Nguyên tắc sống chung với Covid

- Thứ Tư, 06/10/2021, 06:30 - Chia sẻ

Ở thời điểm này, sống chung với Covid là lựa chọn duy nhất và mở cửa kinh tế là chuyện vô cùng cấp bách bởi cả doanh nghiệp và người dân đều đã kiệt quệ. Từ đầu năm đến nay bình quân mỗi tháng có tới 10 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Và dòng người nối nhau rời khỏi TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… về quê nhà những ngày qua, trong hành lý mang theo cả những chiếc mắc treo quần áo cho thấy dịch bệnh đã bào mòn họ tới mức nào!

Sau giai đoạn dịch bùng phát trên quy mô lớn và mức độ nghiêm trọng ở các tỉnh phía Nam, đồng thời, vaccine được phủ với độ rộng đáng kể, Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược, từ triệt để loại F0 ra khỏi cộng đồng chuyển sang “sống chung” với dịch. Trong chiến lược mới, nguyên tắc lớn nhất khi sống chung với Covid đó là phải chấp nhận có F0 trong cộng đồng, chấp nhận tiếp tục có dịch trong cộng đồng. Nhìn lại thời gian qua, các địa phương chống dịch quá đà, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế phần lớn bắt nguồn từ việc phải chịu áp lực quá lớn trước nhiệm vụ “không để bùng dịch”, không được có F0 trong cộng đồng.

Giờ đây, khi đã quyết định sống chung với Covid thì tiêu chí đánh giá lãnh đạo địa phương không còn là “kiểm soát dịch”, tức là không có dịch, không có F0 mà phải chuyển thành “giảm số lượng F0 trở nặng, hỗ trợ điều trị F0 nặng tốt hay không tốt, giảm F0 tử vong”. Nói cách khác, chức năng của hệ thống chính quyền và hệ thống y tế là bảo đảm người dân tiếp cận y tế nhanh nhất chứ không phải lo cho người dân đừng nhiễm virus. 

Với tư duy và cách tiếp cận mới như vậy, điều kiện an toàn để mở cửa phải là mức độ sẵn sàng của cơ sở điều trị chứ không phải số ca F0; tiêu chí ưu tiên là giường bệnh, bác sĩ, thời gian để chuyển F0 từ nhà vào viện, từ tầng 1 lên tầng 2, tầng 2 lên tầng 3. Tính chi tiết của các tiêu chí cần được xem xét theo địa bàn (đô thị, nông thôn), mật độ dân cư và độ phủ vaccine.

Một điểm yếu trong suốt tiến trình chống dịch vừa qua là chúng ta chỉ mới có hướng dẫn an toàn, tiêu chí an toàn cho từng địa bàn (theo phạm vi địa lý), chứ không có hướng dẫn và tiêu chí cho từng ngành, gắn liền với đặc thù cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ. Vì vậy dẫn đến đóng cửa phạm vi rộng, đóng toàn bộ vùng (địa lý), bất kể trong vùng đó, có những cơ sở sản xuất, dịch vụ vẫn an toàn. Ví dụ, sản xuất nông nghiệp ngoài ruộng đồng sẽ ít rủi ro hơn trong nhà máy đóng kín. Và ngay trong từng ngành cũng sẽ phải tiếp tục cụ thể hóa theo cấp độ.

Như vậy trong giai đoạn này, bên cạnh tiêu chí vùng như Bộ Y tế đang dự thảo, cần khẩn cấp dự thảo thêm tiêu chí ngành. Tiêu chí này Bộ Y tế cần kết hợp với bộ chuyên ngành, các hiệp hội chuyên ngành để dự thảo.

Nói tóm lại, mở cửa phải là trách nhiệm chính của Chính phủ ở 2 khía cạnh: xây dựng được Tiêu chí an toàn cho ngành thay vì cho địa bàn lãnh thổ; và bảo đảm di chuyển an toàn liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh. Thực tế hiện nay, chưa nói đến lĩnh vực dịch vụ, sản xuất ở khu vực Đông Nam Bộ - trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước vẫn đình trệ. Vì mở cửa mới chỉ diễn ra từng tỉnh nên người lao động không di chuyển được. Điều đó vượt ra ngoài phạm vi chính quyền cấp tỉnh. Nó đòi hỏi Trung ương phải hành động, không được “khoán trách nhiệm” cho các tỉnh.

 Trong giai đoạn mới, Chính phủ không nên quy trách nhiệm chung chung “để bùng phát dịch bệnh” cho lãnh đạo địa phương, mà trách nhiệm của địa phương phải là không để xảy ra tình trạng F0 không được hỗ trợ kịp thời, đầy đủ và tổ chức kiểm tra, bảo đảm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tuân thủ các tiêu chí an toàn do Chính phủ ban hành.

Cẩm Phô