hành nhà sau khi xây dựng xong. “Chúng tôi đã bàn bạc và làm việc với Bộ Xây dựng, sắp tới sẽ báo cáo Thủ tướng để sửa Luật này trong thời gian tới", ông Khang thông tin thêm.
Triển khai 116 dự án nhà ở cho công nhân
Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm và chỉ đạo thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu mét vuông nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. Điều đó cho thấy, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra về phát triển nhà ở cho công nhân.
Theo quy định hiện nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 2% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tại khu công nghiệp cũng phải dành 2% quỹ đất trong quỹ đất của khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chỉ đạo dành rất nhiều ưu đãi, như miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, được miễn và giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% quỹ nhà thương mại trong các dự án nhà ở xã hội để bù đắp các chi phí, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Các dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng được các địa phương tùy theo tình hình sẽ hỗ trợ một phần các hạ tầng, kỹ thuật, cũng như hạ tầng xã hội trong các dự án này. Bên cạnh đó, nhóm vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như lựa chọn các đối tượng một cách thuận lợi cho cả chủ đầu tư và công nhân tham gia thuê, mua nhà; hỗ trợ cho các chủ đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Nhóm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng nằm trong chương trình này. Theo đó có 2 nhóm chính sách được bổ sung, nhóm 1 là hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều được vay vốn và đều được hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ. Đây là quy mô rất lớn hỗ trợ cho các chủ đầu tư trong thời gian tới. Nhóm 2 là gói giúp người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ đồng, trong thời gian vay là 25 năm, lãi suất là 4,8%/năm. Với nhóm chính sách này, sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi khi triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với các địa phương, đôn đốc các địa phương triển khai nhà ở cho công nhân. Qua làm việc với 14 địa phương cho thấy, các địa phương đang rất tích cực triển khai các dự án này. Theo kết quả ban đầu, hiện đang triển khai 116 dự án với quy mô 7,6 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân. Với kết quả này, chúng tôi tin trong thời gian tới, vấn đề nhà ở cho công nhân ngày càng được cải thiện - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tin tưởng.