Nhà chống lũ

- Thứ Hai, 09/11/2020, 06:40 - Chia sẻ
Năm ngoái, chị Bùi Thị Toan ở xóm 3, thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, tự xây một căn nhà chống lũ. “Nhờ có căn nhà này mà đợt lũ vừa qua, dù nước lên to, sóng lớn, nhưng cả nhà tôi vẫn an toàn tính mạng và giữ được tài sản”, chị Toan nói với Đoàn công tác của Bộ Xây dựng đi khảo sát các điểm sạt trượt, ngập úng tại các tỉnh miền Trung vào những ngày đầu tháng 11.

Tương tự, bà Hồ Thị Lành ở xã Lộc An, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, được dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” hỗ trợ xây một căn nhà chống lũ chừng 15m2 vào năm 2018. Ngôi nhà kiên cố này đã giúp gia đình bà Lành vượt qua vài mùa bão lũ. “Thậm chí nhiều hộ dân xung quanh còn mang đồ dùng, lương thực, thực phẩm đến đây nhờ tích trữ hộ”, bà Lành kể.

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung hiện thực hiện theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” để các hộ nghèo có được một căn nhà tránh bão lũ. Chương trình có mức hỗ trợ 12 - 16 triệu đồng/hộ, cho vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ trong 10 năm để họ cùng huy động nguồn lực của gia đình, dòng họ xây cất được gian chòi có sàn bê tông cốt thép, bảo đảm 3 cứng, diện tích tối thiểu 10m2 và sàn cao hơn mức lụt thường xuyên ở địa phương là 1,5m.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay 6/13 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ theo Quyết định 48, gồm Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và TP Đà Nẵng. 7 tỉnh còn lại gồm: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đều có tỷ lệ hoàn thành đạt trên 70%. Tính đến tháng 9.2020, các địa phương đã hỗ trợ được hơn 19,2 nghìn trong số 21,6 nghìn hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt (đạt 89,1%), với tổng số vốn đã giải ngân là 661,6 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước 249,6 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 192 tỷ đồng và các nguồn vốn khác ước khoảng 220 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương cho thấy trong đợt mưa lũ nghiêm trọng và khốc liệt vừa qua tại miền Trung, chưa có căn nhà nào thuộc Chương trình hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định 48 bị sập đổ, hư hỏng nặng. “Đi kiểm tra ở các địa phương chúng tôi thấy nhà chống lũ phát huy hiệu quả tốt, bảo đảm sinh mạng và tài sản cho người dân không chỉ trong mùa bão lụt năm nay mà cả chục năm qua”, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên diễn đàn Quốc hội tuần trước, một số đại biểu đã khẳng định hiệu quả của mô hình nhà tránh lũ - giúp bà con giữ được sinh mạng và của cải; đồng thời đề xuất Chính phủ nghiên cứu, đánh giá để xây dựng thành chương trình nhà tránh lũ với vùng ngập sâu cho mỗi gia đình.

Đúng như lời các đại biểu dân cử, bão lụt chắc chắn sẽ xảy ra hàng năm như một quy luật của thiên nhiên, thậm chí biến đổi khí hậu còn gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan khó lường. Vì vậy, không thể dùng lòng tốt để khắc phục được hậu quả bão lụt từ năm này sang năm khác. Thay vào đó, Nhà nước cần có chiến lược được thảo luận ở tầm quốc gia để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Cùng với việc xem xét xây dựng lực lượng cứu nạn, cứu hộ độc lập hơn, chuyên nghiệp hơn; đầu tư nhiều hơn trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo lũ sớm và cập nhật bản đồ sạt lở trên toàn quốc… thì cân nhắc mở rộng đối tượng thụ hưởng chương trình xây nhà chống lũ; tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cũng cần được tính đến và tính sớm sau khi tiến hành tổng kết, đánh giá để những thảm cảnh không lặp lại mỗi khi mưa bão đến.

Hà Lan