Chuyển đổi số và quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế

Nguy cơ lỡ cơ hội do thiếu khung pháp lý

- Thứ Năm, 19/11/2020, 07:10 - Chia sẻ
Với quy mô dân số gần 100 triệu người, tiềm năng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam hiện rất lớn. Tuy nhiên, “Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bỏ lỡ cơ hội quý báu để khai thác giá trị từ chuyển đổi số y tế do thiếu một chiến lược toàn diện và khung pháp lý rõ ràng về dữ liệu y tế số”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng phát biểu tại tọa đàm “Chuyển đổi số và quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế” sáng 18.11.

Vẫn còn “vùng xám” pháp lý

Thị trường công nghệ y tế (digital health) đang bùng nổ trên toàn cầu. Được định giá 143,6 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến quy mô thị trường sẽ tăng trưởng với tốc độ 16,2% trong giai đoạn 2020 - 2027.

Riêng tại Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu người, tiềm năng cho thị trường này rất lớn bởi theo tính toán của các chuyên gia, giá trị từ chuyển đổi số y tế có quy mô xấp xỉ lên tới 23 tỷ USD. Tuy nhiên, “Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bỏ lỡ cơ hội quý báu để khai thác giá trị từ chuyển đổi số y tế do thiếu một chiến lược toàn diện và khung pháp lý rõ ràng về dữ liệu y tế số”, Viện trưởng IPS Nguyễn Quang Đồng bình luận.

Toàn cảnh tọa đàm
Ảnh: Đan Thanh

Lý giải cho nhận định trên, ông Đồng lấy dẫn chứng: Khảo sát về tình hình đầu tư công nghệ tại Việt Nam do quỹ Do Venture công bố cho thấy, dù có nhiều tiềm năng song công nghệ y tế đứng cuối nhóm ngành được quan tâm đầu tư. Số lượng start-up lĩnh vực công nghệ y tế của Việt Nam hiện chỉ đạt dưới 2% trong tổng số hơn 4.000 start-up thuộc lĩnh vực này tại châu Á. Căn nguyên không phải do doanh nghiệp Việt thiếu năng động hay yếu kém về công nghệ mà trọng tâm bởi thiếu cơ hội tiếp cận dữ liệu y tế đã hạn chế các cơ hội khởi nghiệp và đầu tư.

Cụ thể, theo đại diện IPS, có 3 khu vực dữ liệu lớn. Thứ nhất là nhóm thông tin y tế của người bệnh được tạo ra từ quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Thứ hai là nhóm thông tin thống kê hành chính (bao gồm dữ liệu về y tế dự phòng và các bệnh truyền nhiễm). Thứ ba là nhóm dữ liệu về sức khỏe cá nhân được thu thập bởi các doanh nghiệp công nghệ thông qua thiết bị hoặc ứng dụng được cài đặt trên thiết bị đồng hồ đeo tay hay điện thoại thông minh. Thực tế, doanh nghiệp không tiếp cận được với các dữ liệu lớn này.

Có 2 nguyên nhân tạo ra điểm nghẽn này. Cụ thể, về mặt pháp lý, chưa có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể nắm dữ liệu dẫn đến không thể chia sẻ và sử dụng. Về mặt kỹ thuật, vẫn còn thiếu các quy định về chuẩn kết nối dữ liệu, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở bảo đảm an toàn và quyền riêng tư cá nhân. Thêm vào đó, dữ liệu ở nhóm thứ ba (sức khỏe cá nhân thu thập qua thiết bị và ứng dụng công nghệ) hiện đang bị “bỏ quên”, nằm trung “vùng xám” pháp lý.

Gần 10 năm cung cấp dịch vụ công nghệ trong ngành y tế, Giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ Nidi Nguyễn Đức Ninh thừa nhận: Hiện tượng vi phạm dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực y tế hiện khá phổ biến. “Khi ký hợp đồng cung cấp dịch vụ công nghệ với các cơ sở y tế, chúng tôi nhập dữ liệu cho trên dưới 1 triệu hộ trên toàn tỉnh nhưng chẳng có văn bản nào nói chúng tôi phải sử dụng dữ liệu đó thế nào”, ông Ninh nói.

Cũng theo vị giám đốc này, doanh nghiệp khi tham gia cung cấp dịch vụ công nghệ y tế đang gặp nhiều khó khăn khi “chưa thấy có cơ quan nào mà các mẫu biểu về thu thập dữ liệu thay đổi liên tục như ngành này”. Thậm chí, cùng một mẫu biểu báo cáo từ tuyến trạm lên trung tâm, sở mà một năm thay đổi 2 - 3 thông tư khiến hàng loại mẫu biểu thay đổi, vì thế doanh nghiệp gặp khó khăn trong cập nhật, nâng cấp, chính sửa theo thông tư.

Mặt khác, ngành y tế vẫn đang thiếu chương trình hành động cụ thể. Mặc dù Bộ Y tế xác định công nghệ thông tin là nền tảng của nền tảng song mới chỉ dừng ở nhận thức. Hiện, so với các ngành như tài chính, giáo dục…, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế vẫn chậm hơn, minh chứng điển hình là thành lập đơn vị chuyên về công nghệ thông tin muộn hơn. Cũng bởi đi sau nên cơ chế chính sách vẫn còn khá loay hoay, thiếu “kiến trúc sư trưởng” khiến “mạnh ai nấy làm” tùy vào điều kiện tài chính hoặc sự quan tâm của lãnh đạo. Hệ quả là có sự manh mún, phân tán nguồn lực, “sân chơi” thiếu lành mạnh…

Xây dựng luật về dữ liệu cá nhân làm nền tảng

Các chuyên gia nhìn nhận, với thị trường dân số gần 100 triệu dân, tiềm năng cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế của Việt Nam hiện rất lớn. Tuy vậy, để hiện thực hóa tiềm năng, trước tiên, Chính phủ cần gấp rút ban hành luật về dữ liệu cá nhân làm nền tảng pháp lý cho việc xác định các quyền cũng như xác lập nghĩa vụ của từng chủ thể trong tiến trình thu thập, xử lý, khai thác thông tin, dữ liệu liên quan đến cá nhân. Trên cơ sở này, ngành y tế sẽ ban hành các quy định, tiêu chuẩn riêng cho lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

Đối với vấn đề khai thác dữ liệu, nên ưu tiên trước cho việc khai thác dữ liệu y tế của người bệnh vốn đang được giao cho các bệnh viện quản lý. Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng cơ chế “sandbox” để thí điểm cơ chế pháp lý và kỹ thuật nhằm khai thác khối dữ liệu có giá trị này.

“Cốt lõi của chuyển đổi số nằm ở dữ liệu số. Chính phủ cần có chiến lược quốc gia về dữ liệu nói chung, chiến lược dữ liệu cho lĩnh vực y tế nói riêng để khai thác được giá trị dữ liệu y tế, bảo đảm tối ưu lợi ích quốc gia, đặc biệt khi Việt Nam bước vào ngưỡng già hóa dân số, chi phí chăm sóc y tế sẽ tăng cao”, Viện trưởng IPS Nguyễn Quang Đồng đề xuất.

Để bảo vệ phần dữ liệu và quyền riêng tư, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng có 2 yếu tố cốt lõi. Thứ nhất, kiểm toán an ninh mạng về dữ liệu. Hiện vấn đề này chưa được quan tâm. “Có thể sẽ có khó khăn về kinh phí song nếu không kiểm toán thì dữ liệu sẽ bị thất thoát, không bảo đảm về an toàn”, ông Đồng cảnh báo.

Thứ hai, có các thiết chế giám sát dữ liệu từ bên ngoài hệ thống, tức có hội đồng chỉ đạo vấn đề này. Theo đó, không nên giới hạn trong bộ ngành mà phải huy động được sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội. Nếu làm được như vậy sẽ mở nhanh dữ liệu. Việt Nam cũng không nên mở hoàn toàn dữ liệu mà cần thu phí, song phải tính toán mức phí cũng như đối tượng thu.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất, muốn chuyển đổi số ngành y tế hiệu quả, cần phân định rõ vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần quan tâm đầu tư nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong ngành, có chế độ đãi ngộ thích hợp để thu hút được người có đủ năng lực, trình độ tham gia.

Đan Thanh