Nguyên tắc áp dụng pháp luật
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, tham gia một số dự án luật trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh ông càng thấy việc thực hiện nguyên tắc áp dụng pháp luật hiện đang rất có vấn đề. Ách tắc, chồng chéo, doanh nghiệp than phiền... trong nhiều trường hợp cũng từ đây mà ra.
Nhận định của ông Phúc có nhiều điểm tương đồng với một báo cáo rà soát hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố cuối năm ngoái. Báo cáo này chỉ ra một điểm nổi bật là sự chồng chéo giữa “luật chung” và “luật riêng”, “luật chuyên ngành” là khá nhiều. Ví dụ như, Luật Đầu tư được xem là “luật chung” trong pháp luật về đầu tư. Luật này quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục đầu tư của dự án đầu tư và không có quy định theo hướng các luật khác có thể quy định thêm về hồ sơ, trình tự thủ tục đầu tư. Điều này được hiểu, hồ sơ, trình tự thủ tục đầu tư trong mọi dự án đầu tư của các lĩnh vực khác nhau (thuộc diện phải thực hiện thủ tục đầu tư) phải thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục tại Luật Đầu tư. Tuy nhiên, một số “luật chuyên ngành” khác lại yêu cầu thêm về tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư hoặc yêu cầu thực hiện thủ tục đầu tư đối với các loại dự án đầu tư mà theo quy định của Luật Đầu tư không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào.
Điểm đáng lưu ý là, nguyên tắc áp dụng pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là áp dụng theo thời gian ban hành, nếu VBQPPL có cùng hiệu lực pháp lý thì văn bản ban hành sau sẽ được ưu tiên áp dụng và không có khái niệm luật chung, luật riêng, luật chuyên ngành. “Điều này cũng có thể khiến cho VBQPPL ban hành sau sẽ được ưu tiên áp dụng so với VBQPPL ban hành trước.
Thực tế này làm cho hệ thống pháp luật kinh doanh trở nên thiếu thống nhất và hay thay đổi”, Báo cáo nhận định.
Tuy nhiên, nếu thực hiện nghiêm nguyên tắc áp dụng pháp luật theo thời gian ban hành thì khó có thể dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo được. Bởi lẽ, cùng với nguyên tắc này, ngay trong Luật Ban hành VBQPPL đã thiết kế các quy định để bảo đảm khi một văn bản mới được ban hành cũng sẽ sửa đổi, bổ sung những quy định của văn bản ban hành trước đó mà trái với văn bản mới.
Thực tế, trong hệ thống pháp luật hiện nay còn có sự tồn tại của nguyên tắc “ưu tiên áp dụng pháp luật”. Một số luật đã ban hành và thậm chí cả một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám áp dụng nguyên tắc này như: Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 hay dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)... thông qua việc quy định ngay trong luật/dự thảo luật về việc trong trường hợp có sự khác nhau giữa luật này và luật khác thì “thực hiện theo quy định của luật này”.
Chính việc tồn tại đồng thời cả hai nguyên tắc áp dụng pháp luật như vậy, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, mới là nguyên nhân dẫn đến phát sinh xung đột, mâu thuẫn trong một số trường hợp do không xác định được phải áp dụng theo quy định nào. Dẫu vậy, cũng phải thừa nhận rằng, cả nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL và nguyên tắc “ưu tiên áp dụng pháp luật” như trong một số luật đều cần thiết.
Tất nhiên, nếu vẫn thực hiện cả 2 nguyên tắc như hiện nay thì những mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật cũng khó mà giải quyết dứt điểm được. Một phương án khác được một số thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đưa ra là sửa đổi Khoản 3, Điều 156 theo hướng “trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau; trường hợp văn bản ban hành trước có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật đối với vấn đề đó thì áp dụng quy định của văn bản ban hành trước”. Ưu điểm của phương án này theo Thường trực Ủy ban Pháp luật là: Khắc phục được sự chồng chéo do đồng thời tồn tại hai nguyên tắc gây ra, bảo đảm sự tuân thủ đối với nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật trong một số luật đã được Quốc hội quyết định; đồng thời góp phần hạn chế tình trạng một số cơ quan soạn thảo vì lợi ích cục bộ, cố ý đặt ra quy định khác trong các văn bản ban hành sau. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là có thể dẫn đến nhiều văn bản có quy định “ưu tiên áp dụng” hơn. Điều này, nếu bị lạm dụng thì hệ lụy đối với hệ thống pháp luật cũng phức tạp không kém.
Rõ ràng, việc quy định cả hai nguyên tắc kể trên trong Luật Ban hành VBQPPL là rất quan trọng nhưng đồng thời cũng phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương và minh bạch tối đa trong quá trình thực hiện. Cụ thể là với nguyên tắc áp dụng theo thời gian ban hành thì phải có biện pháp bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định của VBQPPL đã được ban hành trước đó có nội dung trái với quy định của VBQPPL mới. Còn với nguyên tắc “ưu tiên áp dụng pháp luật” thì phải định lượng rõ trường hợp cụ thể nào mới được áp dụng.