Theo bác sĩ Hệ thống tiêm chủng VNVC, đa phần những ca uốn ván nặng điều trị tại bệnh viện là người trong độ tuổi lao động, những bệnh nhân lớn tuổi khi có vết thương nhỏ thường chủ quan, không tiêm ngừa uốn ván và chăm sóc vết thương kỹ, tạo cơ hội cho trực khuẩn uốn ván xâm nhập, gây bệnh.
Điển hình, trường hợp bệnh nhân N.H.N (18 tuổi, Long An) không may giẫm phải một chiếc đinh dài khoảng 3cm trong quá trình làm phụ hồ cùng cha. Vết đâm chảy máu, bệnh nhân N. chỉ kịp rút đinh ra, băng bó lại rồi tiếp tục làm việc vì nghĩ đây là vết thương nhỏ, mau lành.
Tuy nhiên, một tuần sau đó, người bệnh bắt đầu có triệu chứng cứng hàm, đau cơ, được người nhà đưa đến bệnh viện thăm khám và chẩn đoán mắc uốn ván.
Thêm trường hợp, bệnh nhân L.Đ.H (47 tuổi, An Giang) nhập viện trong cơn nguy kịch do uốn ván bởi vết xước nhỏ trên tay trong quá trình dọn dẹp nhà cửa. Bản thân ông H và gia đình nghĩ không sao, nên chỉ băng lại bằng băng cá nhân.
Khoảng 8 ngày sau, người bệnh bắt đầu có biểu hiện đau cơ, khó nuốt, ăn uống bị sặc tự mua thuốc uống nhưng không khỏi. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân mới phát hiện bị uốn ván.
Uốn ván đe dọa tính mạng, nhưng có thể phòng ngừa
Bác sĩ Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, uốn ván là bệnh nguy hiểm, gây tử vong nhanh. Đồng thời, nha bào uốn ván có thể xâm nhập cơ thể thông qua mọi loại vết thương, không phân biệt kích thước, mức độ nặng nhẹ.
Vết thương cửa ngõ gây bệnh uốn ván thường bắt nguồn từ những vết xước, vết trầy, vết thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đạp đinh, gai, sâu răng, tiêm chích không vô khuẩn… Khoảng 20% bệnh nhân không rõ vết thương ngõ vào.
Một số đối tượng có nguy cơ nhiễm uốn ván cao, bao gồm công nhân xây dựng, làm việc tại nhà máy; nhân viên vệ sinh; nhân viên y tế, người chăm sóc động vật; phụ nữ mang thai.
Trong đó, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc uốn ván do vết thương hở như vết mổ, vết rạch tầng sinh môn. Đặc biệt, những phụ nữ tại vùng sâu, vùng xa sinh con ngay tại phòng ở, nhờ người không có kiến thức chuyên môn đỡ đẻ, cắt rốn bằng kéo không được vệ sinh, cột bằng chỉ khâu, không băng bó rốn đúng cách.
Triệu chứng đầu tiên là mỏi hàm, diễn tiến cứng hàm, nhai nuốt khó, ăn uống sặc, đau cơ. Nặng hơn bệnh nhân biểu hiện cứng cơ vùng cổ, lưng, cơ bụng, cơ tứ chi, có cơn gồng cơ toàn thân, co thắt thanh quản, khí quản dẫn đến suy hô hấp.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần rà soát lịch sử tiêm vắc xin phòng uốn ván để tiêm chủng dự phòng như sau:
- Ở trẻ em: Vaccine có thành phần uốn ván được tiêm trong các mũi đầu đời, sau đó nhắc lại ở các mốc 4-6 tuổi, 9-15 tuổi và mỗi 5-10 năm sau tùy từng loại vaccine.
- Ở người lớn: Nếu không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, cần tiêm 3 liều vaccine trong vòng 7 tháng, sau đó nhắc lại mỗi 5-10 năm. Phụ nữ mang thai tiêm 1 mũi vaccine uốn ván trong mỗi thai kỳ. Các trường hợp khác, được bác sĩ khám sàng lọc chỉ định tiêm chủng dựa trên lịch sử tiêm phòng trước đó.
Khi tiêm đầy đủ vaccine uốn ván, trong thời gian bảo vệ nếu không may có vết thương lớn, người dân chỉ cần tiêm thêm 1 mũi vaccine, không cần dùng Globulin miễn dịch uốn ván (TIG) hoặc huyết thanh kháng uốn ván (SAT).
Bên cạnh việc tiêm ngừa, xử lý vết thương cũng vô cùng quan trọng. Khi có vết thương như giẫm đinh, cần rút đinh và vệ sinh ngay bằng oxy già để sát trùng. Đồng thời, nếu vết thương sâu, dơ, mọi người nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc. Không nên chủ quan vì vết thương nhỏ, bởi nếu xử lý không đúng cách và không tiêm phòng đầy đủ, vẫn có nguy cơ dẫn đến bệnh uốn ván.