Hợp tác sản xuất phim, xây dựng rạp

Nhà nước giữ vai trò điều tiết và giám sát

- Thứ Năm, 21/01/2021, 16:21 - Chia sẻ
Về chính sách của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia kiến nghị bổ sung trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) nội dung: Nhà nước giữ vai trò điều tiết và giám sát việc đầu tư từ các đơn vị tư nhân hoặc tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm tỷ lệ không vượt quá 51% trong các lĩnh vực hợp tác sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất rạp…

Báo cáo với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sáng 21.1, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương khẳng định, đây là vấn đề lớn, quan trọng đối với sự phát triển của điện ảnh và văn hóa Việt Nam, vì điện ảnh là lĩnh vực đầu tư có tiềm năng lớn, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho ngân sách mà cả lợi ích văn hóa cho toàn dân. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu tại buổi làm việc

Hiện nay 3 công ty lớn là CJ, Lotte, Platinum xây dựng cơ sở phổ biến phim chiếm tỷ lệ 59% trên tổng số rạp trên cả nước, con số này đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Và người có rạp là người có quyền áp đặt tỷ lệ ăn chia với công ty phát hành phim, cũng như lựa chọn, xếp lịch chiếu phim, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và chi phối về văn hóa.

Từ thực trạng này, “Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có quy định để bảo đảm sự công bằng lợi ích giữa đơn vị phổ biến phim và đơn vị phát hành phim, tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé và độc quyền trong lĩnh vực phổ biến, phát hành phim”, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương nói.

Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng kiến nghị Nhà nước cần khôi phục vai trò điều tiết trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phim như trước đây. Theo Luật Điện ảnh hiện hành, đơn vị sự nghiệp chỉ được nhập khẩu phim, lưu hành nội bộ để phục vụ yêu cầu công tác của mình; Doanh nghiệp phát hành phim phải có rạp mới được nhập khẩu phát hành phim. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đề nghị sửa: Đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim (dù có rạp hay không có rạp) được nhập khẩu, xuất khẩu phim và thực hiện quản lý, sử dụng phim nhập khẩu theo quy định pháp luật.

Từ thực tiễn hoạt động cũng như đặc thù của ngành điện ảnh, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương kiến nghị Nhà nước giữ vai trò điều tiết trong các lĩnh vực hợp tác sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất rạp, cũng như xuất nhập khẩu phim

Ngoài ra, Nhà nước cần có quy định, giải pháp cụ thể để từng bước đầu tư cho điện ảnh, đặc biệt là cơ sở chiếu phim tại các tỉnh (Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng). Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) bổ sung quy định: Cơ sở điện ảnh tham gia phát hành phim có nghĩa vụ cung cấp phim đến các cơ sở phổ biến phim tại địa phương với tỷ lệ phân chia thấp hơn các cơ sở phổ biến tại các thành phố lớn. Có chế tài xử lý vi phạm những nội dung bị cấm trong luật ví dụ như: Phổ biến tác phẩm điện ảnh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam khi chưa được cấp phép; phổ biến bản phim không đúng với bản phim được cấp phép.

Nhấn mạnh Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh rất cần thiết, ông Nguyễn Danh Dương đề xuất, trích 0,5 - 1% từ doanh thu chiếu phim tại rạp để có điều kiện hỗ trợ điện ảnh phát triển…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ cho rằng, các cơ chế, chính sách phải bảo đảm bình đẳng, công bằng, vì mục tiêu cao nhất là phát triển nền điện ảnh Việt Nam

Đoàn khảo sát ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và sẽ nghiên cứu tiếp thu trong quá trình thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhằm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, qua đó góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Nhật Linh