Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân từng hướng nghiệp cho con thế nào?
(ĐBNDO) - Trong lúc dư luận đang ồn ã về việc bổ nhiệm người thân ở nhiều địa phương, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với PGS Nguyễn Lân Cường – Con trai của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân để được lắng nghe ông tâm sự về cách dạy con của cha mình. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành giáo dục, các con, cháu của cụ sau này đều thành đạt và có tiếng nói trong xã hội. Vậy vì sao gia đình này lại luôn được trọng vọng bên cạnh những câu chuyện “con vua thì lại làm vua…”?
Tấm gương sáng về sự tận tụy học hỏi và giản dị
PGS Nguyễn Lân Cường nhớ lại những năm chiến tranh, đất nước rơi vào cảnh khó khăn, gia đình ông cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó. Lúc ấy, gia đình đông con, cha ông – Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân suốt ngày cặm cụi viết sách để tăng thêm thu nhập, còn mẹ ông phải phải đi mua đường kính về chia nhỏ ra các túi bán lại để có thêm tiền nuôi con.
PGS Cường vẫn nhớ, cha ông cứ ăn cơm xong là lại ngồi vào bàn làm việc miệt mài như một con ong cần mẫn. Trong những năm tháng ấy, cụ và các con phải làm việc và học bằng những chiếc đèn dầu tự chế từ các tuýp kem đánh răng đã hết.
|
Thời ấy, cuộc sống nghèo khó như thế, ai được đi nước ngoài là cả một cơ hội lớn để có thêm thu nhập bằng các loại hàng hóa mang về. Thế nhưng, đến khi cụ được Nhà nước cho đi, thì thứ hàng mà cụ mang về chỉ là những chiếc ruột bút bi. Cụ tặng cho mỗi người con của mình 2 chiếc để làm quà.
Ngoài việc liêm khiết, cụ cũng thường dạy các con phải biết chăm chỉ học hành và khiêm tốn. Cụ thường chỉ lên tường và bảo các con hãy chọn một điểm cố định, coi mình đứng ở vị trí đó. Lúc đầu, không ai hiểu vì sao cụ lại bảo các con làm như vậy. Sau khi các con chọn cho mình vị trí trên bức tường, cụ mới từ từ giải thích, từ vị trí đó, nhìn xuống sẽ có rất nhiều điểm khác nhưng nhìn lên cũng có vô vàn điểm cao hơn. Cụ muốn nói với các con mình dù là người giỏi đến đâu thì cũng sẽ luôn có người giỏi hơn mình. Và lời nhắn nhủ xa hơn nữa trong câu chuyện đó chính là luôn phải biết học hỏi để tiến về phía trước.
Chính nhờ sự lao động miệt mài và không ngừng nghỉ “tiến lên phía trước” trong học tập mà Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân đã có rất nhiều công trình khoa học đóng góp cho xã hội. Chỉ riêng trong lĩnh vực từ điển, cụ đã biên soạn 10 cuốn. Cuốn thứ 10 cụ viết khi vào tuổi 90. Công trình 2.111 trang hoàn toàn viết bằng tay đã hoàn thành sau 5 năm trời ròng rã.
Có lẽ nhờ soi vào “tấm gương lớn” là cha, mẹ mình mà những người con của Nhà giáo Nguyễn Lân đã luôn chú tâm học hành và đều đỗ đạt vào các trường đại học danh tiếng.
Chưa bao giờ “can thiệp” vào công việc của các con
Những năm 60 của thế kỷ trước, thông thường các sinh viên ra trường sẽ được tổ chức phân công nhiệm vụ. Các con của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân cũng vậy, một số người may mắn có ngay việc làm. Trong số 8 người con cụ sinh ra, có tới 3 người được gọi đi bộ đội sau khi ra trường. Nhận được thông tin các con sẽ tham gia quân đội, cụ chỉ động viên rất ngắn gọn: “Tốt”.
Với riêng PGS Nguyễn Lân Cường, khi ông học xong Đại học Tổng hợp, cầm tấm bằng về sinh vật trên tay, ông được tổ chức cho biết phải chờ phân công vì chưa có việc. Với cương vị của mình, cụ Nguyễn Lân hoàn toàn có thể tìm cách tạo điều kiện cho con mình có một vị trí nào đó ngay nhưng cụ đã không làm thế, cụ lẳng lặng coi đó là một việc bình thường.
Trong lúc đợi việc, ông Nguyễn Lân Cường đã đi vẽ tranh thuê để kiếm sống trong suốt 1 năm trời. Đến khi ông Cường được phân công về Viện Dược liệu – một nơi không đúng sở trường của ông, cụ Nguyễn Lân cũng không có ý kiến gì. Khi ông Cường được Viện Khảo cổ nhận về làm việc, cụ bà có thắc mắc “Sao lại về một nơi để đào xương cốt thế con?” thì cụ Nguyễn Lân vẫn không đánh giá, nhận xét về công việc của con. Cụ đưa ra quan niệm “không có nghề tốt, nghề xấu, chỉ có làm tốt hay không?”.
PGS Nguyễn Lân Cường còn cho biết, không chỉ để các con “tự bơi” trong công việc, cha ông còn luôn dặn dò phải cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình trong công việc đã được giao phó.
PGS Nguyễn Lân Cường không bao giờ quên ngày em trai ông là ông Nguyễn Lân Việt được giao trọng trách trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Y. Khi nhận tin ấy, cha ông nói với con trai mình vừa đầy tự hào vừa đầy lo lắng: “Con ơi, ngày xưa ông Hồ Đắc Di là một lão làng mới được giao chức vụ ấy. Nhà nước giao chức vụ này cho con là quá vinh dự, quá lớn lao so với con. Mừng ít thôi và phải cố gắng để xứng đáng nhé!”.
Có lẽ nhờ tấm gương lao động hăng say cũng như cách giáo dục đúng mực của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân mà cả 8 người con của cụ đều thành đạt. Họ đều tham gia giảng dạy trong các trường đại học, họ đều là những nhà khoa học, nghệ sỹ có nhiều đóng góp cho xã hội.
Không chỉ thế, thế hệ cháu, chắt của vị nhà giáo lừng danh này cũng đang có những bước tiếp nối truyền thống của gia đình một cách đầy vẻ vang như nữ Giáo sư trẻ nhất Việt Nam Nguyễn Ngọc Lưu Ly (con gái PGS Nguyễn Lân Trung), ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (con trai GS Nguyễn Lân Dũng), cháu Nguyễn Nga Nhi (con anh Nguyễn Lân Hùng Quân đang công tác tại Đại sứ quán Pháp và là cháu nội chuyên gia Nguyễn Lân Hùng). Nga Nhi là học sinh đạt thủ khoa của ba khối chuyên lớp 10 trong kỳ thi vừa qua tại Hà Nội. Cô bé cũng từng tham dự Vòng chung kết Kỳ thi Toán học châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS) năm 2013. Với vị trí thứ tư trong toàn khu vực, Nguyễn Nga Nhi trở thành nữ sinh đạt thành tích cao nhất trong lịch sử cuộc thi uy tín này…
Nhìn vào sự thành đạt của các thế hệ trong đại gia đình Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, có lẽ tất cả chúng ta đều phải thốt lên rằng đây chính là một gia đình “hổ phụ sinh hổ tử”. Họ đã đi lên bằng chính kiến thức, sự ham học hỏi… của mình và đạt được những đỉnh cao vinh quang trong sự ngưỡng mộ của xã hội!