Nguyễn Trọng Tạo - “Mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió”
Tròn một năm sau đêm nhạc đầu tiên trong sự nghiệp “Nguyễn Trọng Tạo - Khúc hát sông quê” diễn ra cùng kỳ năm ngoái tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà thơ - nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo lại trở lại với đêm nhạc cùng tên vào ngày 10.8 tới tại chính mảnh đất quê nhà. Điều đặc biệt của lần trở lại này là ông vừa ngoạn mục trở về từ lằn ranh sinh tử, sau cơn đột quỵ xảy ra hồi cuối năm ngoái.
“Gã nhà quê đa tài”
Đêm thơ nhạc “Nguyễn Trọng Tạo - KHÚC HÁT SÔNG QUÊ” sẽ diễn ra một đêm duy nhất vào tối 10.8.2018 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Nghệ An – Thành phố Vinh. Tổng đạo diễn: Đinh Anh Dũng. Giám đốc âm nhạc: Minh Đạo. Khách mời: NSND Thanh Hoa, nhạc sĩ Giáng Son. MC: Lê Anh. Với sự tham gia của các ca sĩ: Trọng Tấn, Anh Thơ, Phương Thanh, Lê Anh Dũng, Phương Anh (Sao Mai), nhóm Con Gái, nhóm Cỏ Lạ, nhóm Dòng Thời Gian. |
Giới nghệ thuật Việt Nam biết đến Nguyễn Trọng Tạo như một người đa tài, đa tình. Ông nổi tiếng trong thi ca thì đương nhiên rồi. Ngoài ra, ông còn là một nhạc sĩ, một họa sĩ. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, ông có nhiều bài hát hay, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Trong đó có ca khúc “Làng quan họ quê tôi” (phổ thơ Nguyễn Phan Hách), từng được hãng JVC Nhật Bản chọn làm đĩa karaoke “100 bài hát Việt Nam”, và dàn nhạc giao hưởng Leipzig trình tấu trong “Tuần văn hóa Việt Nam” tại Đức. Đến “Khúc hát sông quê” (phổ thơ Lê Huy Mậu) thì công chúng trong và ngoài nước đã mặc nhiên xem ông là một nhạc sĩ được đặc biệt yêu thích. Đa tài nhưng Nguyễn Trọng Tạo được biết đến nhiều hơn trên vai trò nhạc sĩ là vì độ phủ sóng của những bài hát nổi tiếng do ông sáng tác, phổ nhạc. Ca sĩ Anh Thơ, một giọng ca nổi tiếng với những ca khúc mang âm hưởng dân gian chia sẻ, hai trong những bài hát đóng đinh vào tên tuổi của chị chính là nhạc phẩm: “Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê” của Nguyễn Trọng Tạo. Cho dù đã có không ít ca sĩ thể hiện thành công hai ca khúc này nhưng tới lượt mình, chị vẫn cảm giác như nhạc sĩ đã “đo ni đóng giày” cho giọng hát của chị vậy!
Cho đến nay, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã sáng tác khoảng gần 100 ca khúc. Bên cạnh những ca khúc nổi tiếng như “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê” còn có những ca khúc ghi đậm dấu ấn cá nhân của ông như: “Đôi mắt đò ngang”, “Tình ca bên một dòng sông”, “Non nước Cao Bằng”, “Mẹ tôi”, “Đồng Lộc thông ru”, “Tình ca hạt giống vàng”, “Trống hội cổng làng”, “Tình Thu”, “Tình Đông”, “Tình Xuân”, “Tình Hạ”, “Con dế buồn”, “Mưa”, “Nghe biển ru đêm”, “Tình ca hoa cúc biển”…
Có một điều lạ ở đây, là mặc dù từng phổ nhạc thành công nhiều bài thơ nhưng Nguyễn Trọng Tạo lại luôn... trừ thơ mình ra. Song may thay đã có 2 nhạc sĩ nổi tiếng thay ông làm điều đó: Đó là ca khúc “Một dại khờ một tôi” (nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc) và ca khúc “Cỏ và mưa” (nhạc sĩ Giáng Son).
“Chia cho em một đời thơ” - như một câu thơ ông từng viết, nhưng sau cùng và trên hết, người ta lại thấy Nguyễn Trọng Tạo đã “nhân” được mình lên rất nhiều trong những nỗ lực sáng tạo đa chiều, khám phá mình trên nhiều lĩnh vực: văn chương, nhạc họa... của ông; cũng như trong sự kết nối, giao cảm với những người đồng sáng tạo...
Trở về từ cõi chết
2017 phải nói là một năm đầy biến động với nhà thơ - nhạc sĩ tài hoa của xứ Nghệ ở tuổi “thất thập”: Chỉ 3 tháng sau đêm nhạc đầu tiên trong sự nghiệp, vào đúng ngày cuối năm về thăm quê, ông đã bị đột quỵ vì tai biến. Tình trạng của ông lúc đấy bị nhận định là rất nặng, tiên liệu xấu: Chảy máu não, huyết áp rất cao, lúc tỉnh lúc mê, liệt nửa người... Thế nhưng, điều kỳ diệu cuối cùng cũng đã đến: Tác giả của những ca khúc nổi tiếng (Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Tình ca bên một dòng sông...) cùng những bài thơ từng gây chấn động văn đàn như: Đồng dao cho người lớn, Tản mạn thời tôi sống, Tin thì tin không tin thì thôi... đã ngoạn mục trở về từ cõi chết, như ngày nào nhà thơ mặc áo lính này từng đi qua khói lửa chiến tranh...

Đêm thơ nhạc lần này - vì thế - là lời tri ân, chia vui của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo với cuộc đời, quê hương và những tấm tình mà người thân, bạn bè, khán giả, bạn đọc, báo giới cùng các y bác sĩ... đã sát cánh bên ông lúc ngã sự, đã giúp ông có được sức mạnh tinh thần lớn lao để trở lại vui đời, yêu sống dù tuổi cao sức yếu. Cũng là nhằm dịp sinh nhật lần thứ 71 của ông (25.8) - lần sinh nhật đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông khi sự sống lại thêm lần nữa được bắt đầu. “Ai cũng bảo Nguyễn Trọng Tạo là người may mắn. Đến bây giờ, có thể nói tôi đã thoát khỏi tay thần chết, thoát khỏi một cuộc sống quá khó khăn. Và cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục, tôi sẽ trở lại với những cảm xúc mới, thậm chí sống có cảm xúc hơn…”, ông tâm sự.
Như chính những câu thơ ông từng viết ra từ gan ruột và dự cảm: “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa/ Chỉ vết thương rồi thời gian làm sẹo/ Rồi thời gian qua đi rồi tuổi trẻ qua đi/... Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc/ Chỉ Hy vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực/ Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho/ Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa!...”; “Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ ... mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió/ có thương có nhớ có khóc có cười/ có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi...”