Nguyễn Mỹ, thơ. - Như chưa hề có cuộc chia ly

ANH CHI 24/04/2014 08:28

Bài thơ tình Cuộc chia ly màu đỏ Nguyễn Mỹ viết trong những năm chống Mỹ cứu nước có sức mạnh tương tự như bài tụng ca tình yêu Đợi anh về của nhà thơ Xô Viết Konstantin Simonov viết trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại chống Phát xít Đức.

Con trăn đất mơ mộng và giàu xúc cảm

Nguyễn Mỹ sinh ngày 21.2.1935, tại quê nhà, thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, Phú Yên. Thời niên thiếu có được theo người anh ruột (sau trở thành nhạc sĩ, bút danh Nhật Lai, với bài hát Hà Tây quê lụa) học tới trung học, rồi chưa kịp lớn thì cuộc kháng chiến chống Pháp lan rộng và ngày một quyết liệt hơn. Năm 1950, Nhật Lai theo mấy anh bạn đi kháng chiến trên mặt trận Tây Nguyên. Năm sau, 1951, Nguyễn Mỹ mười sáu tuổi đã tham gia bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Nam Trung bộ. Do hăng hái, do chí trai sôi sục, nên lên đường đi chiến đấu, chứ thực ra Nguyễn Mỹ giàu mơ mộng và rất yêu thích văn chương. Chính những ngày chiến đấu tại Nam Trung bộ, Nguyễn Mỹ đã bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên của đời mình; và viết ký, ghi lại thực tế chiến đấu mà mình nếm trải. Tập bút ký Trận Quán Cau, xuất bản năm 1954, là dấu mốc đáng nhớ trên bước đường văn chương của ông.

Năm 1954, Nguyễn Mỹ cùng đơn vị pháo binh tập kết ra Bắc. Cuối năm 1958, theo chủ trương đào tạo cán bộ mới, ông được điều về Đoàn văn công Tây Nguyên, ít tháng sau thì được chọn đi học lớp báo chí của Bộ Văn hóa. Học xong, Nguyễn Mỹ về biên tập sách tại nhà xuất bản Phổ Thông, ở 94 Tô Hiến Thành, Hà Nội. Ông có vóc dáng cao lớn, ánh mắt rất sắc, hai cánh mũi hếch và môi trên hơi ngắn, khiến miệng ông lúc nào cũng như mím lại, trông vừa bướng bỉnh vừa hiền lành. Do vậy, bạn bè đã đặt cho Nguyễn Mỹ biệt danh là “Trăn đất”, một “con Trăn đất” mơ mộng và rất giàu xúc cảm.

Ngoài thời gian biên tập sách, Nguyễn Mỹ chuyên chú vào sáng tác thơ. Những bài thơ hay nhất của ông, hầu như đều viết vào mùa thu. Chẳng hạn bài Con đường ấy, những câu thơ tinh tế và thật xao động: Con đường ấy mình đầy bóng râm/ Con hươu sao đã duỗi nằm/ Để nghe những tiếng thì thầm ở trên/ Đôi bên là nắng/ Thu đã đượm vàng/ Nắng rung từng giọt, nắng ngân vang/ Ở trong nắng có một ngàn cái chuông. Và những bài sau này, như Hoa cúc tím thì Em mang chi tiếng đàn bầu trong đôi mắt/ Cho đến nỗi đêm thu anh dìu dặt; còn ở bài Cuộc chia ly màu đỏ, nhà thơ như thốt lên: Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ… Một đặc điểm nữa, màu sắc thiên nhiên khiến Nguyễn Mỹ rất dễ xúc động, như những câu thơ trong bài Giấc mơ xanh, viết về Phú Yên: Giấc mơ xanh còn xanh mãi của tôi/ Là Ô Loan đầm nước trong ngời/ Tôi như con sóng nhoài trên biển/ Mẹ gọi về đây nghỉ chút thôi. Và đôi khi, màu sắc thiên nhiên có thể khơi bùng trong ông một bài thơ, như trường hợp các bài Hoa cúc tím, và thành công đỉnh cao là Cuộc chia ly màu đỏ.

Hoa cúc tím ẩn chứa một mối tình

Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, anh em biên tập viên nhà xuất bản Phổ Thông cùng nhiều người của các cơ quan lân cận ăn cơm tập thể ở nhà ăn Vân Hồ. Thời gian ấy, Nguyễn Mỹ mới ngoài hai mươi sáu tuổi, đã thầm để ý đến một trong những nữ phục vụ, là cô M., nhưng mãi mà ông không ngỏ được lời. M. là một thiếu nữ tóc dài, nền nã, giản dị, đặc biệt đôi mắt luôn mở to, đượm buồn. Nhà thơ Tô Hà, một người bạn của Nguyễn Mỹ đã hiểu anh bạn mình đang yêu, đến mức nhiều khi thẫn thờ cả người. Thế rồi sắc tím của hoa cúc mùa thu đã mở ra cho Nguyễn Mỹ một khoảng không gian riêng để thi sĩ bày tỏ lòng yêu: Sao anh gọi em là hoa cúc tím/ Mà em vẫn lặng thầm sâu kín/ Ôi nỗi ưu tư của đất lành/ Anh đã đến rồi/ Em hãy trả lời anh… Nhưng làm sao cô M. có thể biết Anh đã đến, khi mỗi bữa trong nhà ăn Vân Hồ, anh chỉ nhìn cô và yêu đắm đuối bằng ánh mắt. Vậy nhưng, vẫn chỉ trong bài Hoa cúc tím, Nguyễn Mỹ mới bày tỏ được tình yêu của mình:

Em giấu kín mặt trời trong túi áo
Mà dáng đi vẫn qua lại như bão
Anh đón từ xa những nụ em cười
Như ngửa bàn tay đón ánh sao rơi…

Mãi đến năm 1968, Nguyễn Mỹ đã xung phong vào chiến trường miền Nam, cô M. vẫn không biết nhà thơ đã dành cho mình một tình yêu nồng nàn đến mức:

Trái đã chín, chờ em, em đến hái
Chớ để anh đau vì chờ em mãi
Bình minh lên cùng một tiếng chim ca
Anh ngả bài thơ nhẹ gót em qua…

Cô M. đã đi một con đường khác, rồi lấy chồng, có con, và không biết trên đời có bài thơ Hoa cúc tím, vì mình mà nhà thơ đã viết và chỉ viết riêng cho mình.

Như chưa hề có cuộc chia ly

Những năm làm việc ở Hà Nội, ăn cơm tại Vân Hồ, Nguyễn Mỹ đã đăng một số bài thơ trên báo chí, trong đó có Cuộc chia ly màu đỏ khiến ông trở thành một hiện tượng thơ ca đương thời. Thơ ca nước ta sau một thời gian dài rơi vào xu hướng “chân chân chân, thật thật thật” như đếm để thể hiện các đề tài công - nông - binh, khiến độc giả không mấy mặn mà với thơ. Đến đầu những năm 60, thế kỷ XX, một thế hệ các nhà thơ trẻ, sau được gọi là thế hệ chống Mỹ, đã tạo nên sự đột phá mới, làm cho người đọc lại vồ vập đọc thơ. Những đại biểu cho thế hệ này là Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Nguyễn Mỹ, Xuân Quỳnh… Nguyễn Mỹ không chỉ đem đến cho đời sống thơ ca một cái tôi trữ tình nồng nàn, mạnh mẽ, mà bằng ngôn ngữ thơ, ông có thể trình bày sự sống cụ thể, khúc chiết và khá điển hình. Cuộc chia ly màu đỏ dường  như là thiên ký sự bằng hình ảnh, màu sắc và nhạc điệu, nhưng hơn thế, những hình ảnh, màu sắc và nhạc điệu ấy kết hợp với nhau thành hình tượng thơ sáng ngời:

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly…

Trong đời sống thơ ca Việt Nam những năm chống Mỹ cứu nước, Cuộc chia ly màu đỏ là bài thơ tình độc đáo bậc nhất. Đặc biệt, tình cảm đôi lứa được nhà thơ thể hiện mới hơn, lãng mạn hơn và cũng mạnh mẽ hơn nhiều so với thơ ca các thời kỳ trước: Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia/ Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy/ Không che được nước mắt cô đã chảy/ Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời/ Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi…

Có thể nói, Cuộc chia ly màu đỏ là bài thơ ca ngợi tình yêu Việt Nam thời chống Mỹ, cứu nước, có sức lay động rất sâu rộng trong đời sống, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Bài thơ của Nguyễn Mỹ chứa đựng sự tin tưởng, lòng quả cảm, chí dấn thân vì vận mệnh Tổ quốc; nó có sức mạnh tương tự như bài tụng ca tình yêu Đợi anh về của nhà thơ Liên Xô Konstantin Simonov viết trong những năm chiến tranh vệ quốc vĩ đại của toàn dân Liên bang Xô viết, chống phát xít Đức. Có thể, Cuộc chia ly màu đỏ không trầm sâu được như Đợi anh về, nhưng lạc quan hơn:

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy…
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm đông gió rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như chưa hề có cuộc chia ly

Tình yêu nơi chiến trường lửa máu

Vào chiến trường, Nguyễn Mỹ làm phóng viên báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ, đồng thời cũng tham gia tiểu ban tuyên truyền thuộc Ban tuyên huấn Khu V. Chính tại vùng chiến trường đầy máu lửa này, ông đã yêu nữ bác sĩ X., như trong bài thơ Hơi ấm đường rừng, ông mô tả:

Em nhỏ xíu như cây nứa tép
Và mong manh như một chấm nắng thu
Em, nhìn đằng sau chỉ thấy chiếc ba lô
Một nhành lá cũng làm em chậm bước…

Dĩ nhiên, giữa chiến trường khốc liệt như chiến trường Khu V, hai người không thể gặp nhau nhiều. Thảng hoặc, được gặp nhau tâm tình, thì phải có bạn đứng ở chỗ nào đó để cảnh giới cho đôi tình nhân. Như đã có lần, hai người đang trò chuyện say đắm bên dòng suối thì bỗng vang lên một tiếng nổ lớn. Là do có một con hổ dữ đang tiến đến, người bạn cảnh giới đã nổ súng. Nguyễn Mỹ vội xách súng tới tiếp ứng cho bạn, còn nàng thì vội leo tuốt lên cây… Ông Huỳnh Ngọc Lý, một người bạn thân của Nguyễn Mỹ cho biết rằng, trong cuộc sống chiến đấu, tình yêu của hai người gặp rất nhiều khó khăn. Nữ bác sĩ nhận nhiệm vụ, phải vác ba lô đi xa hơn nữa về phía Tây, nơi gian khổ nhiều hơn. Chia tay nhau, Nguyễn Mỹ thương nàng đến rơm rớm nước mắt. Chính trong hoàn cảnh này, nhà thơ đã viết bài Hơi ấm đường rừng, cho riêng bác sĩ X.: Anh đi với trái tim mình rộn rã/ Với hơi ấm bàn chân em làm giao liên… Em đã vượt qua bao thử thách đầu tiên/ Để làm người chiến thắng…

Kể từ buổi bác sĩ M. đi về miền Tây, Nguyễn Mỹ không bao giờ còn được gặp lại nàng nữa. Giặc Mỹ mở đợt càn quét lớn vào căn cứ Khu V vào giữa năm 1971, một số cán bộ chiến sĩ của ta bị chúng bắt. Mọi người còn lại trong đơn vị tản ra rừng để tránh thương vong. Nhưng bọn giặc vẫn bí mật ém quân để phục kích. Sau khi lắng nghe thấy bốn phía rừng im ắng, Nguyễn Mỹ nói với đồng đội: “Tôi ra trước xem tình hình thế nào”. Và rồi, ông thận trọng bước ra, quan sát. Thấy đằng xa có những gương mặt quen quen, mặc quần áo “như người đằng mình”, nên ông lên tiếng hỏi: “Phía dưới kia có còn địch không?” Nguyễn Mỹ chưa dứt lời thì hàng loạt đạn R15 đã bắn xối xả về phía ông. Nhà thơ chiến sĩ ngã xuống trên một triền núi thấp gần nơi suối Đakta chảy vào dòng sông Chanh, thượng nguồn sông Thu Bồn, chỗ ấy thuộc thôn Một, xã Íp, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Lúc ấy là chín giờ sáng ngày 16.5.1971.

Nguyễn Mỹ cũng như rất nhiều người con ưu tú của Việt Nam ta trong những năm đánh giặc cứu nước, khi ngã xuống nơi chiến trường, vẫn đang là “con trai”. Từ ngực nhà thơ, dòng máu đỏ lặng lẽ tuôn chảy. Chao ơi, thơ như người, như số phận vậy. Những câu thơ trước đây ông viết với một lòng tin tất thắng, Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như chưa hề có cuộc chia ly… là những câu thơ hay bậc nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại, sẽ thay ông ở lại mãi với cuộc đời này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nguyễn Mỹ, thơ. - <i>Như chưa hề có cuộc chia ly</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO