Nhà nho duy tân Hồ Phi Huyền: Từ tinh thần dân tộc đến nhãn quan toàn nhân loại (Phần một)

Đặng Thanh Lê 17/08/2008 00:00

Từ sự tiếp nhận Tân thư, Hồ Phi Huyền đã hình thành một ý niệm toàn thế giới, một nhãn quan toàn nhân loại khi đề cập đến các vấn đề triết học, các trước tác, các học giả Đông Tây kim cổ trên cơ sở một tinh thần khoan dung cởi mở trong tư duy học thuật.

      >>Nhà nho duy tân Hồ Phi Huyền: Từ tinh thần dân tộc đến nhãn quan toàn nhân loại (Phần cuối)

      Một con người, một cuộc đời...
      Hồ Phi Huyền còn có tên là Hồ Phi Thống, người xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An; Hiệu là Đạm Trai, sinh năm 1879, mất năm 1946, xuất thân từ một dòng họ khoa bảng và yêu nước lâu đời. Hồ Phi Huyền sinh ra trong bối cảnh “Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu” khi đó thực dân Pháp chính thức xác lập quyền thống trị trên toàn cõi Việt Nam với hiệp ước 1884. Đến năm 1946, Hồ Phi Huyền đã nhìn thấy ngọn cờ đỏ sao vàng trên bầu trời đất nước trước khi ra đi mãi mãi...
      Hồ Phi Tự, thân phụ của ông, đỗ Cử nhân và đã trải qua các chức tri huyện, quyền tri phủ. Hồ Phi Huyền lớn lên được mẹ là con gái Tiến sỹ Văn Đức Giai chăm lo, nuôi nấng. Bà nhờ em là Tú tài Văn Đức Thùy dạy học cho con. Năm 21 tuổi, Hồ Phi Huyền đỗ Cử nhân- khoa này Phan Bội Châu đỗ Giải nguyên. Kế thừa truyền thống họ Hồ, ông trở thành bạn đồng tâm đồng chí và tham gia hoạt động trong các phong trào của các nhà nho yêu nước như Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn rồi bị thực dân Pháp bắt giam. Ra tù, ông mở trường dạy học, bốc thuốc, viết sách trở thành danh nho, danh y đương thời, đồng thời tham gia hoạt động chính trị xã hội công khai.
      Cũng như những người đồng hương khác, Hồ Phi Huyền đã được nuôi dưỡng bởi một truyền thống tốt đẹp nhất của một địa phương ưu tú là xứ Nghệ An- nơi những con người là hình ảnh của mảnh đất họ mang trên mình: quyết liệt, cứng cỏi, ưu tư, anh hùng. Mặt khác, kế thừa truyền thống ông cha, trải qua giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX, dòng họ Hồ đã góp phần xứng đáng vào phong trào Cần vương yêu nước và tiếp đó vào cuộc đấu tranh của tầng lớp nho sỹ yêu nước duy tân. Qua công trình Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, Hồ Sĩ Giàng đã tổng kết: “Thực dân Pháp xâm lược nước ta, các sỹ phu yêu nước người họ Hồ đã kề vai sát cánh cùng các nhà yêu nước đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Nhiều người đã xung phong đi đấu tranh, hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Nhiều người đã giữ vững khí tiết không hợp tác với quân cướp nước và bán nước...”
      Hồ Sĩ Giàng cũng đã nói đến một số cuộc đấu tranh dưới thời kỳ Pháp thuộc tại xã Quỳnh Đôi với sự tham gia của những con người yêu nước trong họ Hồ, trong đó Hồ Phi Huyền “tham gia những cuộc đấu tranh chính trị tại địa phương. Vụ kiện năm 1935- 1938 của dân làng “có sự lãnh đạo của Đảng” nhằm mục đích chống lại sự tham nhũng của cường hào, hội đồng hào mục và những hành động chống phá cách mạng... Dân làng cử Hồ Phi Thống đứng đầu vụ kiện. “Vụ kiện có tiếng vang lớn vì Đảng đã khéo léo vận dụng nhiều hình thức đấu tranh, vận động được đông người tham gia”, trong đó có vai trò của Hồ Phi Huyền “là nhân sỹ có ảnh hưởng lớn ở Nghệ Tĩnh”. Báo chí công khai đương thời đã sôi nổi đưa tin về một cuộc đối đầu và “đọ sức”- theo nghĩa đen của từ này- giữa Hồ Phi Huyền với tri huyện Quỳnh Lưu là Trần Mậu Trinh “xuất thân lính khố đỏ, chống cộng khét tiếng, tích cực đàn áp cách mạng được Pháp thăng lên tri huyện”.
      Khi được bầu làm chánh tộc họ Hồ và làm chánh hương hội, ở chức phận này, “Hồ Phi Huyền đã thực hiện được một số cải cách. Đặc biệt có công xây dựng công trình thủy lợi như đắp đê cống Hói Nồi, kéo dài các hệ thống tiểu câu”. Qua các tư liệu khác và căn cứ trên một số bài trong Đạm trai Văn tập, còn có thể thấy Hồ Phi Huyền đã chủ trì công việc phát triển tiểu thủ công và thương nghiệp tại địa phương.
      Ngoài công việc tham gia đấu tranh chính trị- xã hội, công việc chữa bệnh và trước tác, Hồ Phi Huyền còn nhiệt tình, kiên trì, liên tục tham gia công việc dạy học cho đến tận cuối đời. Trước hết là những lớp học tại gia và có những trường hợp “ngồi nơi”- làm gia sư ở một số địa phương khác. Hồ Phi Huyền đã từng được gia đình Đặng Nguyên Cẩn- thân sinh Đặng Thai mai- mời về Thanh Chương dạy học cho con cháu trong nhà. Dưới sự dạy dỗ của Hồ Phi Huyền, nhiều con cháu đã trở thành lương y, nhà giáo. Nhiều người trong họ đã nhiệt tình tham gia hoạt động cứu nước. Trong đó có thể kể tên Hồ Phi Tường, trưởng nam và Hồ Thị Đạm, con gái của Hồ Phi Huyền. Đặc biệt có Hồ Phi Nhung (cháu con em ruột của Hồ Phi Huyền) là tác giả của những bài thơ “giọng buồn” về nỗi niềm “Hồn non sông man mác đâu đây”. Một trong những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Giáp, cũng đã từng thụ giáo Hồ Phi Huyền vào những năm 1930.
      Sự nghiệp trước tác của Hồ Phi Huyền
      Theo Lời dẫn Bản chi phổ Ngánh Hồ Phi Quỳnh Đôi do Hồ Phi Tường, trưởng nam của Hồ Phi Huyền, dịch ra quốc ngữ, sự nghiệp trước tác của Hồ Phi Huyền bao gồm: Nhân đạo quyền hành (NĐQH), nguyên tác Hán văn, bản quốc ngữ do chính Hồ Phi Huyền tự dịch; Đạm Trai văn tập (ĐTVT) (Hán ngữ); Y thư toát yếu (Hán văn); Hồ Quỳnh y án (Quốc ngữ); Vần quốc ngữ tắt; Dược tính (Dịch thuật); Y phương giải (Dịch thuật) và Ôn dịch luận (Dịch thuật). Về trước tác quốc ngữ, ngoài bản dịch NĐQH, Hồ Phi Huyền còn viết Hồ Quỳnh y ánVần quốc ngữ tắt (có thể gọi là giản lược) với cách viết “mỗi chữ không quá ba chữ cái, nhưng dấu thì có phiền hơn lối viết cũ một chút; Viết theo kiểu Khải thư chữ Hán thì rõ ràng mà đẹp, không mấy chữ quá rườm nét”. Rất tiếc là Hồ Quỳnh y ánVần quốc ngữ tắt đã thất lạc.
      NĐQH hoàn thành năm 1928, nguyên bản Hán văn đã được công bố trên các số Tạp chí Nam Phong từ năm 1930-1933. Bản quốc văn do chính tác giả tự dịch, in trên Tuần báo Thanh Nghệ Tĩnh năm 1934 và năm 1936 Nhà in Vương Đình Châu, Vinh- Nghệ An xuất bản thành sách. NĐQH bao gồm hai Thiên- Thiên trên: Phàm lệ đạo người với nội dung giới thiệu và bàn luận về những nguyên lý cơ bản của Đạo người cùng những ý kiến bàn luận, giải thích một số tác phẩm kinh điển của Nho gia có đề cập đến nhân đạo quan. Thiên dưới: Bàn về thực tế đạo người có nội dung nghiên cứu một số vấn đề thực tiễn “xã hội học” (Nam tuyền Trần Huy Hiến gọi là “mấy chương thực hành về tư tưởng chánh trị”) có giá trị nghiên cứu ứng dụng như chính tác giả đã “mệnh danh” qua tiêu đề Bàn về thực tế đạo người. Đương thời, Nam Tuyền Trần Huy Hiến đã có bài viết Cảm tưởng sau khi đọc sách Nhân đạo quyền hành đăng trên Tuần báo Thanh Nghệ Tĩnh số 60 ngày 27.9.1935. Ông nhận xét đó là một cuốn sách: “Nghiên cứu đạo lý có hệ thống, mực thước, phát minh được nhiều điều...”. Ông cũng cho rằng có thể thừa nhận NĐQH là “một quyển trong các sách triết học của thế giới”. Khoảng từ những năm cuối thế kỷ thứ XX cho đến nay đã có một số nhà nghiên cứu bàn về NĐQH trong đó nhiều ý kiến đề cập đến tính chất “chuyên biệt”, “chuyên ngành” của NĐQH.
      Đạm Trai văn tập được sáng tác trong khoảng thời gian 1904-1937. Khác với NĐQH, sau khi được hoàn thành, ĐTVT đã trải qua một cuộc viễn du tròn nửa thế kỷ để rồi đã rất may mắn được trở về với “cố hương”, với con cháu trong gia đình Hồ Phi Huyền. Có thể xếp loại ĐTVT vào lĩnh vực sáng tác văn chương thuộc phương thức Văn Sử Triết bất phân (hiểu theo hàm nghĩa rộng rãi của khái niệm này) thời kỳ trung đại với 8 bài luận, 2 bài phú, 1 bài Tựa, 8 bức thư “nghị luận” (chen lẫn thơ) gửi người thân, bè bạn, 1 bài ký, 5 bài thơ (tổng cộng 25 bài).
      Tổng hợp toàn bộ nội dung NĐQHĐTVT có thể phân loại theo hai bình diện sau đây:
      1. Hệ thống lý thuyết nền tảng bao gồm một số trường phái triết học cổ kim Đông Tây, trong đó có các tác phẩm kinh điển thời kỳ trung đại như Kinh Thư, Kinh Dịch, Luận ngữ, Mạnh tử và các trường phái triết học dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa thời kỳ hiện đại... Nội dung này được trình bày chủ yếu qua 14 chương thuộc Thiên trên NĐQH và qua hai “Thư gửi con rể Đặng Thai Mai” (ĐTVT, Bài 23Bài 25).
      Bên cạnh đó, các học thuyết về Đạo đức học, Kinh tế chính trị học, Xã hội và Văn hóa tư tưởng sự quan hệ trực tiếp với những vấn đề thực tiễn vận mệnh lịch sử và cuộc sống của một con người, một cộng đồng dân tộc và toàn nhân loại cũng đã được vận dụng để kiến giải các vấn đề của Thực tế đạo người qua cả hai tác phẩm.
      2. Những vấn đề thực tiễn cụ thể, sinh động thuộc lĩnh vực “xã hội sử nhân loại”, có giá trị đặc thù dân tộc hay phổ quát khu vực và toàn cầu, thuộc phạm trù cổ trung đại truyền thống hay phạm trù duy tân hiện đại.
      Với quy mô rộng lớn, đời sống xã hội và cá nhân, công cộng và riêng tư của con người đã được đề cập đến qua 38 chương Thiên dưới NĐQH và qua toàn bộ 25 bài trong ĐTVT. Có thể nói, Hồ Phi Huyền đã cố gắng tiếp cận “Thực tế đạo người” cả trên phạm vi không gian Đông Tây và phạm vi thời gian kim cổ, ở hầu hết các lĩnh vực đời sống trên quá trình phát triển lịch sử nhân loại.
      NĐQH là một trước tác triết học, còn ĐTVT bao gồm cả các tác phẩm, tiểu luận và thư từ trao đổi với bạn bè, với người thân của Hồ Phi Huyền. Nhưng chính bài Ngẫu thành đối liên (ĐTVT) với hai câu thơ hàm súc mang tính chất “cảm hứng triết học thăng hoa” viết năm 1930 lại có thể coi là một tuyên ngôn học thuật, một cảm thức văn hóa toàn nhân loại của tác giả.
      Trên bàn có sách cổ kim đông tây, lòng ta cũng vậy. Nếu không phải bậc tiên giác hiểu được thì còn ai hiểu.
      Trong lòng không phân Âu Á trắng vàng, duy chỉ những bậc người ấy. Nếu ngày một mới, thì mới tất lại tạo nên cái mới. 
      Cho đến nay, NĐQH đã trải qua hơn nửa thế kỷ và ĐTVT cũng đã có một vận mệnh gần tròn một thế kỷ mà lời dự báo: “Còn đối với việc Âu Á thỏa hiệp thì tất có ngày được thực hiện. Phàm đạo đức là của chung thiên hạ- quốc gia, tộc loại không thể cách biệt xa rời. Nếu thực sự là đạo đức chân chính thì chưa từng không thỏa hiệp. Âu chân Á ngụy thì Á tất phải bỏ mà đi theo Âu. Á chân Âu ngụy thì  u tất phải bỏ mà đi theo Á” (ĐTVT, Thư trả lời con rể Đặng Thai Mai hỏi về quan niệm luân lý Âu Á giống khác nhau như thế nào và có thể thỏa hiệp hay không) dường như đã trở thành một giá trị ý nghĩa hiện đại, hiện thực. Trên nền tảng tư tưởng cởi mở đó, Hồ Phi Huyền đã tiếp cận những yếu tố tương đồng, những khả năng hội nhập của văn hóa tư tưởng Đông Tây kim cổ.
      Nhà nho duy tân
      Xuất thân trong một dòng họ hiếu học, ngoài sự nghiệp hành nghệ và nghiên cứu của một danh y, Hồ Phi Huyền còn được coi là “một nhà thạc nho ở tỉnh Nghệ”. Nói một cách khác, Hồ Phi Huyền tiếp xúctiếp nhận văn hóa khoa học Âu Tây trên cơ sở một nền tảng một trình độ Nho học hệ thống, vững chắc, sâu sắc và trực tiếp qua văn bản gốc. 30 năm “ẩn cư dạy học” cũng là thời gian Hồ Phi Huyền tiếp tục đọc sách, nghiên cứu, từ đó có một trình độ quốc ngữ để tự dịch NĐQH cũng như chiếm lĩnh được một vốn liếng  u học nhất định. Từ sự tiếp xúc với Tân thư, phương pháp và nội dung trước tác biên soạn của Hồ Phi Huyền đã có khá nhiều yếu tố “duy tân”. Từ đó, xuất hiện tên tuổi các nhân vật và các quốc gia ngoài biên giới Tổ quốc. Về các quốc gia trên thế giới, ta thấy Hồ Phi Huyền đã nhắc đến Trung Quốc, Chiêm Thành, cổ đại Hy Lạp, Ấn Độ, Âu Mỹ... Nói đến danh nhân thế giới, ngoài các danh nhân cổ trung đại Trung Quốc chúng ta bắt gặp những tên tuổi của thời kỳ cận hiện đại như Mãn Tuyên Thống, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Nghiêm Phục, Tôn Trung Sơn, Rousseau, Copecnic, Washington và cả Roland phu nhân, một nhà nữ cách mạng Pháp nổi tiếng cùng một số nhân vật khác.
      Có thể coi cử nhân nho học Hồ Phi Huyền là một trong những nhà tư tưởng duy tân, là một trong những tác gia Tân thư với NĐQHĐTVT của ông. Và trong nhiều yếu tố nội dung có tính chất duy tân của hai tác phẩm này, tư tưởng hội nhập Đông- Tây, kim- cổ là một giá trị ưu tú nổi bật. Qua hai tác phẩm, Hồ Phi Huyền thể hiện một tinh thần duy lý khách quan khoa học khi đánh giá Kinh Dịch, Luận ngữ, Mạnh Tử (và cả tôn giáo, phong tục, tập quán Á Đông) đồng thời giới thiệu và khẳng định những giá trị của văn hóa học thuật Âu Mỹ.
      Trên tư thái trí tuệ ấy, tác giả đã phê phán hay khẳng định nhiều vấn đề triết học, đạo đức, học thuật của cổ thư, của nền văn hóa Đông Á với trung tâm văn hóa Trung Hoa đồng thời đề cập đến những giá trị nhân văn, dân chủ trong truyền thống tư tưởng cổ trung đại Á Đông để đi đến ý kiến: “Ngạn ngữ cổ xưa có câu Không có xưa không thành nay ý nghĩa thật hay”. Di sản đó bao gồm cả giá trị của văn hóa cổ đại Âu Mỹ: “Vì thế yêu mến cái cổ xưa của châu Á thì cái cổ xưa của Âu Mỹ cũng không có chỗ nào không đáng yêu” (ĐTVT, Luận về sự ham chuộng cái cổ). Đối với tư tưởng triết học Âu Mỹ, tác giả viết: “Theo những hiểu biết sơ bộ của tôi về Triết học phương Tây thì cái gọi là phép duy vật biện chứng cũng hợp với thuyết biến hóa của tự nhiên. Chỉ hai chữ duy vật là có quan hệ đối nghịch với học thuyết duy tâm cái mà  u Tây gọi là duy tâm rất khác so với cái mà Á Đông gọi là tâm” (ĐTVT, Thư trả lời con rể Đặng Thai Mai hỏi về triết học hiện đại và Dịch học).

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhà nho duy tân Hồ Phi Huyền: Từ tinh thần dân tộc đến nhãn quan toàn nhân loại (Phần một)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO