Ký hợp đồng với các đơn vị có năng lực tiêu thụ tro, xỉ
Đối với Đề án tiêu thụ tro, xỉ: Nhà máy đã thực hiện điều chỉnh Đề án tiêu thụ tro xỉ của Vĩnh Tân 4 và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phê duyệt tại Quyết định số 1247/QĐ-EVN ngày 31.10.2023.
Theo Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 Vũ Thanh Hải, đơn vị đã tích cực khảo sát và tìm kiếm các đơn vị có nhu cầu sử dụng tro xỉ, đặc biệt tại các thị trường tiêu thụ lớn như khu vực miền Bắc, miền Nam. Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong đó yêu cầu Vĩnh Tân 4 xác định giá gói thầu với mức giá trần là đơn giá thấp nhất trong các phương án tính toán, tham khảo làm cơ sở để thực hiện tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định để lựa chọn đơn vị tiêu thụ khối lượng tro xỉ đang lưu tồn tại bãi xỉ. Công tác lựa chọn nhà thầu được tổ chức qua mạng theo quy định hiện hành, bảo đảm cạnh tranh và minh bạch trong đấu thầu.
Hiện tại, Nhà máy đã tiến hành tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng giữa Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường, Công ty TNHH Orient Wealth về việc cung cấp dịch vụ xử lý, tiêu thụ tro xỉ đang lưu tồn trên bãi xỉ. Ngoài ra, Nhà máy đang tiếp tục tổ chức đấu thầu để tìm thêm các nhà thầu tiêu thụ tro, xỉ trên bãi xỉ.
Mặt khác, Nhà máy đã và đang làm việc với địa phương, các chủ đầu tư để sử dụng tro xỉ làm nền đường giao thông, làm vật liệu san lấp, hoàn nguyên mỏ. Cụ thể, thời gian qua, Nhà máy đã chủ động liên hệ và phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận, tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tìm mọi giải pháp đưa được tro, xỉ lưu tại bãi xỉ để sử dụng trong các công trình giao thông, xây dựng tại địa phương.
Điều này đã thu được kết quả nhất định, tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp các công trình sử dụng vốn đầu tư công. Nhà máy đang làm việc với UBND huyện Tuy Phong về các công trình đầu tư công có thể sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp.
Tương tự với tỉnh Ninh Thuận, địa phương đã có chủ trương về việc thí điểm sử dụng tro, xỉ của các Nhà máy Nhiệt điện làm vật liệu xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhà máy đang làm việc với UBND huyện Ninh Phước về các công trình đầu tư công có thể sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp, làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận để có hướng dẫn cụ thể sử dụng tro xỉ để san lấp. Đến nay, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận đang chờ kết quả quan trắc định kỳ thi công và sau thi công hoàn thành của các công trình giao thông nông thôn được thí điểm sử dụng tro xỉ để có đủ cơ sở tham mưu cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tro, xỉ của các Nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp tại các dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Hiện tại, qua tìm hiểu, khảo sát thì Nhà máy được biết có một số đơn vị có nhu cầu tiêu thụ tro, xỉ đang được lưu trữ trên bãi xỉ. Trên cơ sở đó, đơn vị tiếp tục tổ chức, lựa chọn nhà thầu xử lý tro xỉ theo hình thức đấu thầu; xem xét, hiệu chỉnh mức giá hỗ trợ các nhà thầu phù hợp với chi phí thực tế và đơn giá tại khu vực theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Công tác lựa chọn nhà thầu được tổ chức qua mạng theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bảo đảm cạnh tranh và minh bạch trong đấu thầu.
Cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc
Cũng theo ông Vũ Thanh Hải, nhằm giảm áp lực lưu trữ tro xỉ tại bãi xỉ, Nhà máy đã tích cực tìm kiếm các giải pháp để tiêu thụ xử lý tro xỉ; bằng các giải pháp nêu trên, tỷ lệ tiêu thụ, xử lý tro xỉ của nhà máy tính đến hết tháng 10 năm 2024 tăng cao nhất qua các năm, đạt 71,4% tỷ lệ tro, xỉ phát sinh. Tuy nhiên tỷ lệ % tiêu thụ tro xỉ vẫn chưa cao như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, các tổ máy vận hành theo kế hoạch huy động của A0, có nhiều thời điểm dừng máy dự phòng, nguồn tro xỉ cung cấp không ổn định nên không có nhiều sự ưu tiên của nhà thầu khi nhà máy khởi động trở lại và cần xử lý tro xỉ phát sinh khi vận hành.
Thứ hai, qua việc khảo sát và cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy đối với tro xỉ của Vĩnh Tân 4 cho thấy, tro xỉ của Nhà máy rất thích hợp cho các nhu cầu làm vật liệu xây dựng, phụ gia xi măng hay san lấp mặt bằng, làm nền đường giao thông và đặc biệt hàm lượng các chất độc hại, kim loại nặng đều thấp hơn ngưỡng cho phép nên không gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ tại địa phương khá hạn chế, việc sử dụng tro, xỉ ở bãi xỉ để san lấp mặt bằng, làm đường giao thông tại khu vực cũng đang gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, khoảng cách vận chuyển đến các khu vực tiêu thụ tro, xỉ tiềm năng phía Nam là khá xa, chi phí vận chuyển cao, làm tăng đáng kể giá thành sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ của Nhà máy.
Thực tế, thói quen của các địa phương, người dân trong việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp, làm vật liệu nền đường giao thông chưa cao, do đó còn e ngại trong việc sử dụng tro, xỉ vào các mục đích này. Các địa phương cũng chưa có chính sách ưu tiên, các hướng dẫn cụ thể của chính quyền và cơ quan chức năng tại địa phương cho các dự án, công trình sử dụng tro xỉ thay thế vật liệu xây dựng truyền thống.
Thứ ba, mặc dù tro của Vĩnh Tân 4 có các thông số tốt, tuy nhiên do tro của Nhà máy có màu vàng, loại tro này trộn vào xi măng sẽ đổi màu xi măng, nên thị trường ít tiêu thụ.
Từ những khó khăn đó, Nhà máy kiến nghị các cấp chính quyền cần truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp, dần thay thế vật liệu truyền thống. Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương sớm hoàn thiện thủ tục phê duyệt đầu tư dự án cảng xuất tro, xỉ để tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển tro xỉ và các sản phẩm từ tro, xỉ qua đường biển.