Nhà nước có vai trò quyết định trong thực hiện quyền hiến định mới của công dân – quyền được bảo đảm an sinh xã hội

Ts. Bùi Sĩ Lợi
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
08/03/2014 08:44

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và phát huy mọi quyền con người và quyền cơ bản của công dân nhằm góp phần thúc đẩy và bảo đảm sự phát triển của dân tộc, sự thịnh vượng của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Hiến pháp đã ghi nhận một số quyền mới, quan trọng của công dân như: quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc… thể chế hóa quan điểm, định hướng lớn của Đảng về chính sách xã hội, an sinh xã hội, phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và đặc biệt, đã thể hiện rõ quan điểm tôn trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của nước ta.

Quyền được bảo đảm an sinh xã hội trở thành hiện thực khi Nhà nước xây dựng được một hệ thống duy trì thu nhập

Khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở ngay Chương II (Hiến pháp năm 1992 là Chương V). Điều này thể hiện nhận thức mới, triết lý mới, tư duy mới coi con người là động lực phát triển xã hội và nhân dân là chủ thể lập hiến. Trong đó, Hiến pháp ghi nhận một số quyền mới, thể hiện bước phát triển của nước ta như: quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền được hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, sử dụng ngôn ngữ giao tiếp và quyền được sống trong môi trường trong lành...                     

Trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội, Hiến pháp 2013 cũng ghi nhận nhiều nội dung mới, thể hiện trên các khía cạnh cơ bản sau. Trước hết, những vấn đề chung, có tính nguyên tắc, tại Điều 16:

1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội)

Điều 26:

1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.

Quy định này phải quán triệt và tuân thủ nghiêm ngặt, xuyên suốt nguyên tắc bình đẳng, nhất là bình đẳng giớikhông phân biệt đối xử.

Tiếp đó là những quy định trực tiếp về lao động, việc làm được quy định tại khoản 1, Điều 35:

1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc)

Và khoản 1, Điều 57: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động.

Như vậy, để các quyền này được thực hiện, ngoài vai trò quyết định của bản thân công dân, trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước đóng vai trò quan trọng. Theo đó, ngoài Điều 35, tại Điều 57, Hiến pháp quy định: 1. Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân, tạo việc làm cho người lao động. 2. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Đồng thời, để bảo đảm công dân có quyền, làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc, Hiến pháp còn quy định người sử dụng lao động phải bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương và chế độ nghỉ ngơi; nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 không những quy định quyền của công dân mà còn quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo đảm công dân có điều kiện thực hiện được quyền của mình, trong đó có trách nhiệm của Nhà nước và người sử dụng lao động. Những nội dung mới nói trên cần phải được cụ thể hóa bằng các văn bản luật.

Về quyền được bảo đảm an sinh xã hội được Hiến pháp ghi nhận tại Điều 34 là quyền mới chưa được ghi nhận trong các bản Hiến pháp trước đây. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc ghi nhận công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội là tất yếu. Bởi an sinh xã hội là sự cung cấp phúc lợi cho các hộ gia đình và cá nhân thông qua cơ chế của Nhà nước hoặc tập thể nhằm ngăn chặn sự suy giảm mức sống hoặc cải thiện mức sống thấp (định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế). Hay chính sách an sinh xã hội bao gồm chính sách thị trường lao động và việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách trợ giúp xã hội và chương trình lưới an toàn xã hội (có tính chất tạm thời) – khái niệm theo nghĩa rộng được đưa ra tại Hội nghị trù bị về an sinh xã hội ASEAN năm 2001. Đây là cơ sở hiến định để công dân bảo đảm có được thu nhập tối thiểu nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói khi không có việc làm hoặc không có thu nhập. Đồng thời, là cơ sở hiến định để Nhà nước xây dựng một hệ thống duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội. So với các quyền khác của công dân, thì quyền được bảo đảm an sinh xã hội chỉ trở thành hiện thực khi Nhà nước xây dựng được một hệ thống duy trì thu nhập. Vì vậy, Nhà nước có vai trò quyết định trong việc thực hiện quyền mới này của công dân. Chính vì thế cùng với Điều 34, Điều 59 cũng nêu rõ: Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội.

Nên ban hành một đạo luật về an sinh xã hội

Về cơ bản, kết quả rà soát các luật, pháp lệnh trong lĩnh vực lao động – việc làm, an sinh xã hội cho thấy, các quy định của Hiến pháp năm 2013 được thể hiện có tính chất khái quát trong Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (các Điều 16, 26, 32, 34, 35 và 37). Các nội dung liên quan đến các lĩnh vực này quy định trong Chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường chủ yếu khẳng định trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là chủ thể quản lý xã hội (các Điều 57, 59, 61).

Cũng theo kết quả rà soát thì chưa có quy định nào trong các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến các quyền này có dấu hiệu trái với Hiến pháp 2013. Việc thể chế hóa Hiến pháp 2013 trong lĩnh vực này tập trung vào việc thể chế hóa các nội dung mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân được thực hiện đầy đủ. Đồng thời, cần tiến hành rà soát tất cả các luật, pháp lệnh có liên quan để phát hiện các khoảng trống, bổ sung, sửa đổi các điều khoản, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, bình đẳng giới, không phân biệt đối xử, giải phóng triệt để sức lao động và xác định rõ, kết hợp hài hòa, hợp lý vai trò, trách nhiệm của Nhà nước và thị trường đối với vấn đề lao động, việc làm, tiền lương và an toàn vệ sinh lao động. Ở đây, cần nhấn mạnh tuyên bố của Hiến pháp về giải phóng triệt để sức lao động trong tổng thể giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung vào 2 mũi nhọn. Một là, Nhà nước có chính sách khuyến khích và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong kinh tế thị trường, đột phá vào phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng với chất lượng cao hơn. Hai là, xây dựng và hoàn thiện chính sách bảo đảm tự do hóa lao động mạnh hơn nhằm giải phóng triệt để sức lao động, đột phá vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Trên cơ sở đó, cần nghiên cứu xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu, áp dụng cho khu vực sản xuất kinh doanh (khu vực thị trường). Tiền lương tối thiểu là sàn thấp nhất về tiền lương trong kinh tế thị trường và là công cụ của Nhà nước để thực hiện quyền được hưởng lương của người lao động, người làm công ăn lương mà người sử dụng lao động không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Xây dựng Luật về điều kiện làm việc hoặc Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động; trong đó, cần quy định những vấn đề cơ bản về tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động; văn hóa an toàn tại nơi làm việc; bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm của các chủ thể 3 bên (Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động) trong việc bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động và quản lý Nhà nước về điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động.

Nghiên cứu xây dựng Luật Quan hệ lao động, trong đó cần quy định những vấn đề cơ bản về quyền, trách nhiệm của các chủ thể đại diện thực sự 3 bên (Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động) trong quan hệ lao động theo đúng nguyên tắc của thị trường, có tính đến yếu tố hội nhập và tính đặc thù của nước ta; thiết lập và vận hành cơ chế 3 bên ở cấp quốc gia, cơ chế 2 bên ở cấp doanh nghiệp; vấn đề đối thoại xã hội và thương lượng tập thể; tranh chấp lao động, đình công và giải quyết tranh chấp lao động, đình công... thiết chế tổ chức của quan hệ lao động, nhất là Ủy ban quan hệ lao động cấp quốc gia và cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; quản lý nhà nước về quan hệ lao động...

Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng với tính chất bảo hiểm xã hội là trụ cột cơ bản nhất của hệ thống an sinh xã hội quốc gia hoàn chỉnh, đa dạng, theo nguyên tắc đóng – hưởng, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm tai nạn lao động. Bảo đảm an toàn và phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội theo cơ chế tạo nguồn, độc lập tương đối với chính sách tiền lương, giảm dần phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Khuyến khích phát triển các hình thức bảo hiểm hưu trí bổ sung và tự nguyện khác, nhất là doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm hưu trí theo cơ chế thỏa thuận.

Để bảo đảm thu nhập và các điều kiện sinh sống ở mức tối thiểu (bằng các hình thức và biện pháp khác nhau) đối với các đối tượng gặp rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, thiệt thòi trong cuộc sống không đủ khả năng tự lo được cuộc sống, cần sửa đổi và hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội theo hướng xây dựng Luật Trợ giúp xã hội, hướng tới xây dựng một gói trợ cấp chung cho các hộ gia đình, người dân thuộc diện thụ hưởng. Hoàn thiện sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng xây dựng đồng bộ và toàn diện chính sách hỗ trợ trẻ em: tích hợp các chính sách hỗ trợ trẻ em, kết hợp với chính sách giảm nghèo để nâng cao điều kiện y tế, giáo dục cho trẻ em..  Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về Người cao tuổi: giảm tuổi được nhận trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu/trợ cấp xã hội xuống còn 75 tuổi vào  năm 2020).

Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng bắt buộc đối với mọi người dân; tăng hỗ trợ chi trả đối với người bệnh hiểm nghèo (tim, ung thư...). Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh nhằm bảo đảm mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế.

Đối với quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân, hiện nay, nội dung bảo đảm an sinh xã hội đã được thể chế hóa trong nhiều luật, pháp lệnh như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng... nên thiếu tính hệ thống, nguồn lực đầu tư hạn chế, các mức trợ cấp chưa dựa trên cơ sở nhu cầu mức sống tối thiểu và độ bao phủ cũng còn thấp.

Có thể nói, pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội của nước ta hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được mở rộng của người dân. Nên chăng hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội theo hướng ban hành một đạo luật về an sinh xã hội nhằm hình thành một hệ thống duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý để bảo đảm công dân thụ hưởng được quyền này.    

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhà nước có vai trò quyết định trong thực hiện quyền hiến định mới của công dân – quyền được bảo đảm an sinh xã hội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO