Vượt qua hơn 100 đề tài khoa học trên toàn thế giới, TS. Nguyễn Viết Hương, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa góp mặt trong chuỗi sự kiện mang chủ đề “Hoá học xanh và Phát triển bền vững” do UNESCO tổ chức.
Đồng thời, dự án nghiên cứu của TS. Nguyễn Viết Hương được vinh danh là một trong bảy đề tài được UNESCO cùng Tập đoàn PhosAgro và Liên minh quốc tế về Hoá học cơ bản và Hoá học ứng dụng (IUPAC) ghi nhận và trao chứng nhận tài trợ nghiên cứu.
Được tổ chức lần thứ 7 tại Tashkent (Uzbekistan), chuỗi sự kiện mang chủ đề “Hoá học xanh” được UNESCO đăng cai.
Sự kiện có sự góp mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành như: GS. Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc Khoa học Tự nhiên của UNESCO; GS. Amal Kasri, Trưởng phòng Khoa học cơ bản, Nghiên cứu, Đổi mới và Kỹ thuật của UNESCO; GS. Christopher Brett, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Chương trình Khoa học Cơ bản Quốc tế của UNESCO, cựu Chủ tịch của IUPAC và đại diện các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ cùng các nhà khoa học là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu Hoá học xanh trên khắp thế giới.
Mang chủ đề “Hóa học xanh”, sự kiện được tổ chức quy mô cùng chuỗi hoạt động hấp dẫn: Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khoa học về phát triển bền vững”, Lễ vinh danh giải thưởng nghiên cứu PhosAgro/UNESCO/IUPAC; Hội thảo khoa học về phát triển bền vững ở các khu vực châu Á (Green Chemistry for Sustainable Development).
Trong Lễ vinh danh giải thưởng nghiên cứu PhosAgro/UNESCO/IUPAC, Ban Giám khảo quốc tế chọn ra 7 nhà khoa học tương ứng với 7 đề tài đoạt giải có nghiên cứu nhằm phát triển các công nghệ đột phá trong lĩnh vực môi trường, y tế công cộng, an ninh lương thực, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Những nghiên cứu được ban tổ chức lựa chọn tập trung vào phát triển thuốc diệt cỏ sinh học nano thân thiện với môi trường (TS. Afef Ladhari, Tunisia), tái tạo coenzym trong quá trình tổng hợp dầu diesel sinh học (TS. Anita Šalić, Croatia), phát triển vật liệu xanh cho năng lượng mặt trời (GS. Federico Bella, Ý), tổng hợp không dung môi và không xúc tác các dẫn xuất benzen (TS. Hasmik Khachatryan, Armenia); chuyển hóa dư lượng sinh khối bằng cách sử dụng tế bào quang điện hóa (TS. Antonio Otavio de Toledo Patrocinio, Brazil) và tổng hợp xanh các chất xúc tác gốc Pd và Ni được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp (TS. Nguyễn Viết Hương, Việt Nam).
Chia sẻ thông tin về dự án, TS. Nguyễn Viết Hương cho biết, “Tổng hợp một cách tiết kiệm và bền vững các chất xúc tác dựa trên Pd- và Ni bằng phương pháp lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển” do PhosAgro/UNESCO/IUPAC tài trợ là sự hợp tác giữa hai nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Phenikaa, Việt Nam và Trường Đại học Teknologi MARA (UiTM), Malaysia với mục đích chung là đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực hóa học xanh và phát triển bền vững vật liệu nano trong ứng dụng xúc tác.
Dự án nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng kỹ thuật chế tạo vật liệu nano ở nhiệt độ thấp, không sử dụng buồng chân không và dung môi. Cụ thể là phát triển công nghệ lắng đọng lớp nguyên tử kiểu không gian (SALD) nhằm giảm chất thải tạo ra trong quá trình chế tạo, tối đa hóa việc kết hợp các nguyên liệu đầu vào - tiền chất ALD - thành vật liệu nano, và tối đa hóa hiệu quả sử dụng năng lượng của quá trình chế tạo (nhiệt độ thấp, áp suất thường).
Được biết, ALD là một trong những công nghệ chế tạo nano tiên tiến nhất hiện nay, lần đầu được phát triển ở Việt Nam bởi Nhóm nghiên cứu Công nghệ ALD, Trường Đại học Phenikaa, do TS. Bùi Văn Hào và TS. Nguyễn Viết Hương phụ trách.
Giải thưởng nghiên cứu PhosAgro/UNESCO/IUPAC cũng đánh dấu lần đầu tiên một nhóm nghiên cứu trẻ của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghệ nano bền vững được cộng đồng quốc tế ghi nhận, là tiền đề cho các đóng góp khoa học có ý nghĩa thực tiễn, phục vụ cộng đồng tốt hơn trong tương lai.
TS. Nguyễn Viết Hương sinh năm 1990, quê Hà Tĩnh. Anh tốt nghiệp thủ khoa chương trình đào tạo kỹ sư Khoa học vật liệu, và Thạc sĩ Khoa học về Kỹ thuật nano tại INSA de Lyon, Pháp. Năm 2018, anh bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Grenoble Alpes ở Pháp. Nghiên cứu này sau đó được trao giải thưởng cho luận án tiến sĩ xuất sắc của Hiệp hội Hóa học Pháp, lĩnh vực Hóa học chất rắn.
Tháng 8 năm 2019, TS. Nguyễn Viết Hương trở thành giảng viên tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa.
Tới nay, TS. Nguyễn Viết Hương đã có 2 bằng sáng chế quốc tế, 39 bài báo quốc tế, với 31 bài báo ISI Q1. Trong số đó, anh là tác giả chính (first author) đồng thời là tác giả liên hệ (corresponding author) của nhiều bài báo có chỉ số ảnh hưởng cao (IF>10) liên quan đến phát triển công nghệ lắng đọng lớp nguyên tử SALD và vật liệu nano chế tạo bằng công nghệ SALD.