"Nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng vào quý IV có thể không xảy ra"

- Thứ Ba, 12/10/2021, 17:32 - Chia sẻ
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho rằng nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng trong quý IV và đầu năm 2022 có thể không xảy ra vì doanh nghiệp chưa thể ồ ạt sản xuất.

Theo số liệu tổng hợp nhanh của Tổng Cục Thống kê, có khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch tính từ tháng Bảy đến ngày 15.9. Trong số này, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP. Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam.

Đánh giá nguy cơ thiếu hụt lao động trước tình trạng lao động ồ ạt về quê, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho rằng thiếu hụt lao động sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, phục hồi kinh tế nhưng nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng trong quý IV và đầu năm 2022 có thể không xảy ra vì doanh nghiệp chưa thể ồ ạt sản xuất.

“Chúng ta đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội giai đoạn tiếp theo một cách thận trọng, mở cửa dần dần. Như vậy các doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục thu hút lao động theo chính sách mở cửa của Nhà nước, tức là sản xuất đến đâu thì thu hút lao động đến đấy,” ông Nguyễn Trung Tiến nói.

Thống kê 930.000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương có khoảng 34% đang có việc làm, 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh.

Để thu hút ngược lao động về lại trung tâm công nghiệp, thành phố lớn trong thời gian tới, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động nhận định đây sẽ là bài toán khá nan giải, bởi tâm lý lưỡng lự, nghi ngờ của người dân.

Theo ông Phạm Hoài Nam, trong thời gian qua chính sách phòng chống dịch của 63 tỉnh, thành khác nhau khiến người lao động e ngại. Tương tự, các doanh nghiệp cũng mong chờ chính quyền địa phương có kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể. Thực tế này đòi hỏi cần có giải pháp chống dịch đồng bộ giữa các địa phương, thống nhất từ trên xuống.

"Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất," ông Nam cho hay.

Theo TTXVN