Nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu
Trong 15 năm giữ trọng trách Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ, ông được nhìn nhận là nhà lãnh đạo vì nước, vì dân, với tư duy đổi mới, năng lực kỹ trị cùng phẩm cách liêm chính, khiêm nhường, ham học hỏi và biết lắng nghe…
Dấu ấn chặng đường
Bên lề tọa đàm Lãnh đạo kỹ trị và chiến lược phát triển, Sống - Thương hiệu sách tác giả Việt của Alpha Books ra mắt cuốn sách “Phan Văn Khải - Những hồi ức đặc biệt”. Cuốn sách chọn lọc một số bài viết về cố Thủ tướng Phan Văn Khải dưới góc nhìn của đồng nghiệp, những người thân cận, báo chí, các bài trả lời phỏng vấn của ông, và qua những người dân mà ông tiếp xúc. |
Kết thúc chặng đường 60 năm làm việc, Thủ tướng Phan Văn Khải nghỉ hưu tại quê hương Củ Chi (năm 2006). 12 năm về với đời thường, ông sống bình dị với bà con đồng hương, gặp gỡ ân tình với những người từng chia sẻ gian lao thời chiến hay năm tháng sống trên đất Bắc. Ông giúp người gặp khó khăn, chăm lo tôn tạo ngôi đình làng, trồng cây, xây trường học cho trẻ em quê nhà… Những điều ấy là câu chuyện thường được kể bởi những người sống quanh ông.
Chân dung bình dị càng tôn lên “tâm” và tầm” của vị lãnh đạo. Điều đó một lần nữa được khẳng định tại tọa đàm sáng 22.6 tại Hà Nội, đúng dịp 100 ngày mất cố Thủ tướng Phan Văn Khải, và ra mắt cuốn sách Phan Văn Khải - Những hồi ức đặc biệt. Các đại biểu đã cùng nhìn lại, tri ân những thành tựu của ông trong suốt sự nghiệp chính trị với bao nhọc nhằn, suy tư, trăn trở trên mỗi bước đường cống hiến. Đó là giai đoạn đầu nhiệm kỳ, ông chèo lái con thuyền để đất nước không rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Bấy giờ, Việt Nam là một trong số ít nước duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, bội chi ngân sách, nợ công được kiểm soát, lạm phát ở mức thấp.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người “đứng mũi chịu sào” bảo vệ dự thảo Luật Doanh nghiệp năm 1999 trước Bộ Chính trị và Quốc hội, trực tiếp chỉ đạo quá trình tổ chức thực hiện Luật có nhiều cải cách đột phá này. Ông cho thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp trực thuộc Thủ tướng để thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của người dân trên những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Nhiều thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng không quên câu nói của ông khi ấy: “Đây là cơ hội để làm bật dậy sức mạnh của người dân Việt Nam trong việc kiến thiết đất nước mình”. Và lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế Việt Nam đã bãi bỏ được gần nửa số giấy phép con tồn tại thời điểm đó. Luật Doanh nghiệp trở thành hiện tượng mà sau này quốc tế vẫn dẫn chứng như một biểu tượng của đổi mới ở Việt Nam. Đổi mới từ tư duy của người lãnh đạo đến sự đồng thuận trong nhân dân để mang lại hiệu quả.
Vào những năm tháng đất nước vươn ra biển lớn, ông góp phần xây dựng mối quan hệ đa dạng hóa, đa phương hóa với quốc tế; chủ trì hội nghị cấp cao đầu tiên của ASEAN (1998); thực hiện chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sang Hoa Kỳ (2005)… Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương nhận định: “Trong vị thế người đứng đầu, ở cố Thủ tướng Phan Văn Khải hội tụ 3 yếu tố quan trọng: Được đào tạo bài bản; được rèn luyện thực tiễn; là con người có nhân cách. Điều đó đã giúp ông trở thành người lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và được mến yêu”.
![]() Chia sẻ hồi ức về cố Thủ tướng Phan Văn Khải |
Ảnh: Thái Minh |
Tấm gương bình dị đáng kính
Những ngày cuối cùng trước khi Thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm, có lần mấy anh em ở Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cùng nhau ôn lại cột mốc chính trong chặng đường gần 10 năm làm việc với ông. Chợt một người hỏi: Nếu chỉ dùng một từ để nói về anh Sáu Khải, thì đó là gì nhỉ? Ông Trần Đức Nguyên nói ngay: Là Nhân. Tình cảm sâu sắc ấy cũng là của các đồng nghiệp, người có dịp làm việc với cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, không chỉ riêng bà mà rất nhiều người luôn kính trọng tầm nhìn, tư duy lãnh đạo của cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Kính trọng vì ông là một nhà chính trị - kỹ trị vừa vững vàng về kiến thức chuyên môn, vừa rất biết cách học và làm qua quan sát. Ông thể hiện rõ tinh thần một lòng vì nước vì dân và ý chí kiên định dẫn dắt đất nước đi theo con đường cải cách để phát triển, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Kính trọng vì ông luôn giữ phong thái điềm tĩnh, cẩn trọng trong xử lý công việc, vì tính nghiêm túc mà khiêm nhường khi làm việc với mọi người, thân thiện và chân tình khi tiếp xúc với người dân.
Là lãnh đạo cấp cao, ông luôn sẵn sàng lắng nghe và thảo luận. Ông lắng nghe từ thực tế cuộc sống, từ các đồng sự, chuyên gia và người dân. TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhớ lại thời làm việc dưới quyền cố Thủ tướng: Không ít khi khoảng 5 giờ chiều, anh Sáu gửi một văn bản hỏa tốc với mảnh giấy vàng có bút tích đề nghị Ban nghiên cứu xem và chuyển lại cho anh vào 6 rưỡi sáng hôm sau. Có bữa ăn trưa thứ sáu hàng tuần họp các thành viên để nghe Trưởng ban thông báo tình hình công việc và thảo luận, đôi khi anh Sáu cũng đến trực tiếp nghe và trao đổi thẳng thắn…
“Khi anh Khải về trong Nam, anh tặng tôi một tủ đựng sách, viết chữ: Thân tặng anh Trần Đức Nguyên làm kỷ niệm những năm tháng cùng nhau làm việc”. Dòng lưu bút ấy trở thành kỷ niệm quý giá với nguyên thư ký cố Thủ tướng Phan Văn Khải Trần Đức Nguyên. Những câu chuyện nhỏ như vậy càng giúp hiểu thêm nhân cách về người lãnh đạo này.