Nguy cơ mất sông Ninh Giang
Sông Ninh Giang chảy qua địa phận một số xã thuộc tỉnh Nam Định và Hà Nam bị người dân sinh sống hai bên bờ lấn chiếm, xả thải gây ô nhiễm; lòng sông bị thu hẹp, ảnh hưởng khả năng tiêu thoát nước trong khu vực.
“Bức tử” dòng sông
Xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc và xã An Ninh, huyện Bình Lục được coi là “rốn nước” của tỉnh Nam Định và Hà Nam. Ranh giới giữa hai xã này là sông Ninh Giang với chiều dài khoảng 3km, có vai trò tiêu thoát, giúp hạn chế ngập úng, cung cấp nước tưới cho sản xuất lúa của Hà Nam và Nam Định. Thế nhưng, hiện nay sông đang bị “bóp nghẹt”.
Dễ thấy nhất là hầu hết các hộ sinh sống hai bên bờ sông đều san lấp trái phép xây dựng chuồng trại chăn nuôi, hoặc làm vườn trồng cây, thậm chí có hộ xây dựng nhà ở. Vì thế, lòng sông Ninh Giang trước đây rộng hơn 10m, nay có đoạn chỉ còn khoảng 2 - 3m, có thể nhảy qua được; nhiều chỗ bị bồi lắng, khô cạn. Chủ tịch UBND xã An Ninh Trần Tất Sáu cho biết, sông Ninh Giang là một nhánh nhỏ của sông Châu Giang, có vị trí quan trọng trong việc tiêu úng, nhưng hơn 10 năm nay sông không tiêu thoát được ra sông Châu Giang, do vị trí Cống Đá giữa An Ninh và Mỹ Hà bị bùn bồi lắng, không được nạo vét thậm chí xây lấp hết cả cống. Đó là chưa kể đến tình trạng người dân hai bên bờ đều lấn chiếm lòng sông để tăng gia sản xuất.
![]() | |
Xả thải gây ô nhiễm sông Ninh Giang | Ảnh: Thái Yến |
Không chỉ bị lấn chiếm, sông Ninh Giang còn bị xả nước thải, rác thải gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện hai bên bờ sông có hàng chục trang trại chăn nuôi, xả thải trực tiếp xuống sông, khiến chất thải lấp đầy lòng sông, nước đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Cạnh nhà bà Trần Thị Tuyết, xã An Ninh, huyện Bình Lục là một quãng sông nhưng không khác gì một rãnh thoát nước nhỏ. Nếu nhìn thoáng qua không ai nghĩ đây là một phần của sông Ninh Giang, bởi rác ngập tràn mặt sông, thậm chí xác lợn cũng “được” người dân vứt vô tội vạ xuống sông. Bà Trần Thị Tuyết cho biết, trước đây sông rất sạch, nhưng giờ quá ô nhiễm vì người dân xả rác, nước thải chăn nuôi bừa bãi xuống sông. Nhiều hôm dân chúng tôi không chịu được.
Đùn đẩy trách nhiệm
Tình trạng người dân lấn chiếm, san lấp dòng sông làm chuồng trại, chăn nuôi, làm vườn trồng cây ăn quả đang là vấn đề các cấp chính quyền xã Mỹ Hà và xã An Ninh lo ngại, nhưng không có cách giải quyết rốt ráo. Điều đáng nói, tình trạng người dân sinh sống hai bên bờ lấn chiếm diễn ra hơn 10 năm nay nhưng chính quyền các xã chưa thống kê, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Có hộ xây dựng nhà ở, mở quán ngay trên lòng sông, vi phạm hành lang, nhưng không bị cưỡng chế giải tỏa, gây bức xúc trong dư luận. Hơn nữa, do sông chảy qua nhiều địa phương giáp ranh nên việc xác định nguyên nhân do ai, ở đâu làm ô nhiễm vẫn chưa ngã ngũ. Chính quyền địa phương thì như vậy, còn cơ quan chức năng của hai tỉnh Nam Định và Hà Nam lại khá thờ ơ, không có bất cứ động thái gì để giải quyết. Chị Nguyễn Thị Hương, xã An Ninh cho biết: “Chúng tôi chỉ muốn hai địa phương cùng hợp tác, người dân cùng ý thức, không xả thải bừa bãi; chính quyền các xã cùng giải quyết để cải thiện môi trường”.
Chính vì không phân định được rõ ràng trách nhiệm và chưa có sự phối hợp giải quyết nên mỗi địa phương cũng chỉ đưa ra những giải pháp mang tính tạm thời, giải quyết tình thế. Chẳng hạn, để giải quyết nước tưới kịp thời vụ lúa vừa qua, chính quyền xã An Ninh đã tự bỏ khoản tiền 300 triệu đồng để nạo vét một phần lòng sông, khơi thông dòng chảy, phát quang cây cối. Thế nhưng, với lượng rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi hàng ngày “vô tư” trút xuống dòng sông nên chỉ một thời gian ngắn, đoạn sông lại ngập trong rác, chất thải. Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Trần Ngọc Thanh phân trần: Chúng tôi đã có ý kiến với xã Mỹ Hà và các cấp có thẩm quyền, nhưng bởi vì sông Ninh Giang chảy qua hai tỉnh nên để có nguồn vốn đầu tư nạo vét thật sự rất khó khăn.
Còn Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hà Nguyễn Văn Học lại cho rằng, thực chất ô nhiễm, lấn chiếm dòng sông là do cả hai bên, chứ không riêng bên nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chưa có hầm biogas thì phải hoàn thiện”.
Tình trạng lấn chiếm, xả thải, đổ rác gây ô nhiễm, thu hẹp lòng sông Ninh Giang đã diễn ra suốt 10 năm qua, nhưng chính quyền các cấp chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, chưa tìm được tiếng nói chung. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, nguy cơ một ngày không xa, dòng sông sẽ bị biến mất.