Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất vì cách làm mỗi nơi một kiểu

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 06:15 - Chia sẻ
Mặc dù Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn về xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa, tuy vậy các địa phương đang có cách làm khác nhau liên quan đến hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2 khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi hiện hữu.

Bất nhất hiệu lực giấy xét nghiệm

Trao đổi với phóng viên chiều 24.7, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương Vũ Đức Hạnh cho biết, hiện tỉnh đã dành toàn bộ 40km Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để tạo “luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển, chỉ lập chốt trên đường nhánh giao với Quốc lộ 5. Tới đây, tỉnh chỉ chấp nhận người vào tỉnh phải có kết quả PCR âm tính SAR-CoV-2 trong 72 giờ.

Hơn một tháng nay, Công ty CP Tổng công ty may Bắc Giang tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất nhằm kịp trả đơn hàng xuất khẩu đã xin gia hạn một tháng, do trước đó phải tạm dừng hoạt động gần 3 tuần để phòng, chống dịch Covid-19. Thế nhưng, nguy cơ tiếp tục trả chậm đơn hàng, thậm chí có thể bị hủy đơn vẫn hiện hữu, khi “trong ngày 24.7, chúng tôi cần 8 xe container để chở hàng xuất và nhập khẩu đi về giữa Bắc Giang - Hải Phòng nhưng phía đối tác dịch vụ vận tải chỉ thu xếp được 5 xe do khó khăn về thủ tục khi qua các chốt kiểm dịch tại tỉnh Hải Dương”, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết.

Là đối tác của Công ty CP Tổng công ty may Bắc Giang, đại diện Công ty Bình Minh xác nhận, từ ngày 20.7, khi tỉnh Hải Dương thực hiện Công điện số 03/CĐ-UBND đã triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và lập các chốt kiểm soát, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn liên quan đến giấy xét nghiệm.

Cụ thể, từ 0 giờ ngày 20.7, tỉnh Hải Dương yêu cầu người vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính SAR-CoV-2 có hiệu lực trong 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu), nếu không phải thực hiện test nhanh kháng nguyên tại chốt, âm tính mới được vào tỉnh. Trong khi đó, doanh nghiệp này ở Hải Phòng và khi làm xét nghiệm PCR cho tài xế thường phải mất 2 ngày kể từ khi lấy mẫu mới có kết quả. Như vậy, tài xế chỉ có một ngày chạy xe container từ Hải Phòng qua Hải Dương để sang các nhà máy tại Bắc Giang, Thái Nguyên, tương đương với một chuyến xe/ngày. Rõ ràng, hiệu quả kinh tế rất thấp khi chi phí xét nhiệm lên tới 720.000 đồng/lần xét nghiệm PCR! Do đó, doanh nghiệp đã chọn làm xét nghiệm nhanh cho tài xế với mức phí chỉ hơn 200.000 đồng/lần.

Tuy nhiên, các chốt tại Hải Dương lại có cách làm khác nhau. Chẳng hạn, trong ngày 24.7, tại chốt Tiền Trung (từ Quốc lộ 5 cũ sang Quốc lộ 37 đi Bắc Giang) yêu cầu kết quả xét nghiệm nhanh chỉ có hiệu lực trong ngày, trong khi tại chốt Phả Lại chấp nhận kết quả này trong vòng 24 giờ. Cũng tại chốt Tiền Trung, những ngày trước vẫn chấp nhận kết quả xét nhiệm nhanh trong vòng 24 giờ.

Đại diện Công ty TNHH MTV Vận tải Delta xác nhận, đây cũng là tình trạng các lái xe của công ty gặp phải khi đi qua các chốt tại Hải Dương.

Cũng liên quan đến hiệu lực của giấy xét nghiệm nhanh, tại Nam Định chấp nhận kết quả này trong vòng 48 giờ. Trong khi đó, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế tại Công văn số 5753/BYT-MT ngày 19.7.2021, kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên có hiệu lực trong 72 giờ kể từ khi lấy mẫu, đại diện Công ty Bình Minh thông tin.

Cần sớm thống nhất cách làm trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19
 Nguồn: TTXVN

Phải sớm thống nhất cách làm

Các doanh nghiệp xác nhận, chính việc áp dụng quy định chống dịch chưa thống nhất giữa các địa phương đang gây khó khăn rất lớn khi làm gia tăng chi phí. Nếu kết quả xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong 24 giờ sẽ tốn kém hơn so với 48 giờ hay 72 giờ.

Đại diện Công ty Bình Minh thừa nhận tài xế cũng như lãnh đạo doanh nghiệp “cảm thấy rất mệt mỏi”. “Trong hôm qua 24.7, tài xế qua chốt tại Hải Dương báo cáo về công ty là từ hôm nay tỉnh này sẽ chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm do tỉnh cung cấp. Nếu đúng như vậy, có lẽ chúng tôi sẽ tạm dừng hoạt động đối với 18 xe container một thời gian”, vị này nói.

Cần sớm thống nhất cách làm là mong muốn chung của các doanh nghiệp hiện nay, nhất là giữa các tỉnh nằm trong cung đường vận tải hàng hóa từ nhà máy đến cảng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đề nghị, theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 5753/BYT-MT, hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2 chỉ trong 72 giờ nên các địa phương cần quy định rõ thời gian trả kết quả, ưu tiên trả sớm cho tài xế vận tải hàng hóa và áp dụng thống nhất hiệu lực này.

Dẫn kinh nghiệm thực tế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Bắc Giang Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, để xét nghiệm cho 3.000 công nhân mỗi tuần một lần theo phương pháp PCR, công ty đã làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang đến lấy mẫu chiều tối ngày hôm trước và trả kết quả vào đầu giờ sáng hôm sau. Do là mẫu gộp nên công ty đề nghị đơn vị lấy mẫu tách riêng kết quả xét nghiệm của những người thường xuyên đi lại như tài xế. Như vậy, chỉ mất khoảng nửa ngày đã nhận được kết quả.

Tất nhiên, để trả kết quả xét nghiệm PCR sớm còn tùy thuộc vào từng địa phương do phụ thuộc nhân lực, vật lực. Dù vậy, việc ưu tiên trả kết quả sớm cho các tài xế vận tải hàng hóa rất cần thiết để bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, qua đó bảo đảm mục tiêu kép mà Chính phủ đặt ra.

Đan Thanh