Nguy cơ “khủng hoảng tên lửa Cuba” ở Ukraine

Quốc Đạt 17/06/2015 07:39

50 năm trước, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba gần như đưa thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Giờ đây, một kịch bản tương tự có thể lặp lại nếu kế hoạch triển khai vũ khí hạng nặng đến các nước Đông Âu của Mỹ được thông qua.

Hai sự kiện, một kịch bản

Ngày 14.10.1962, chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ đã chụp được các bức ảnh cho thấy sự hiện diện của các tên lửa hạt nhân Liên Xô ở Cuba. Phạm vi hủy diệt của chúng bao trùm toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ. Việc đánh chặn gần như là không thể bởi Cuba chỉ cách Mỹ một eo biển hẹp. Khi người Mỹ phát hiện ra, thì đã có tới 36 quả tên lửa tầm trung R12 mang đầu đạn hạt nhân được bố trí trên đất Cuba. Đây được coi là hành động trả đũa của Liên Xô đối với với việc Mỹ triển khai hơn 100 quả tên lửa trên đất Anh, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ, và đặc biệt là sau sự kiện Vịnh Con Lợn. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là một trong các vụ đối đầu nghiêm trọng nhất thời Chiến tranh Lạnh và là khoảnh khắc mà Chiến tranh Lạnh tiến gần nhất tới một cuộc Chiến tranh hạt nhân.

Nga dọa sẽ triển khai tên lửa Iskander ở biên giới nếu Mỹ đưa vũ khí hạng nặng tới Đông Âu
Nga dọa sẽ triển khai tên lửa Iskander ở biên giới nếu Mỹ đưa vũ khí hạng nặng tới Đông Âu
53 năm sau, cuộc chiến ở Ukraine đang tạo ra cuộc đối đầu nguy hiểm nhất giữa Washington và Moscow kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. New York Times vừa tiết lộ Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch triển khai một loạt vũ khí hạng nặng cùng 5.000 quân tới một loạt quốc gia Đông Âu và Baltic. Kế hoạch này sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Nhà Trắng thông qua trước cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels, Bỉ trong tháng này. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ triển khai vũ khí hạng nặng tới các nước thành viên mới của NATO, những nước từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trấn an hay đe dọa?

Động thái của Washington được cho là nhằm trấn an các đồng minh đang có dấu hiệu mất bình tĩnh sau các động thái quân sự cứng rắn của Nga ở miền Đông Ukraine. Nhưng sẽ là ngu ngốc nếu Mỹ cố tình làm an lòng Ukraine hay các nước đồng minh rằng, phương Tây sẽ ngang tài ngang sức với Nga trên từng động thái quân sự. Việc Mỹ đưa vũ khí hạng nặng tới sát biên giới Nga sẽ kéo Mỹ và Nga vào một cuộc thử nghiệm ý chí quân sự nghiêm trọng nhất, nhưng lần này ngay trên ngưỡng cửa của Nga. Năm 1962, vị trí địa lý có lợi cho Washington và Moscow đã phải rút lui. Năm 2015, sự gần gũi về địa lý sẽ cho phép Nga đưa thêm quân và trang thiết bị đến chiến trường nhanh gấp nhiều lần so với tốc độ Mỹ tăng cường quân đến Đông Âu. Hơn nữa, Nga đơn giản là có nhiều thứ đang bị đe dọa ở Ukraine hơn là Mỹ và các đồng minh NATO và điều đó có nghĩa là Tổng thống Putin sẽ chấp nhận những rủi ro mà phương Tây có thể không dám chấp nhận.

Nếu kế hoạch triển khai tên lửa đến Ba Lan hay Litva là nhằm đe dọa Nga, Mỹ phải tính đến kịch bản: họ sẽ làm gì tiếp theo nếu Putin leo thang thay vì dừng lại. Mà có vẻ như đây chắc chắn là lựa chọn của phong cách Putin. “Nếu thiết bị quân sự hạng nặng của Mỹ, bao gồm xe tăng, pháo binh và các thiết bị khác thực sự được chuyển tới các nước Đông Âu và vùng Baltic, Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài đưa nguồn lực tới các mặt trận phía Tây”, quan chức Bộ Quốc phòng Nga Yuri Yakubov đã rõ ràng như vậy hôm 15.6. Ông cũng cho biết đầu tiên Nga sẽ điều các đơn vị xe tăng chiến đấu, pháo binh và không quân đến biên giới phía Tây. Sau đó là đẩy nhanh kế hoạch triển khai tên lửa Iskander mới ở vùng lãnh thổ Kaliningrad và củng cố quân đội ở Belarus. Điều này sẽ buộc Washington đối mặt với hai lựa chọn, mà cả hai đều không phải phương án tối ưu: lùi lại hoặc tiếp tục mạo hiểm. Thực hiện một bước đi mạo hiểm dựa trên niềm hy vọng thay vì có một phương án đối phó hiệu quả, sẽ là sự liều lĩnh.

Ảo tưởng của phương Tây

Mỹ và phương Tây cũng từng hy vọng rằng, vết cắn từ các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ khiến ông Putin đổi ý. Nhưng một năm trôi qua kể từ khi các hình phạt được áp đặt, thay vì vẫy cờ trắng, Nga vẫn đẩy mạnh vai trò quân sự ở miền Đông Ukraine. Không có mảy may dấu hiệu nào cho thấy nước Nga sẽ bỏ rơi nước Cộng hòa Donbass, chưa nói đến hy vọng tìm kiếm một thỏa hiệp về Crimea để giúp giảm bớt áp lực kinh tế đối với Nga.

Đúng là phương Tây đã cô lập Nga bằng nhiều cách, chẳng hạn như tẩy chay Lễ Kỷ niệm chiến thắng Phát xít tháng 5.2015, hất Nga ra khỏi G8, và Putin có thể sẽ nhớ việc mình từng là một phần quan trọng trong những buổi họp kín (nhưng phần lớn là vô ích) của câu lạc bộ cường quốc này, nhưng câu thần chú của Washington rằng Nga sẽ phải chịu cô lập trên trường quốc tế đã chẳng linh nghiệm. Ấn Độ và Trung Quốc đã từ chối làm theo sự dẫn dắt của phương Tây, cũng như rất nhiều các nước châu Á, Phi, Mỹ Latin khác khi họ vẫn thấy ở Nga có những lợi ích cho riêng mình.

Hy vọng ở Minsk II

Do các biện pháp trừng phạt chưa có hiệu quả trong khi nguy cơ một cuộc chiến toàn diện mới đang hiện hữu, phương án tiếp cận duy nhất chấp nhận được là củng cố Thỏa thuận ngừng bắn Minks II. Mặc dù vẫn chưa giúp chấm dứt tiếng súng, nhưng không chết yểu như Minks I, Minks II vẫn tồn tại. Trên cơ sở tuân thủ Minks II, các bên cần ngồi vào bàn đàm phán cho giai đoạn tiếp theo. Những điều kiện mà Ukraine và Nga mong muốn sẽ không rõ ràng cho đến khi cuộc thương lượng khó khăn bắt đầu, nhưng ít nhất có thể đoán được: về phía Ukraine, họ sẽ khăng khăng giành lại quyền kiểm soát những khu vực phía Đông và bảo đảm viện trợ kinh tế từ phương Tây. Nga sẽ yêu cầu được dỡ bỏ lệnh trừng phạt và có thể một cam kết trung lập nào đó từ Kiev.

Nhưng sẽ cần hành động nhiều hơn nữa để tạo ra một nền hòa bình bền vững, hay chí ít là xóa bỏ không khí Chiến tranh Lạnh đang bao trùm Đông Âu: các loại vũ khí hạng nặng và binh lính (chính quy lẫn không chính quy) phải được rút hoàn toàn khỏi các khu vực chiến tranh với sự giám sát của một bên thứ ba. Một khu vực phi vũ khí phải được thiết lập ở cả hai biên giới Nga -Ukraine. Liên Xô và Mỹ đã tránh được nguy cơ chiến tranh hơn 50 năm trước, sẽ chẳng có lý do gì để họ phạm phải sai lầm vào lúc này.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nguy cơ “khủng hoảng tên lửa Cuba” ở Ukraine
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO