Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là người sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cũng là chủ bút đầu tiên của tạp chí Công hội Đỏ (tiền thân của Tạp chí Lao động và Công đoàn ngày nay). Nhớ đến đồng chí là nhớ đến một nhà báo cách mạng, nhà lý luận chính trị tài ba.
Nhận định này được đưa ra tại tọa đàm "Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh với báo chí cách mạng Việt Nam" do tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp cùng Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức, sáng 1.10.
Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn Trần Duy Phương cho biết, đúng 95 năm trước, ngày 1.10.1929, tạp chí Công hội Đỏ, tiền thân của tạp chí Lao động và Công đoàn xuất bản số đầu tiên. Tổng Biên tập khi đó là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - một trong 7 người thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.
Đồng chí cũng là Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, là hội trưởng công hội đầu tiên của tổ chức Công hội đỏ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam hôm nay. Đồng chí là nhà báo, người viết bài, vẽ tranh minh họa đến phát hành bí mật, từ tổ chức in ấn đến chỉ đạo định hướng tạp chí Công hội Đỏ. Đồng chí là người lãnh đạo kiên quyết xây dựng và bảo vệ báo chí với câu nói “Giai cấp vô sản nhất định có báo chí vô sản”, đăng trong bài tuyên cáo ở số Lao động và Công đoàn đầu tiên.
Tọa đàm được tổ chức nhằm tỏ lòng tri ân đối với những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Sự kiện càng có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 95 năm tạp chí Công hội Đỏ xuất bản số đầu tiên (1.10.1929 - 1.10.2024) và nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2025).
Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2.2.1908 tại huyện Thái Thụy, Thái Bình. Ông là một trong những lãnh tụ đầu tiên của Đảng, là tấm gương sáng trong phong trào công nhân và lao động Việt Nam, một người cộng sản chân chính đã dành trọn tuổi thanh xuân để chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
"Ông đã sớm đến với báo chí và sử dụng báo chí làm công cụ cách mạng hữu hiệu. Báo chí giúp ông tham gia vận động quần chúng, tuyên truyền đường lối cách mạng… Các hoạt động thực tiễn đã tạo nên tên tuổi của ông, một lãnh tụ cách mạng xuất sắc, một nhà báo lớn của nền báo chí cách mạng Việt Nam.", Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định.
Đến thời điểm hiện tại, dựa trên tài liệu công bố, có thể khẳng định Công hội Đỏ là tờ tạp chí có tính nghiên cứu, lý luận đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng. Sự ra đời của tạp chí Công hội Đỏ là dấu son của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, hé ra chân trời, triển vọng của giai cấp vô sản và của cách mạng. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị và tuyên truyền rất lớn của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và của Đông Dương Cộng sản Đảng mà lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là linh hồn.
Mục đích ra đời của tạp chí Công hội Đỏ được tóm gọn trong tuyên ngôn: “Vô sản giai cấp phải có báo chí của vô sản giai cấp”. Tôn chỉ mục đích của tạp chí được xác định ngay từ đầu là “cơ quan truyền bá lý luận của Công hội Đỏ trong giai cấp công nhân Việt Nam”.
Tạp chí Công hội Đỏ số đầu tiên xuất bản ngày 1.10.1929 có 4 chuyên mục: Luận thuyết, Kinh nghiệm phấn đấu, Thư từ đi lại, Tin tức; số thứ hai (1.11.1929) có 4 chuyên mục: Chính trị, Lý luận tranh đấu, Thư từ đi lại, Tin tức.
Việc quyết định ra tạp chí Công hội Đỏ mà cho đến nay dù chỉ còn lưu trữ được 2 số đầu tiên, đã phản ánh trình độ lý luận, báo chí của Đông Dương Cộng sản Đảng và Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, mà người đại diện là lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Có thể khẳng định ý hướng của Nguyễn Đức Cảnh và những người đồng chí của mình là xây dựng nên một tờ tạp chí cách mạng đầu tiên, cho dù mới chỉ nằm trong khu vực của tổ chức Công hội Đỏ.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chỉ ra 5 bài học từ nhà cách mạng, nhà báo lớn Nguyễn Đức Cảnh cho thế hệ hôm nay. Thứ nhất là bài học về đổi mới tư duy và mở rộng tầm nhìn, coi trọng báo chí trong sự nghiệp cách mạng. Thứ hai là tinh thần dấn thân cho sự nghiệp lớn.
Thứ ba, không ngừng đổi mới sáng tạo nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thứ tư, coi trọng công tác truyền thông, đặc biệt là công tác báo chí đối với công nhân. Thứ năm, tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ, người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong công tác báo chí.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trong hoàn cảnh khó khăn, cách mạng chìm trong biển máu, tư tưởng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là đưa báo chí trở thành kênh quan trọng để đưa thông tin đến với người dân, đặc biệt là công nhân, lao động. Nhìn lại đến nay, thời gian làm báo tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí đã để lại di sản đồ sộ, xứng đáng là tấm gương cho những người làm báo nói chung, cho toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên tạp chí Lao động và Công đoàn nói riêng.
Trong khuôn khổ chương trình, tạp chí Lao động và Công đoàn trao tặng tượng bán thân đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam để bổ sung hiện vật tại phòng trưng bày giai đoạn báo chí 1925 - 1930.