Nguyễn Văn Huyên - Bách khoa thư văn hóa Việt
Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh, các đề tài nghiên cứu của cố GS. Nguyễn Văn Huyên gần như đề cập đến hầu hết lĩnh vực của đời sống các tộc người. Không chỉ nghiên cứu dân tộc học, GS. Nguyễn Văn Huyên còn là bách khoa thư về văn hóa Việt Nam.
![]() Một góc phòng trưng bày tư liệu về GS. Nguyễn Văn Huyên tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên |
Hội thảo quốc tế Nhân học ở Việt Nam: Lịch sử, hiện trạng và triển vọng ngày 29.9 dành một tiểu ban về GS. Nguyễn Văn Huyên và bối cảnh nhân học Việt Nam đầu thế kỷ XX, trong đó các tham luận phân tích và lý giải nhiều chiều cạnh về Nguyễn Văn Huyên cũng như các công trình nghiên cứu của ông đặt trong bối cảnh lý thuyết đương thời. GS.TS. Ngô Đức Thịnh, Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cho rằng, tiếp xúc với những công trình của GS. Nguyễn Văn Huyên, người đọc cảm thấy ngỡ ngàng bởi tính đa dạng của các đề tài nghiên cứu. “Công trình của ông từ những cuốn sách lớn như Văn minh Việt Nam, đến các công trình nghiên cứu về những hiện tượng văn hóa Việt Nam như: Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á, Bức tranh địa lý hành chính của một tỉnh Việt Nam xưa: Tỉnh Bắc Ninh, Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở Việt Nam... đề tài phong phú, đa dạng, gần như đề cập đến hầu hết lĩnh vực của đời sống các tộc người: kinh tế, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật... Có thể nói, không chỉ nghiên cứu dân tộc học, GS. Nguyễn Văn Huyên còn là bách khoa thư về văn hóa Việt Nam”.
![]() Ngày hội dân tộc Dao, Cao Bằng |
Còn theo PGS.TS. Đỗ Lai Thúy, từ những công trình dân tộc học văn hóa của GS. Nguyễn Văn Huyên có thể lý giải được các hiện tượng văn hóa - xã hội đang gây nhiều lúng túng hiện nay không chỉ ở nhà quản lý, mà cả nhà nghiên cứu. Ví như, dùng định luật tham dự, huyền bí để lý giải sức sống, sự phục hưng của lễ hội hiện nay, đặc biệt là các lễ hội bị coi là dã man, lạc hậu, kém văn minh (như lễ hội chém lợn, giết con trâu thắng cuộc trong hội chọi trâu...), hoặc khái niệm sự kiện xã hội tổng thể để hiểu nạn quà cáp, có thời gọi là văn hóa phong bì. Như vậy, rõ ràng GS. Nguyễn Văn Huyên là người mở đầu cho ngành dân tộc học ở Việt Nam, ông trở thành một trong những nhà dân tộc học lớn nhất của đất nước. “Những công trình của GS. Nguyễn Văn Huyên xuất phát từ dân tộc học nhưng kết hợp nhiều với xã hội học văn hóa như là một sự tổng hợp mới. Bởi vậy, cũng có thể coi ông là người đi đầu trong nhân học văn hóa của Việt Nam” - PGS.TS. Đỗ Lai Thúy nhận định.
Trong tổng số 47 công trình của GS. Nguyễn Văn Huyên, có 20 công trình đề cập tới các khía cạnh khác nhau của tín ngưỡng và lễ nghi của dân tộc, và đều được đánh giá cao, như: Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man, Hội Phù Đổng, Hát Ai Lao ở Phù Đổng, Tục thờ cúng thần tiên, loạt bài nghiên cứu về thành hoàng làng xã... Sự quan tâm của ông đến lĩnh vực này không phải ngẫu nhiên, mà xuất phát từ nhãn quan và nhạy cảm khoa học. GS.TS. Ngô Đức Thịnh nhận xét: “Toàn bộ các công trình của ông đã toát lên một điều là: không nghiên cứu tín ngưỡng dân gian, lễ nghi và phong tục thì không thể hiểu được văn hóa dân tộc; rằng nếu không phải bộ phận hợp thành thì chí ít tín ngưỡng dân gian và văn hóa dân gian cũng kết hợp hài hòa, gắn bó chặt chẽ với nhau, cái nọ là tiền đề và môi trường cho sự nảy sinh, tồn tại và phát triển của cái kia”.
Các nhà khoa học đánh giá, định hướng nghiên cứu và nhận thức khoa học của GS. Nguyễn Văn Huyên còn nguyên giá trị trong hiện tại và cả mai sau, vẫn là bài học cho các nhà dân tộc học và nhân học trong nghiên cứu văn hóa dân tộc.
|