Ngưỡng chịu thuế đã lạc hậu?

- Thứ Sáu, 04/06/2021, 08:24 - Chia sẻ
Hiện có ý kiến cho rằng, ngưỡng chịu thuế cho thuê nhà đang quá thấp, trong khi mức thuế cho thuê nhà lại cao dẫn tới tình trạng người cho thuê nhà cố tình trốn tránh thuế, gây thất thu ngân sách. Bởi vậy, cần xem xét nâng ngưỡng chịu thuế cho phù hợp với thực tế.

Phân tích cụ thể, một chuyên gia cho rằng, cá nhân cho thuê nhà cũng như các chủ thể kinh doanh khác có doanh thu, có thu nhập đều phải đóng thuế là hợp lý. Thế nhưng vấn đề ở chỗ mức chịu thuế là 100 triệu đồng/năm, tức hơn 8,3 triệu đồng/tháng từ nhiều năm qua đã "lạc hậu", dẫn đến không nhận được sự đồng thuận của người nộp thuế, không phù hợp với thực tiễn. Việc cho thuê nhà mỗi tháng chưa tới 10 triệu đồng nhưng phải đóng 10% thuế là chưa hợp lý. Do vậy, nên tăng ngưỡng chịu thuế cho thuê nhà lên mức 130 - 150 triệu đồng/năm trở lên, khi mức trượt giá tăng trên 20% thì điều chỉnh. Bên cạnh đó, cho phép người thuê nhà nói riêng cũng như cá nhân, hộ kinh doanh nói chung được khấu trừ chi phí trước khi tính doanh thu tính thuế...

Ý kiến khác cũng cho rằng, thực tế, công tác quản lý hoạt động cho thuê nhà nói chung, gồm cả thu thuế với hoạt động này thời gian qua chưa tốt, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà đất, hộ tịch, thuế… Đã có trường hợp cá nhân cho người nước ngoài thuê nhà cư trú không hợp pháp, người nước ngoài nhập cảnh trái phép, người thuê sử dụng nhà cho kinh doanh bất hợp pháp... Điều đáng nói là hầu hết những trường hợp này đều trốn thuế, bởi vậy việc siết chặt quản lý thuế là phù hợp, bảo đảm bình đẳng. Và ngưỡng doanh thu chịu thuế nên tăng lên mức 150 triệu đồng/năm và áp dụng với tất cả loại hình kinh doanh khác của cá nhân là hơp lý.

Thế nhưng, đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, Tổng cục Thuế lại cho rằng, theo Luật Kinh doanh bất động sản, những trường hợp cho thuê bất động sản thuộc diện chịu thuế 10% đều được xác định là những trường hợp kinh doanh bất động sản. Việc đặt vấn đề tính toán các khoản chi phí cho hoạt động cho thuê bất động sản là không phù hợp vì phải tính đến các yếu tố sở hữu bất động sản lâu dài, bất động sản có thể tăng giá trong tương lai. Đối với hoạt động cho thuê thông thường chỉ có thể tính đến các chi phí mang tính phát sinh thường xuyên trong thời gian cho thuê hoặc để phục vụ cho mục đích cho thuê.

Để xử lý vấn đề không được trừ chi phí hợp lý của cá nhân cho thuê bất động sản, chính sách thuế đã xây dựng mức thuế của cá nhân thấp hơn so với doanh nghiệp. Đó là thuế giá trị gia tăng của cá nhân là 5%, của doanh nghiệp là 10%; thuế thu nhập cá nhân của cá nhân là 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp là 20% trên chênh lệch. Như vậy mặc dù thuế suất đối với hoạt động cho thuê bất động sản ở mức cao hơn so với các loại hình kinh doanh dịch vụ khác nhưng đã loại trừ các hoạt động mang tính lưu trú, các hoạt động cho thuê đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội như sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết sẽ xem xét đề xuất với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh ngưỡng doanh thu chịu thuế. Đây là việc cần thiết, bởi trong bối cảnh hiện nay, để khuyến khích người cho thuê nhà chủ động đăng ký, kê khai và nộp thuế, mức thuế đối với cho thuê nhà thì nên giảm thuế. Không nên đánh thuế quá cao sẽ dẫn tới tình trạng cố tình trốn tránh, gây thất thu ngân sách.

Linh Trang