Nguyên nhân gây tử vong khi chơi pickleball
Gần đây các bệnh viện liên tiếp ghi nhận ca nhập viện do chấn thương hay đột quỵ, thậm chí tử vong khi chơi pickleball. Vậy đâu là cách chơi thể thao an toàn và phòng tránh chấn thương?
Liên tiếp ghi nhận các ca đột quỵ khi chơi Pickleball
Mới đây Bệnh viện Thống Nhất ghi nhận trường hợp bệnh nhân P.T.H (56 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) có tiền sử bệnh lý tăng huyết áp, tử vong trong quá trình chơi pickleball.
Được biết nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở khi đang chơi pickleball cùng nhóm bạn. Dù đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Thống Nhất, tuy nhiên sau 45 phút hồi sinh tim phổi, bệnh nhân vẫn không đáp ứng.
Đây không phải là vụ việc tử vong đầu tiên được ghi nhận. Trước đó, 8/10/2024, người đàn ông 39 tuổi, trú thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đột quỵ khi chơi Pickleball cùng bạn bè. Lúc ngồi nghỉ uống nước, ông T. bất ngờ gục xuống và được sơ cứu nhưng không qua khỏi. Người đàn ông này cũng có tiền sử về bệnh tim.
Trước đó vào tối 2/12/2024, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã tiếp nhận trường hợp người đàn ông 55 tuổi đột quỵ ngay khi chỉ vừa mới tham gia chơi môn thể thao Pickleball được 15-20 phút.
Ngoài các trường hợp trên, nhiều cơ sở y tế cũng tiếp nhận hàng loạt trường hợp gặp chấn thương sau khi chơi Pickleball.

Nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ các bệnh lý tim mạch
Mặc dù Pickleball là một môn thể thao phối hợp giữa quần vợt, bóng bàn và cầu lông với đặc điểm dễ tiếp cận, ít va chạm, mang lại nhiều lợi ích vận động nhưng vẫn ghi nhận các trường hợp tử vong ngay trên sân tập.
Lý giải về hiện tượng này, ThS, BS nội trú Bùi Đức Ngọt, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bưu điện cho rằng phần lớn các trường hợp tử vong đột ngột liên quan đến pickleball đều bắt nguồn từ các bệnh lý tim mạch không có triệu chứng báo hiệu từ trước như bệnh mạch vành, phì đại cơ tim, rối loạn nhịp tim hoặc suy tim tiềm ẩn.
Khi chơi thể thao, tim phải tăng cường hoạt động làm tăng nhu cầu tiêu thụ oxy đột ngột, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp hoặc khởi phát rối loạn nhịp nguy hiểm (như rung thất, ngừng tim).
Bên cạnh đó, ở điều kiện khí hậu nóng ẩm như tại Việt Nam, người chơi pickleball ngoài trời dễ rơi vào trạng thái tăng thân nhiệt quá mức (heat stroke), đặc biệt khi thiếu nước và nghỉ ngơi không đầy đủ. Say nóng có thể gây tổn thương đa cơ quan, rối loạn chức năng thần kinh trung ương, trụy mạch hoặc rối loạn điện giải dẫn đến loạn nhịp nguy hiểm.
Ngoài ra các hoạt động gắng sức và tăng hoạt động của hệ nội tiết – chuyển hóa có thể là yếu tố thúc đẩy nhồi máu não hoặc xuất huyết não ở người có bệnh lý mạch máu não nền cũng có thể trở thành nguyên nhân gây ra các trường hợp tử vong khi chơi pickleball.
“Người chơi bộ môn pickleball cũng cần lưu ý về các sang chấn, chấn thương nặng khi chơi hoặc khả năng cấp cứu và hỗ trợ y tế tại chỗ còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến những sự cố đáng tiếc”, bác sỹ Bùi Đức Ngọt nhấn mạnh.

6 cách xử trí khi gặp chấn thương trong thể thao
Để đảm bảo an toàn trong quá trình chơi pickleball nói riêng và thể thao nói chung, ThS, BS nội trú Bùi Đức Ngọt, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bưu điện đưa ra lời khuyên về nguyên tắc xử trí ban đầu dựa trên mô hình RICE hoặc RICER, bao gồm:
1. Nghỉ ngơi (Rest): Ngừng ngay hoạt động thể lực nhằm tránh làm tổn thương tiến triển nặng hơn. Tránh đè ép, xoay vặn hoặc vận động tại vùng bị chấn thương.
2. Chườm lạnh (Ice): Áp túi lạnh tại vùng tổn thương trong 15–20 phút mỗi 2–3 giờ trong vòng 48 giờ đầu giúp giảm sưng nề, đau và viêm.
3. Băng ép (Compression): Sử dụng băng thun hoặc nẹp cố định nhẹ nhàng nhằm hạn chế phù nề và hỗ trợ ổn định cấu trúc khớp/tổ chức bị thương.
4. Kê cao (Elevation): Kê cao chi bị tổn thương trên mặt phẳng tim để giảm áp lực thủy tĩnh, từ đó giảm phù nề.
5. Thuốc giảm đau (Relieve pain): Sử dụng các loại thuốc giảm đau, giảm viêm để hỗ trợ quá trình hồi phục
6. Hỗ trợ vận động sớm có kiểm soát (Optimal Loading – theo mô hình POLICE): Sau giai đoạn cấp, nên được hướng dẫn vận động nhẹ nhàng có kiểm soát dưới sự theo dõi của bác sĩ hoặc chuyên viên phục hồi chức năng, nhằm duy trì dinh dưỡng mô và hạn chế cứng khớp.
BS.CKII Nguyễn Thụy Trang - Phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất nhấn mạnh việc tham gia thể dục thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý hiện có của bản thân là rất quan trọng. Mọi người cần chơi thể thao ở mức vừa phải, không gắng sức quá mức, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến các vấn đề tim mạch.