Một chính khách đặc biệt
Với Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, Phan Tư Nghĩa tham gia khá sớm. Năm 1936, ông hoạt động cho Mặt trận dân chủ Đông Dương. Năm 1942 ông tham gia Mặt trận Việt Minh. Năm 1946, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Liên Việt toàn quốc. Và là Ủy viên Ban Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam liên tục 4 nhiệm kỳ (từ tháng 9.1955 đến tháng 1.1977) và đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
Phan Tư Nghĩa làm đại biểu Quốc hội suốt ba khóa I, II và III. Với uy tín và năng lực của mình, ông có những đóng góp quan trọng vào việc củng cố chính quyền non trẻ vừa giành được độc lập.
Phan Tư Nghĩa sinh ngày 23.10.1910, trong một gia đình quan lại ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông là cháu của nhà cách mạng Phan Đình Phùng. Theo lý lịch tự khai, thuở nhỏ, Phan Tư Nghĩa học tại Albert Saraut Hà Nội - ngôi trường dành riêng cho con Tây, con cái gia đình vào “làng Tây” là những người có vai vế trong xã hội thời đó. Theo nhận xét của những người cùng học, tuy là “cậu ấm” con đại quan, lớn lên trong một gia đình giàu có, song Nghĩa rất ghét con Tây, sống “hòa đồng” với bạn bè Việt Nam cùng lớp và không ít lần “va chạm” với bọn “mắt xanh, mũi lõ” vì chúng khinh miệt học sinh người Việt.
Năm 1925, ông được gia đình gửi sang Pháp du học và theo học tại các trường danh tiếng ở Paris. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, từng được Đảng Cộng sản Pháp tin tưởng và cử đi dự Đại hội Quốc tế cứu trợ công nhân tổ chức tại Berlin. Ông cũng là người Việt Nam duy nhất tham dự Đại hội X của Đảng Cộng sản Pháp. Chính tại Đại hội này, trong tham luận của mình, Phan Tư Nghĩa đã phê phán gay gắt tiểu ban thuộc địa của Đảng đã không quan tâm đấu tranh cho quyền độc lập của Việt Nam và các nước Đông Dương, không đấu tranh chống lại cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Năm 1933, ông về nước. Do những hoạt động chống đối trong những ngày sống trên đất Pháp, ông bị giam lỏng tại nhà ở Kiến An, bị mật thám Pháp theo dõi hàng ngày.
Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, một Chính phủ cấp tiến đã được thành lập do Leon Blum - thủ lĩnh Đảng Xã hội Pháp làm Thủ tướng. Trong bối cảnh đó, Phan Tư Nghĩa được tự do, lên Hà Nội móc nối với những người cộng sản, người yêu nước đã từng quen biết và được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công cùng Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Khuất Duy Tiến tổ chức cho ra đời tờ báo tiếng Pháp Le travail (Lao động) đấu tranh cho quyền dân sinh, dân chủ, cổ vũ cho Mặt trận dân chủ Đông Dương chống thế lực thuộc địa phản động, đòi các quyền tự do, dân chủ cho toàn xứ Đông Dương.
Tờ Le Traival bị đình bản, Phan Tư Nghĩa đứng ra xuất bản tờ Rassemblement (Tập hợp) tiếp tục sự nghiệp của Le travail nhằm tập hợp và liên minh các lực lượng dân chủ ở Đông Dương. Ông tích cực tham gia thành lập Hội Ái hữu báo giới Bắc Kỳ.
Năm 1937, Phan Tư Nghĩa cùng Hoàng Minh Giám, Phan Thanh gia nhập chi nhánh Đảng Xã hội Pháp. Cuối năm đó, ông cùng hai phóng viên của tờ Rassemblement bị bắt và bị đưa ra xét xử tại tòa đại hình Pháp ở Đông Dương. Nhờ uy tín và tài hùng biện của luật sư bào chữa Lambert nổi tiếng của Pháp và Luật sư Hồ Đắc Điềm, ông được trắng án.
Là một chiến sĩ đấu tranh kiên cường trong Mặt trận Dân chủ và tiếp đến là Mặt trận Việt Minh, đầu năm 1944, Phan Tư Nghĩa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công công tác trí thức vận.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm Ủy viên UBND cách mạng Bắc Bộ, phụ trách mảng kinh tế - tài chính.
Một trí thức uyên thâm nhưng hết mực khiêm tốn
Để nâng cao tính chất nhân dân và giá trị pháp lý của Nhà nước dân chủ, ngày 6.1.1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc được tiến hành trên phạm vi cả nước. Ông Phan Tư Nghĩa trúng cử Đại biểu Quốc hội tại Thái Bình.
Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội, trước âm mưu chống phá cách mạng của bọn Việt Quốc, Việt Cách, của Việt Nam Quốc dân Đảng, đòi thay đổi Quốc kỳ, ông đã lên án mạnh mẽ bằng những câu nói nổi tiếng: “Sẽ là một sự sỉ nhục nếu muốn làm việc đó. Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu biết bao nhiêu chiến sĩ, anh hùng. Tôi đề nghị Quốc hội hãy tuyên dương trang trọng Quốc kỳ vinh quang này”. Phát biểu đó được đông đảo đại biểu Quốc hội tán thành và Quốc kỳ, Quốc ca được biểu quyết thông qua.
Giành được chính quyền đã khó. Giữ được chính quyền và phát triển nó còn khó hơn nhiều. Trong bối cảnh đó, theo ông Phan Tư Nghĩa kể lại trong buổi họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1970): Để kẻ thù không thể lợi dụng chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Đông Dương nhằm lôi kéo trí thức Việt Nam phục vụ chính sách xâm lược của chúng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng lúc đó là Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp là kháng chiến Ủy viên Chủ tịch có bàn với tôi và một số anh em là đảng viên cộng sản hoạt động trong chi bộ Đảng Xã hội Đông Dương và một số trí thức ngoài Đảng đứng ra thành lập Đảng Xã hội Việt Nam nhằm đoàn kết các trí thức yêu nước theo xu hướng XHCN tham gia đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng. Đảng Xã hội Việt Nam được thành lập, ta có thêm điều kiện nhân danh Đảng tiếp xúc với Đảng Xã hội Pháp nhằm tranh thủ những người trung thực, đẩy lùi âm mưu cướp nước của những phần tử thực dân trong Đảng Xã hội Pháp đang cầm quyền.
Đảng Xã hội được thành lập, ông Phan Tư Nghĩa được bầu làm Tổng Thư ký. Và ông đảm nhiệm trọng trách đó suốt 10 năm (1946 - 1956) kiêm chủ bút báo “Tiến lên” của Đảng.
Từ năm 1948 ông được cử làm Ủy viên Thường vụ Hội Liên việt và Chủ nhiệm Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác. Từ năm 1957, ông liên tục được bầu làm Ủy viên Ban thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy viên Thường trực Đảng Xã hội Việt Nam. Ông thực sự là cầu nối giữa hai Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam, là sợi dây liên lạc giữa Mặt trận với Đảng Xã hội Việt Nam. Ông cũng là một trong những người đề xuất một loạt chính sách đặc thù đối với trí thức và con em trí thức thuộc Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ, được Đảng Cộng sản chấp nhận và ban hành.
Năm 1964, ông được cử làm Hội thẩm nhân dân Tòa án Nhân dân Tối cao và Ủy viên Ủy ban Văn hóa của Quốc hội.
Ngày 22.7.1988, Đại hội đại biểu Đảng Xã hội họp tại Hà Nội đã tuyên bố giải thể Đảng do đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử của mình. Hầu hết các đảng viên của Đảng Xã hội cũng như Đảng Dân chủ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các đảng viên cũ cũng như đảng viên cộng sản mới được kết nạp chuyển về sinh hoạt tại đảng bộ Mặt trận Trung ương từ năm 1988. Đây chính là thời điểm để anh em cán bộ Mặt trận có dịp gần gũi, tìm hiểu sâu về đồng chí Phan Tư Nghĩa - một chính khách đặc biệt của khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất, và nhiều vị nổi tiếng khác. Phan Tư Nghĩa là một trí thức uyên thâm, biết nhiều, hiểu rộng và sâu nhưng hết mực khiêm tốn. Vì lợi ích tối cao của cơ quan, của Đảng, ông sẵn sàng nhận bất cứ công việc gì được Đảng và nhân dân giao phó. Ông là một tấm gương sáng về “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”.