Nhà máy sấy cau xả thải gây ô nhiễm
Chuyện khói thải từ Nhà máy sấy cau của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Lãnh Những ngày gần đây, được người dân thôn Bồng Miêu, Trà Sung (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đặc biệt quan tâm. Vùng quê yên bình, bấy lâu nay không khí trong lành, bỗng dưng hứng chịu những đợt khói ngùn ngụt tỏa xuống, làm đảo lộn cuộc sống và gây ra nhiều bất an, lo lắng về sức khỏe.
Hàng ngày cứ vào khoảng 16h, thời điểm Nhà máy hoạt động nhộn nhịp nhất cũng chính là lúc người dân phải chịu màn tra tấn vì khói thải bao phủ. Để tránh khói, giải pháp duy nhất của các hộ dân sống trong khu vực gần Nhà máy là đóng kín cửa và nếu có ra ngoài thì phải bịt khẩu trang. Cơ sở sấy cau này có diện tích 0,5ha thuộc sở hữu của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Lãnh, trước đây là đất rừng của người dân địa phương. Toàn bộ cơ sở vật chất mới được xây dựng và đưa vào hoạt động hơn 1 tháng. Trong quá trình vận hành chủ yếu dùng củi cây cao su để đốt. Theo người dân địa phương, Nhà máy được vận hành theo công nghệ ủ, sấy bằng đốt củi nên cứ hoạt động là thải khói mù mịt. “Khói tỏa thấp xuống nhiều, có thể nhìn rõ bằng mắt thường, thêm vào đó là mùi than cháy pha lẫn mùi khét như cao su bị đốt, rất khó chịu. Nhà đông trẻ nhỏ nên tôi rất sợ các cháu sẽ mắc phải các bệnh về đường hô hấp”, một người dân sống gần nhà máy cho biết.
Trong đợt tiếp xúc cử tri mới đây, người dân thôn Bồng Miêu đã có ý kiến về việc xưởng sấy cau gây ô nhiễm môi trường. Chủ tịch HĐND xã Tam Lãnh Nguyễn Tấn Hòa cho biết: Khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền xã Tam Lãnh đã thành lập đoàn kiểm tra. Ngoài ra, địa phương cũng đã lập biên bản kiểm tra vi phạm 2 lần đối với cơ sở này. Đồng thời, báo cáo cho lãnh đạo huyện Phú Ninh để có hướng xử lý.
Trao đổi với lãnh đạo Phòng TN - MT huyện Phú Ninh chúng tôi được biết, huyện đã lập đoàn kiểm tra, giao cho UBND xã Tam Lãnh xử phạt hành chính, tạm dừng hoạt động đối với nhà máy sấy cau tại thôn Bồng Miêu. Ngoài ra, cơ quan chức năng của huyện cũng khẳng định, nhà máy xây dựng trên đất rừng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng nên chỉ khi nào chủ cơ sở này làm đủ các trình tự giấy tờ hợp lệ và bảo đảm các tiêu chí về môi trường thì mới cho hoạt động trở lại.
Được biết, Nhà máy trực tiếp thu mua sản phẩm cau địa phương, có đóng góp trong việc giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, cùng với phát triển kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường phải được xem trọng, tránh gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.