Nguyễn Tiến Ngọc và triển lãm "Nối...tiếp!"

- Thứ Năm, 02/12/2021, 20:19 - Chia sẻ
Chiều 2.12, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc đã ra mắt triển lãm "Nối… tiếp!", với 17 tác phẩm về nghi lễ thờ cúng trong văn hóa dân gian Việt Nam.

Nhà sưu tập tranh Nguyễn Thanh Mai chia sẻ, chị biết Nguyễn Tiến Ngọc qua bộ tác phẩm “Nỗi nhớ” anh giới thiệu trước đây bằng chất liệu sơn mài truyền thống với bình vôi, bát điếu, cơi trầu... Những đồ dùng đầu thế kỷ trước trong tranh của Ngọc như hồn cốt của người nông dân đồng bằng Bắc bộ với nếp sống bình dị, coi trọng lễ nghi, tình nghĩa.

Các tác phẩm tại triển lãm đề cao triết lý nhà Phật, vũ trụ và thời gian

Sau “Nỗi nhớ”, bộ tác phẩm mới “Nối… tiếp!” được Nguyễn Tiến Ngọc thực hiện phản ánh nghi lễ thờ cúng trong văn hóa dân gian Việt Nam, đề cao triết lý “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” của Phật giáo. 

"Lễ rước thánh", 140x80cm, sơn mài của Nguyễn Tiến Ngọc

Bộ tác phẩm được chia làm hai phần. Phần 1 là những tác phẩm phác họa vẻ đẹp văn hóa truyền thống qua nghi lễ thờ cúng, thể hiện lòng biết ơn những người có công với làng xã, ý thức giữ gìn lề lối gia phong, ý thức đoàn kết cộng đồng. Những đối tượng tạo hình gồm chó đá, lễ vật hương, hoa, oản, quả, bánh chưng, các đồ thờ (đèn, bát hương, đĩa, chén nước, lọ hoa) hay những vật dụng cơi trầu, bình vôi, mõ cá... nhuốm màu thời gian, như một bảo tàng về đời sống sinh hoạt và tâm linh đặc trưng của nông dân đồng bằng Bắc bộ đầu thế kỷ trước.

"Nối tiếp 9", 60x80cm, sơn mài của Nguyễn Tiến Ngọc

Phần 2 thể hiện triết lý Phật giáo “Sắc bất thị không, không bất thị sắc”, kiếp luân hồi của con người gắn liền với sự vô tận của vũ trụ và thời gian.

Họa sĩ Lê Trí Dũng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá, các tác phẩm tại triển lãm ca ngợi vẻ đẹp trong nghi thức hành lễ của người Việt với ngôn ngữ tạo hình dung dị, phóng khoáng, tự do hòa quyện với chất liệu sơn mài truyền thống. Các tác phẩm cũng cho thấy sức sáng tạo không ngừng của họa sĩ.

Triển lãm giới thiệu tới công chúng đến hết ngày 11.12.

Hà Linh