Nguyên tắc tranh luận
Tranh luận (debate) là đặc điểm không thể thiếu ở nghị trường, được hiểu là sự thảo luận (discussion) theo các quy tắc định trước, nhằm bảo vệ quan điểm về một vấn đề.
Quy định về quy trình, thủ tục tranh luận tại nghị viện các nước khá ngặt nghèo. Cuộc tranh luận chưa được bắt đầu khi chủ tọa chưa nêu kiến nghị của nghị sỹ; chủ tọa cho phép mới được nói; cuộc tranh luận phải bám sát vấn đề hoặc nội dung đưa ra tranh luận; tranh luận phải diễn ra đúng mực, tôn trọng lẫn nhau, không ai được công kích động cơ của người khác.
Người tham gia tranh luận phải tuân thủ quy định về thời gian phát biểu của phiên họp; nếu không có quy định rõ về vấn đề này, không được nói quá 5 phút cho mỗi kiến nghị. Người tham gia tranh luận cũng phải tuân thủ quy định của phiên họp về số lần phát biểu; nếu không có quy định rõ về vấn đề này, không được nói quá 2 lần đối với mỗi kiến nghị. Tuy nhiên, thậm chí nếu có quy định cho phép phát biểu từ hai lần trở lên đối với một kiến nghị, nghị sỹ cũng không được nói lần hai, nếu người chưa phát biểu muốn nói. Một nghị sỹ đang tranh luận về một kiến nghị thì trong lời kết luận bài phát biểu không được nêu kiến nghị giới hạn hoặc kết thúc cuộc tranh luận hoặc ngừng phiên họp. Chủ tọa không được tham gia tranh luận nếu chưa nhường vị trí chủ tọa cho nghị sỹ chưa phát biểu trong cuộc tranh luận đó; khi vấn đề đã được ngã ngũ, chủ tọa có thể lấy lại quyền chủ tọa của mình. Nếu có xung đột lợi ích liên quan đến vấn đề đang được tranh luận, nghị sỹ không được tham gia tranh luận bảo vệ quan điểm của mình, nhưng được cung cấp thông tin nếu được đề nghị. Chủ tọa hoặc một nghị sỹ có thể ngắt lời người đang phát biểu nếu tin chắc rằng người đó vi phạm các quy tắc về tranh luận.
Nếu cho rằng một quy tắc nào đó làm ảnh hưởng đến sự hiệu quả, hiệu năng của cuộc tranh luận, nghị sỹ có thể đề xuất biểu quyết đình chỉ và sửa đổi quy tắc đó, và phải có 2/3 số nghị sỹ có mặt đồng ý mới có hiệu lực. Tuy nhiên, không được thay đổi các quy tắc về sự tôn trọng lẫn nhau, xung đột lợi ích, và về vi phạm thủ tục.
Tại các phiên họp có quy mô nhỏ như họp ủy ban, tiểu ban, với số người tham gia khoảng 15-20 trở xuống, cuộc tranh luận có thể mang tính chất ít nghiêm ngặt hơn. Các nghị sỹ tham dự các phiên họp đó có thể tự quyết định mức độ trang nghiêm của nó tùy thuộc vào tính chất phiên họp hoặc tầm quan trọng của vấn đề. Các quy tắc sau đây có thể được áp dụng cho các phiên họp quy mô nhỏ: Có thể bắt đầu tranh luận mà không cần kiến nghị; không cần phải xin phép phát biểu; được phát biểu nhiều lần không hạn chế; không hạn chế thời gian cho mỗi lần phát biểu; không được đưa ra kiến nghị về việc kết thúc tranh luận; chủ tọa có quyền tham gia tranh luận và đề xuất kiến nghị. Tuy nhiên, nếu thấy sự “thoải mái” này làm đình trệ tiến trình ra quyết định, làm ảnh hưởng đến sự hiệu quả của phiên họp, chủ tọa hoặc nghị sỹ có thể đề xuất biểu quyết sửa đổi quy tắc tranh luận, và chỉ cần đa số nghị sỹ có mặt đồng ý thì kiến nghị có hiệu lực. Cũng như đối với tranh luận trong phiên họp có quy mô lớn, không được thay đổi các quy tắc về sự tôn trọng lẫn nhau, xung đột lợi ích, và về vi phạm thủ tục.