Trọn trái tim yêu cho Hà Nội
Hà Nội là cái nôi của nghệ thuật Nguyễn Sáng. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho biết: "Họa sĩ Nguyễn Sáng rất yêu Hà Nội. Đây là tình yêu, cũng là nỗi khổ cuối đời của ông. Sinh thời ông đã nói nếu không có Hà Nội thì không có Nguyễn Sáng. Ông sống hầu như cả đời hội họa của mình ở miền Bắc, ở Hà Nội. Sau này, vào miền Nam, cứ mỗi chiều ông lại ngồi trước cửa nhà mà nhớ miền Bắc, nhớ Hà Nội. Ông từng nói với tôi, biết bao giờ ông mới được trở về căn nhà ở Hà Nội, nơi hằn khắc những dấu tích của đời ông và cũng là nơi thăng hoa của biết bao điều kỳ diệu".
Từng có thời gian làm việc với họa sĩ Nguyễn Sáng, nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ, ấn tượng đáng nhớ nhất về ông là câu nói ngắn gọn trong buổi khai mạc triển lãm đầu tiên ông tổ chức năm 1984: "Tôi chẳng có gì đâu ngoài một tấm lòng và hai bàn tay trắng". Trước đó, ông đề nghị bà Khuê: "Em gắng mặc chiếc áo dài và đứng cạnh anh hôm khai mạc nhé". “Mãi sau này tôi mới vỡ ra, có lẽ chiếc áo dài ấy là niềm lưu luyến của ông với đất Bắc, với Hà Nội, vì sau triển lãm, họa sĩ Nguyễn Sáng vào Nam sinh sống. Thật tiếc, chỉ vài năm sau ông mất", họa sĩ Đặng Thị Khuê nói.
Tình yêu mà Nguyễn Sáng dành cho Hà Nội, nói như những người bạn từng biết về ông, từ sâu thẳm tâm hồn luôn vững vàng khẳng định như một điệp khúc: “Có Tổ quốc mới có nghệ thuật; mất nước, mất tự do, là mất tất cả”. Được trang bị bằng tư tưởng cách mạng với lập trường tiến bộ kiên định, khi kết thúc khóa đào tạo tại Khoa Hội họa, Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Khóa 14 (1940 - 1945), trong khi các họa sĩ miền Nam lần lượt trở về quê hương, Nguyễn Sáng nhất quyết không trở về Nam bộ mà xin tình nguyện ở lại miền Bắc.
Sau thời gian học ở trường mỹ thuật, Nguyễn Sáng bị thu hút bởi môi trường nghệ thuật cổ truyền với cảnh quan nhà phố cổ kính, đình chùa, hoành phi, câu đối chưa tìm thấy ở vùng đất Nam bộ. Với đam mê sắc màu nghệ thuật, khi Cách mạng tháng Tám diễn ra trên cả nước, họa sĩ Nguyễn Sáng hăng hái hiện diện ngay trong đoàn người giành chính quyền ở Phủ Khâm Sai tại Thủ đô Hà Nội. Sau những ngày ở chiến khu Việt Bắc, tham gia chiến dịch Cao - Bắc - Lạng, về Hà Nội, ông thực hiện đề tài tranh sơn mài về bộ đội trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Cao Bắc Lạng…
"Chỉ có tác phẩm của ông lên tiếng”
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Sáng “là con người lặng lẽ, chỉ có tác phẩm của ông lên tiếng”. Cả cuộc đời của mình, danh họa Nguyễn Sáng đã sống âm thầm để có những sáng tạo nghệ thuật vĩ đại. Đến nay, hầu như chưa có tác phẩm nào vượt được bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của ông. Tác phẩm vừa đẹp, vừa đậm chất sử thi và chất anh hùng ca, một không gian trang nghiêm của khung cảnh buổi kết nạp Đảng tại chiến hào.
“Đáng nói, đây không phải là tác phẩm Nhà nước đặt hàng, mà ông cứ lặng lẽ phác họa về người chiến sĩ Điện Biên, anh bộ đội cụ Hồ và ở chiến hào trong buổi kết nạp Đảng hết sức đơn sơ. Tôi nghĩ, không ai theo được ngôn ngữ tạo hình mà Nguyễn Sáng đã tạo dựng, bởi với chất liệu sơn mài, ông đã có đóng góp riêng, có đĩa màu riêng dành cho tác phẩm. Ngày ấy, ông tâm sự sẽ nuôi hình tượng anh bộ đội cụ Hồ trong lòng, trong tâm, để rồi 9 năm sau tình yêu ấy mới ra đời. Có thể khẳng định đây là đỉnh cao của một thời nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê cho rằng, nghệ thuật của Nguyễn Sáng đã lưu dấu trong tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, định vị một tài năng xuất chúng. "Văn là người, và mọi sáng tạo đều như vậy. Nhưng nghệ sĩ thì thường không chỉ sống một cuộc đời. Tầm vóc xúc cảm và tầm cỡ tư duy của những tài năng lớn không bó hẹp vào đời sống cá nhân mà hàm chứa cả tinh thần thời đại. Những cá tính và tư chất của họ luôn in dấu cội nguồn văn hóa - thứ làm nên tính cách đặc thù và cá biệt không thể trộn lẫn…”.
Nguyễn Sáng để lại rất nhiều tác phẩm cho kho tàng mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm của ông là sự giao thoa hài hòa giữa nghệ thuật hiện đại thế giới và tinh hoa truyền thống nước nhà, in đậm dấu ấn lịch sử cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Ngoài 2 tác phẩm sơn mài được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia, là Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ và Thanh niên thành đồng, ông còn để lại nhiều tác phẩm sơn dầu, khắc gỗ, bột màu nổi tiếng như: Chùa Tháp Phổ Minh, Thiếu nữ bên Hồ Gươm, Hành quân đêm mưa, Bộ đội nghỉ trưa trên đồi...
Cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của danh họa kháng chiến Nguyễn Sáng đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử văn hóa nghệ thuật nước nhà. Ông được các nhà phê bình đánh giá là một nghệ sĩ yêu nước tài hoa đa dạng và giàu cá tính. Nghệ thuật của Nguyễn Sáng gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật của dân tộc. Ông là họa sĩ có những tác phẩm sơn dầu, sơn mài đẹp nhất sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam.