Nguyên tắc pháp quyền

Hoài Thu 05/10/2012 08:20

Một nguyên tắc mà hầu hết các nền dân chủ hiện đại đều đề cập đến trong hiến pháp là pháp quyền. Pháp quyền đòi hỏi chính quyền phải hành động theo hiến pháp và luật. Hơn thế nữa, luật phải được áp dụng một cách bình đẳng và nhất quán đối với mọi người, bao gồm cả thành viên Chính phủ. Do vậy, cam kết về pháp quyền đòi hỏi sự đấu tranh mạnh mẽ chống lại tham nhũng chính trị và lạm dụng quyền lực, những điều có thể làm tổn hại xã hội và Chính phủ cả về chính trị, kinh tế và xã hội.

Một quan điểm được ghi nhận rộng rãi trên thực tiễn đó là bổ sung công lý như một yếu tố của pháp quyền. Theo đó, bên cạnh yêu cầu luật phải dự đoán được, có thể tiếp cận được và được áp dụng phổ quát đối với tất cả, pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp lý công bằng. Hơn thế nữa, nguyên tắc pháp quyền không đòi hỏi việc tuân thủ pháp luật, hay là ban hành luật mà còn bao gồm sự bình đẳng, nhân quyền và không có sự phân biệt không chính đáng giữa các tầng lớp xã hội.

Nhiều hiến pháp có nội dung cụ thể về nguyên tắc pháp quyền. Nhưng hiến pháp có thể thúc đẩy pháp quyền theo một số cách khác, chủ yếu là thông qua hệ thống pháp luật phù hợp. Đảm bảo việc thực thi hiến pháp cũng là yếu tố nền tảng. Hiến pháp Thái Lan có điều khoản ghi nhận rằng bất kỳ luật nào cũng sẽ bị tuyên vô hiệu nếu không phù hợp với hiến pháp.

Hiến pháp đảm bảo các nguyên tắc và giá trị căn bản pháp quyền bằng các quy định chặt chẽ về quá trình sửa đổi hiến pháp. Theo nhiều hiến pháp, bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần sự ủng hộ của đại đa số trong nghị viện hoặc phải được nhân dân phúc quyết. Nhiều hiến pháp còn bảo vệ tính trường tồn của một số nguyên tắc và giá trị khi không cho phép sửa đổi những nguyên tắc này.

Do tư pháp áp dụng pháp luật cho từng trường hợp cụ thể, đây là một thiết chế bảo đảm pháp quyền; một nhánh tư pháp độc lập sẽ tạo ra các tiền đề cho pháp quyền. Pháp quyền cũng đòi hỏi quyền được xét xử công bằng và tiếp cận với công lý. Thủ tục tư pháp, bao gồm cả xem xét lại hiến pháp, đảm bảo rằng các nhánh của Chính phủ đều tuân thủ pháp quyền.

Pháp quyền cũng liên quan chặt chẽ đến cuộc chiến chống tham nhũng. Tăng cường tính minh bạch trong các cơ quan và nhánh của Chính phủ, đảm bảo tính độc lập của cơ quan chống tham nhũng như báo chí và các tổ chức xã hội dân sự, và thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng – là những biện pháp giảm tham nhũng hiệu quả. Giám sát và cơ chế đối trọng giữa các nhánh của Chính phủ cũng chống lại tham nhũng bằng cách cho phép các nhánh và cơ quan kiểm tra lẫn nhau.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nguyên tắc pháp quyền
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO