Nhà dột từ nóc, dặm vá được chăng?

Nguyễn Khắc Thuần 19/06/2009 00:00

Lê Hiển Tông mất, Hoàng Tự Tôn là Lê Duy Kỳ được đưa lên nối ngôi, đổi niên hiệu là Chiêu Thống (1787–1789). Nhưng ngay cả khi đã lên ngôi, nhiều bộ sử cũ vẫn gọi Lê Duy Kỳ là Hoàng Tự Tôn. Lê Duy Kỳ vẫn ngầm nuôi chí tái lập quyền uy của Hoàng Đế cho họ Lê, nhưng vì thế non, lực yếu, bản thân lại thiếu bản lĩnh và thiếu cả sự khôn ngoan, cho nên đã phải sớm nếm mùi thất bại. Sách Lê Quý kỷ sự chép rằng:

“Trước kia(1) Tự Hoàng muốn tước quyền họ Trịnh, nên mới sai thảo bài chế, phong cho Bồng làm Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, tước Côn Quận Công và cấp cho ba ngàn lính, năm ngàn mẫu ruộng, hai trăm xã dân để lo việc thờ cúng họ Trịnh. Tự Hoàng còn cho rằng, xưa kia Trịnh Văn Tổ(2), lúc đầu cũng chỉ được phong như vậy, sau mới tiến phong tới tước Vương, nay vì để ngăn sự lấn át về sau, nên làm sắc dụ nói rõ, rằng từ đây chỉ được thế tập tước Công mà thôi. Thấy sắc phong như vậy nên Đinh Tích Nhưỡng tức giận nói:

Mới phong chỉ cho tước Công thì còn khá, chứ nếu nói rõ giới hạn tối cao là tước Công như vậy, thì con cháu họ Trịnh không được noi theo chí hướng, không được nối tiếp để làm công việc của tổ tông, thì thật là đau xót lắm. Nay vì có giặc đến(3), quyền về một mối, bầy tôi văn võ ai ai cũng đều được giữ nguyên chức tước cũ, còn họ Trịnh thì riêng mất quyền vị, há chẳng oan lắm sao? Tôi thấy bá quan trong triều, ai chẳng chịu ơn cơm áo của họ Trịnh, nay sao nỡ đón ý mà hùa theo như vậy.

Nói rồi, Nhưỡng bèn yết thị, kêu gọi các quan nhóm họp ở Tây Long Cung, bàn nhau làm tờ tấu, xin phong tước Vương cho họ Trịnh. Tự Hoàng trước còn kiên trì mệnh lệnh đã ban ra nhưng sau lại thấy ý các quan đã quyết, đành gượng gạo làm theo, phong Bồng làm Nguyên Soái Phụ Quốc Chính, tước Yến Đô Vương. Trịnh Bồng sau khi nhận được sắc phong, liền vào sân điện lạy tạ rồi về phủ nổi trống chầu, lên ngôi chúa. Tự Hoàng muốn dứt bỏ mối tệ cũ, bèn sai đổi các chức danh, như Tham Tụng đổi thành Bình Chương Sự, Bồi Tụng đổi thành Tham Tri Chính Sự, Thiêm Sai đổi làm Thiêm Thư, Chưởng Phủ và Thự Phủ đổi làm Ngũ Quân Đô Đốc Phủ, Tả Hữu Điếm đổi làm Nghị Sự Đường... hy vọng việc này sẽ giảm quyền uy của họ Trịnh.

Các quan thấy vậy thì bàn luận, ý còn chưa quyết, thì Quận Thạc(4) liền yết bảng cáo thị, họp các quan ở Lễ Bộ Đường, dâng biểu tâu xin cứ giữ nguyên các chức danh cũ: Bình Chương kiêm Tham Tụng, Tham Tri kiêm Bồi Tụng, Thiêm Thư kiêm Thiêm Sai, các Chưởng Phủ và Thự Phủ cũng kiêm chức Ngũ Quân Đô Đốc. Ngoài ra, Nghị Sự Đường vẫn phải ở ngoài cửa phủ, vì bầy tôi và dân trong nước đã quen tai quen mắt. Vả chăng như thế cũng không phạm lỗi với nghi lễ và điển chương các đời xưa.

Tự Hoàng bất đắc dĩ phải ưng chuẩn lời tâu, và cũng từ đó mới biết Quận Thạc không chịu phụ theo mình. Tự Hoàng bèn chiêu binh mãi mã để lo củng cố địa vị. Nhưng lúc ấy, gần như chính quyền lại về tay nhà chúa. Tự Hoàng việc gì cũng bị chèn ép, chính sự rối bời, chẳng có thể thống gì cả”.

Lời bàn: Lê Duy Kỳ đã đường đường là Hoàng Đế, vậy mà vẫn bị sử cũ gọi là Hoàng Tự Tôn, chừng ấy cũng đủ biết Lê Duy Kỳ chẳng có chút uy danh gì.

Hoàng Đế mà không được quyền phong tước, cũng chẳng được phép sửa đổi chức danh cho quan lại, thế thì Hoàng Đế chẳng qua cũng chỉ là hư vị hão mà thôi.

Trước là Đinh Tích Nhưỡng, sau lại đến Hoàng Phùng Cơ, quan lại tự ý viết bảng yết thị, tự ý nhóm họp quần thần, đàm tiếu sắc chỉ của Hoàng Đế, định ra cả chức danh phẩm tước, thì quả đúng là “chính sự rối bời, chẳng có thể thống gì cả”.

Nhà đã dột từ nóc, dặm vá mà được chăng? Những trang lý lịch chính trị tiếp theo của Hoàng Tự Tôn Lê Duy Kỳ, tức Hoàng Đế Lê Chiêu THống, không cần nói cũng có thể hình dung được rồi.

_____________

1. Lê Duy Kỳ được lập làm Hoàng Tự Tôn từ năm Quý Mão, 1783.
2. Chỉ Trịnh Tráng.
3. Chỉ quân Tây Sơn.
4. Tức Hoàng Phùng Cơ. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhà dột từ nóc, dặm vá được chăng?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO