Lễ cúng thần rừng của đồng bào Pu Péo:

Ngưỡng vọng rừng thiêng

- Thứ Hai, 26/07/2021, 17:41 - Chia sẻ
Trong tâm thức của dân tộc Pu Péo, rừng là “kho dự trữ” nguồn sống vô tận, mang tới cho mọi người sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bởi vậy, từ bao đời nay, đồng bào duy trì bảo vệ những khu rừng thiêng, cũng như các nghi lễ cúng thần rừng với niềm ngưỡng vọng, sùng kính.
Trong buổi lễ, lời thề giữ rừng được các thế hệ người Pu Péo trao truyền - Ảnh ITN
Trong buổi lễ, lời thề giữ rừng được các thế hệ người Pu Péo trao truyền
 Ảnh ITN

Không gian tâm linh của người Pu Péo

Có số dân dưới 1.000 người, dân tộc Pu Péo chủ yếu sinh sống ở các huyện Ðồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, song nhiều năm qua, đồng bào vẫn gìn giữ nguyên vẹn và duy trì lễ cúng thần rừng.

Với người Pu Péo, thần rừng có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng nhất. Các già làng còn lưu giữ câu chuyện về nguồn gốc lễ cúng thần rừng: Ở vùng cao có ông thần lạ, ai muốn chặt cây, đốt nương, phải xin, thần cho phép mới được vác rìu, vác cuốc tới. Thần giao trách nhiệm cho ong và kiến coi giữ rừng, xua đuổi nếu ai xâm phạm. Từ đó, người không có đất làm nương, không có gỗ làm nhà, người kiện lên vua trời. Vua trời phán rằng, từ nay, thần rừng phải để người khai phá đất đai trồng trọt, làm kế sinh nhai. Người tự do chặt cây, làm muông thú hết nơi cư ngụ, kiếm ăn, chúng lại kéo lên vua trời kiện con người. Vua trời phán, rừng là của chung muôn loài. Con người được khai phá đất đai, lấy gỗ làm nhà, làm củi đốt. Tuy nhiên, rừng phải có người cai quản, muông thú phải có nơi cư ngụ, kiếm ăn. Người muốn chặt cây, đốt rẫy phải làm lễ cúng thần rừng...

	Lễ cúng thần rừng mang theo niềm tin tâm linh của người Pu Péo - Ảnh ITN
Lễ cúng thần rừng mang theo niềm tin tâm linh của người Pu Péo
 Ảnh: ITN

Bởi vậy, từ lâu đời, trong khu vực đồng bào Pu Péo sinh sống đều có một khu rừng cấm, nơi thần rừng cư ngụ. Người Pu Péo cho rằng thần rừng là chủ nhân của rừng thiêng. Bên cạnh đó, đây còn là nơi dừng chân, hội tụ của thế giới các vị thần, cũng như tổ tiên từ nhiều đời trước không còn được thờ cúng trong gia đình...

Khu rừng được đồng bào gìn giữ và bảo vệ bởi các luật tục và điều kiêng kỵ. Thầy cúng Tráng Mìn Hồ, người đảm nhiệm vai trò chủ tế cho Củng Chá, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, từ hơn 30 năm nay cho biết: “Tại những khu rừng được chọn làm rừng thiêng, sẽ có những quy định nghiêm ngặt, người dân không được vào rừng thiêng chặt cây, lấy củi, phá rừng, đốt nương rẫy, không vứt rác, không chăn thả gia súc và luôn giữ cho rừng sạch sẽ, trong lành. Để cuộc sống no đủ, gia đình, dòng họ luôn được khỏe mạnh, không đau ốm thì dân làng không được xâm phạm vào nơi ở của thần rừng, không ai được vào rừng cấm chặt cây lấy củi, săn bắn...”.

Trao truyền lời thề giữ rừng

	Lễ cúng thần rừng mang theo niềm tin tâm linh của người Pu Péo
Lễ cúng thần rừng mang theo niềm tin tâm linh của người Pu Péo
 Ảnh: ITN

Người Pu Péo ở Hà Giang thường tổ chức lễ cúng rừng vào ngày 6.6 âm lịch. Trong quan niệm của bà con, đó là ngày trời đất giao hòa, vạn vật cỏ cây và vũ trụ đều thanh sạch nhất. Nơi tổ chức là khu vực bìa rừng phía sau làng.

Trước ngày diễn ra lễ cúng, mọi người cùng họp bàn phân công việc và chuẩn bị lễ vật cúng thần rừng. Người dân đóng góp tiền mua lễ vật, mời thầy cúng. Sáng ngày diễn ra lễ cúng, mỗi gia đình cử một đại diện, thường là chủ nhà, mang lễ vật đã chuẩn bị đến một nhà gần rừng nhất, cắt cử người nấu cơm, luộc trứng (hoặc thịt), người ra địa điểm cúng dọn dẹp sạch sẽ. Đàn cúng được làm từ những cành cây nhỏ, để nguyên lá, cắm xuống đất, cành đan vào nhau, cao khoảng 1m, dựng quay về rừng cấm.

Lễ cúng gồm hai phần: phần cúng dâng lễ hay còn gọi là cúng sống, lễ vật gồm gà, dê còn sống - tượng trưng cho sức sinh sôi, nảy nở; cùng cơm nắm, trứng luộc hoặc thịt luộc. Phần thứ hai là phần cúng chính (cúng chín), lễ vật dâng lên thần rừng là con dê, gà đã được làm thịt... Mỗi lần dâng lễ, thầy cúng tiến hành các bài cúng mời thần rừng về dự lễ, kể về công lao của thần rừng, sự tích của đất trời và các vị thần với hàm ý dân làng không quên nguồn gốc, công lao của thần rừng, tổ tiên người Pu Péo và các vị thần; xin núi rừng bao bọc người Pu Péo, cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người được khỏe mạnh, no đủ. Trong buổi lễ, những lời thề giữ rừng được các thế hệ người Pu Péo trao truyền trước cửa rừng thiêng.

	Lễ cúng thần rừng mang theo niềm tin tâm linh của người Pu Péo
Lễ cúng thần rừng mang theo niềm tin tâm linh của người Pu Péo
Ảnh: ITN

Ngoài phần lễ, phần hội cũng diễn ra sôi nổi với những lời hát, điệu múa và trò chơi dân gian như đu quay, bập bênh, đẩy gậy, đánh yến, đánh cù; múa hát các làn điệu dân ca, hát đối đáp, giao duyên... Sau mỗi buổi cúng, các thành viên trong làng thường ngồi lại ăn uống và trò chuyện, trao đổi về cuộc sống, kinh nghiệm trong sản xuất... tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong làng bản...

Hòa cùng thiên nhiên, tôn trọng, gắn bó, bảo vệ rừng là quan niệm lâu đời của đồng bào Pu Péo. Theo ông Lưu Sần Vạn, thành viên tổ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang: Dân tộc Pu Péo quan niệm các vị thần sẽ cứu giúp họ trong ốm đau, bệnh tật. Tục thờ thần rừng để phù hộ dân làng khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, thú dữ không vào quấy rối và đặc biệt là giữ được rừng. Bởi vậy, ở thôn có đồng bào Pu Péo sinh sống, rừng luôn được giữ gìn, bảo vệ... Với ý nghĩa như vậy, tục cúng thần rừng là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Thảo Nguyên