Nhà nho duy tân Hồ Phi Huyền: Từ tinh thần dân tộc đến nhãn quan toàn nhân loại (Phần cuối)
Nhân đạo quyền hành và Đạm Trai văn tập thể hiện tư thái trí tuệ tỉnh táo, nhạy bén của một nhà tư tưởng, một nhà giáo dục qua nội dung khẳng định những giá trị có tính chất cổ điển của học đường truyền thống và yếu tố tiến bộ của khuynh hướng dân chủ hóa nền giáo dục hiện đại.
|
Học phong, sỹ khí và sự nghiệp hành đạo
Về các lĩnh vực hoạt động xây dựng, phát triển xã hội, Hồ Phi Huyền đi sâu vào vấn đề giáo dục qua một số chương mục Nhân đạo quyền hành (NĐQH) và một số bài trong Đạm Trai văn tập (ĐTVT). Trước hết, tác giả nêu lên mối quan hệ giữa kinh tế và giáo dục, giữa nghề nghiệp và luân lý. Theo tác giả, đây là hai lĩnh vực có quan hệ hữu cơ mật thiết trong sự sinh tồn và phát triển của con người, của xã hội qua nội dung trích dẫn ý kiến của các tiên nho: “Khổng tử luận về chính sự: Làm cho dân giàu, cho dân có giáo dục
(Luận ngữ); Mạnh tử luận về chính sự cũng coi nông trang trồng cấy chăn nuôi và trường lớp học hành là hai việc trọng yếu. Mạnh tử giải thích: “Cái đạo của con người là muốn ăn no, mặc ấm, sống nhàn rỗi mà không có dạy dỗ thì gần cầm thú” (ĐTVT, Bài 23). Tác giả đã khái quát thành cặp phạm trù kinh tế nghề nghiệp và đạo đức luân lý (giáo hóa), tóm lược thành đức và nghiệp và kết luận một cách giản dị, rõ ràng “Làm giàu và dạy dỗ, hai việc không nên thiên lệch bỏ đi việc nào mà nên đứng ở giữa” (ĐTVT, Bài 23).
Qua NĐQH và ĐTVT tác giả đã đề cập một cách khá hệ thống những vấn đề chủ yếu của giáo dục như: giáo dục quốc dân, giáo dục thanh niên, học đường, phụ nữ, học đường hương ấp, giáo dục phổ cập- tiểu học... ĐTVT và NĐQH thể hiện tư thái trí tuệ tỉnh táo, nhạy bén của một nhà tư tưởng, một nhà giáo dục qua nội dung khẳng định những giá trị có tính chất cổ điển của học đường truyền thống và yếu tố tiến bộ của khuynh hướng dân chủ hóa nền giáo dục hiện đại. Tinh thần dân chủ hóa giáo dục ở đây gắn liền với tư tưởng bình đẳng giai tầng, bình đẳng giới và bình đẳng thế hệ.
Từ một nền giáo dục đặc quyền đến một nền giáo dục phổ cập dân chủ, Hồ Phi Huyền đề cập đến học phong, sỹ khí và sự nghiệp hành đạo của tầng lớp trí thức chân chính. Theo Hồ Phi Huyền, khuynh hướng của con người tầm thường là học hành, thi cử nhằm mục tiêu học để vinh thân phì gia. Còn kẻ sỹ chân chính, học hành là để hoàn thiện tài năng cho việc làm quan (để hành đạo giúp đời). “Thi cử là bậc thang tước phẩm để thực hiện chức vụ” (ĐTVT, Bài 9). “Kẻ sỹ quân tử xuất thế giúp đời đảm đương một công việc gọi là chức nghiệp” (ĐTVT, Bài 11). Khu vực đồng văn Đông Á đã có truyền thống trọng kẻ sỹ chân chính, nhân tài đích thực. Khi so sánh với chế độ giáo dục đặc quyền, phân biệt quý tộc và tiện dân ở châu Âu trung đại, Hồ Phi Huyền cho rằng: “Còn như nước ta với nước Trung Hoa, hễ trừ số người Hoàng phái ra rồi, thì ai cũng như ai, chưa bao giờ có họ nào là quý, họ nào là tiện cả. Con nhà dân hạng, học hay thi đậu, chưa mấy năm đã đến đầu triều; con nhà quan sang, đức biếng tài hèn, về trong dân cũng đứng cuối sổ. Cái nghĩa nhân quyền bình đẳng, dẫu chưa trọn vẹn mười phần nhưng cũng đã thực hành trong mấy nghìn năm rồi” (NĐQH, Thiên dưới, Mục 20). Truyền thống trọng đãi kẻ sỹ của các vương triều tiến bộ đã được cụ thể hóa qua phong tục dân tộc: “Nước ta chọn kẻ sỹ qua thi cử. Tiến sỹ đỗ đầu một khoa thi triều đình coi là rường cột. Thời Lý Trần trở lại đây triều đại nào cũng mở mang khoa cử. Mỗi lần thi đều có tế lễ, người đỗ đầu thường độc chiếm đầu con vật cúng tế, người dù hai, ba tước phẩm cũng không được tham dự, tuổi tác cũng không tính đến”. “Tuy vậy, quan trọng là ở sở học, không ở đỗ đạt... Ta cùng lo với người, sao cho khoa thi tiến sỹ trở thành khoa thi nhỏ học, lớn hành chứ không phải biến khoa thi tiến sỹ trở thành khoa thi giành thủ lợn nơi thôn xóm” (ĐTVT, Bài 9).
Có thể nói vấn đề học phong và sỹ khí Hồ Phi Huyền đã nêu lên là một lý tưởng của truyền thống giáo dục trung đại đồng thời vấn có ý nghĩa giá trị sâu sắc, trực diện đối với hôm nay khi văn hóa, khoa học, giáo dục hoạt động trong sự vận hành của cơ chế thị trường, đối diện với khuynh hướng thương mại hóa một số lĩnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc. Chính bối cảnh đó cũng đã khiến đội ngũ trí thức đầu thế kỷ XXI đang phải đối diện với những tình huống thử thách lương tâm kẻ sỹ.
Nhân loại và toàn cầu
Nhân loại và toàn cầu là nội dung, đối tượng và mục tiêu chủ yếu của NĐQH đồng thời cũng được tác giả đề cập đến qua nhiều bài trong ĐTVT. Chủ đề này trước hết được nghiên cứu trên nền tảng lý thuyết cơ bản qua những khái niệm, những phạm trù và những luận đề triết học của một số tác phẩm triết học kinh điển Đông Tây kim cổ và của chính nhà tư tưởng Hồ Phi Huyền.
Qua mục I, Thiên trên: Bàn về Phàm lệ đạo người, NĐQH, Hồ Phi Huyền trình bày một quan niệm về Đạo người tức “đạo công (chung)”. Đạo người là con đường của một người và của “tất cả tụi đầu thẳng chân vuông đều noi theo được hết, không phải một số ít nào giữ riêng được một mình”. Để có thể minh định khái niệm này tác giả đặt đạo người trong hệ thống đạo trời và đạo vật. Trong trường hợp này, đạo người là đạo tư (riêng) của một loài người. Trong hệ nói trên, tác giả cho rằng: Đạo vật thấp quá; Đạo trời thì cao quá và mang tính chất “tự có” siêu hình “một thành tự nhiên” (nhất thành tự nhiên); Đạo người thì chỉ giới hạn ở loài mình mà thôi nên bảo là đạo tư cũng được ví như “quốc gia là công mà thôn xóm là tư, dân một nước gọi là tư trong quan hệ so sánh với cộng đồng nhân loại loài người mới gọi là công được.
Về sự khác biệt giữa đạo người với hai đạo kia: (đạo vật thấp chưa hoàn chỉnh, đạo trời “tự nhiên nhi nhiên”) chỉ riêng “đạo người thì có nghĩ có làm mới được”. Mệnh đề ngắn gọn với những từ ngữ bình dị này đã diễn đạt được tư tưởng của triết học hiện đại âu châu (có thể được lĩnh hội qua Tân thư). Đó là ý kiến khẳng định vị trí của tư duy con người đối với tri thức và phát minh khoa học của Descarrtes: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Dường như “đầu óc thực tiễn” hành đạo giúp đời của Nho gia đã được tiếp nhận từ tầng lớp trí thức Việt Nam vốn sinh trưởng trên một xứ sở mà cả cộng đồng luôn luôn được đặt trước những tình huống thử lửa quyết liệt nhất về sự tồn vong của tổ quốc nên yếu tố tư duy và hành động đã là một ý tưởng luôn được khẳng định trong NĐQH và ĐTVT. Mệnh đề có nghĩ có làm nói trên không chỉ là một nhận thức, đó là một điều “sở đắc” từ sách vở và trở thành một điều tâm đắc để nhà tư tưởng Hồ Phi Huyền đưa lên trang đầu của cuốn sách.
Nếu như qua vấn đề hôn nhân, gia đình và giới và vấn đề quốc gia- dân tộc, Hồ Phi Huyền đã đề cập đến mối quan hệ bình đẳng giai tầng, bình đẳng giới và bình đẳng thế hệ thì trên bình diện toàn cầu, Hồ Phi Huyền đã tán thành bình đẳng quốc gia, bình đẳng dân tộc. “Không kể người nước nào giống nào” cũng đều có thể gặp gỡ trong “đồng một chủ nghĩa”. Dự báo về chiến tranh chủng giới còn kéo dài nhưng đồng thời vào thời điểm những năm 40 thế kỷ trước Hồ Phi Huyền vẫn mang niềm tin “đã dần dần có cái điềm triệu phá bỏ chủng giới và xu vào đại đồng. Ngày đại đồng không còn xa nữa”. Mặc dầu vào những năm cuối của thế kỷ XX, sự sụp đổ của hệ thống các quốc gia xã hội chủ nghĩa đã là một bi kịch lịch sử đương đại cho loài người nhưng niềm tin của Hồ Phi Huyền vẫn là một tri giác và một lương tri lịch sử có ý nghĩa hiện thực và có màu sắc giá trị nhân văn cao đẹp.
>>Nhà nho duy tân Hồ Phi Huyền: Từ tinh thần dân tộc đến nhãn quan toàn nhân loại (Phần một)