Tổng điều tra dân số

Nguồn thông tin độc lập, chính xác và cần thiết

- Thứ Hai, 25/10/2021, 07:09 - Chia sẻ
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) là cơ quan hàng đầu của Liên Hợp Quốc cung cấp hỗ trợ cho các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở trên toàn cầu. Theo Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara, trong những thập kỷ sắp tới, hầu hết các quốc gia vẫn tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở, bởi nó cung cấp nguồn dữ liệu độc lập, chính xác và đáng tin cậy làm cơ sở cho việc ra quyết định và hoạch định chính sách.
	Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara

Nguồn dữ liệu chuẩn mực quốc tế

 - Với vai trò là đại diện cho Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, cơ quan hàng đầu cung cấp hỗ trợ cho các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở trên toàn cầu nhiều năm qua, xin bà cho biết mục đích ý nghĩa của tổng điều tra dân số và nhà ở đối với một quốc gia?

- Tổng điều tra dân số và nhà ở được tiến hành để thống kê toàn bộ dân số của một quốc gia vào ngày thực hiện điều tra dân số. Đây là nguồn thông tin hợp lý, độc lập, chính xác và rất cần thiết cho công tác chỉ đạo, hoạch định chính sách, lập kế hoạch, quản lý rủi ro, xây dựng các chương trình phúc lợi xã hội và phân tích thị trường kinh doanh của đất nước.

Các nguyên tắc cơ bản của tổng điều tra dân số và nhà ở là tính phổ quát, tính độc lập, công bằng, tính đồng thời và tiến hành theo chu kỳ xác định. Cần lưu ý là chỉ duy nhất trong tổng điều tra dân số và nhà ở cả quy trình và kết quả thống kê là được thể hiện, đồng thời cho phép so sánh số liệu của các quốc gia theo chuẩn quốc tế, làm căn cứ báo cáo việc các quốc gia thực hiện các cam kết quốc tế. Có tới 107/232 chỉ tiêu trong Mục tiêu Phát triển bền vững cần dữ liệu dân số để tính toán, với nhiều chỉ tiêu có mẫu số là dân số, được cung cấp từ tổng điều tra dân số và nhà ở. Ít nhất 19 chỉ tiêu trong Mục tiêu Phát triển bền vững được tính từ số liệu của tổng điều tra dân số và nhà ở. Do tổng điều tra dân số và nhà ở tiến hành điều tra đối với tất cả cá nhân của quốc gia, dữ liệu của nó cho phép phân tổ sâu hơn để có thể phân tích toàn diện hơn các vấn đề bất bình đẳng nhằm xác định những đối tượng bị bỏ lại phía sau.

Cho đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở. Vì vậy nguồn dữ liệu này đã trở thành chuẩn mực quốc tế. Đa số quốc gia tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở 10 năm một lần, một số quốc gia thực hiện 5 năm một lần như Canada, Nhật Bản, Ireland…; một vài quốc gia thực hiện hàng năm như Pháp, Phần Lan, Italy, Thụy Sĩ...

Ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19

- Được biết các nước đang thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở chu kỳ 2020 (thực hiện từ năm 2015 - 2024). Cuộc tổng điều tra đang được triển khai như thế nào, thưa bà?

- Chương trình Tổng điều tra dân số và nhà ở thế giới chu kỳ 2020 được Ủy ban Thống kê Liên Hợp Quốc phê duyệt tại Phiên họp thứ 46 và Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) thông qua tại Nghị quyết E/RES/2015/10. Chương trình công nhận tổng điều tra dân số và nhà ở là một trong những nguồn dữ liệu quan trọng cho xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện các chính sách và chương trình hướng tới phát triển kinh tế - xã hội toàn diện gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Đây cũng là nguồn dữ liệu được phân tổ quan trọng và đáng tin cậy, phục vụ báo cáo tiến độ triển khai Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh đánh giá thực trạng dân số theo thu nhập, giới tính, độ tuổi, chủng tộc, dân tộc, tình trạng di cư, khuyết tật và vị trí địa lý hoặc các đặc điểm khác.

Để hỗ trợ các quốc gia tiến hành điều tra dân số và nhà ở, năm 2017, Vụ Kinh tế và Xã hội thuộc Ủy ban Thống kê Liên Hợp Quốc đã ban hành tài liệu “Các nguyên tắc và khuyến nghị cho tổng điều tra dân số và nhà ở, sửa đổi lần 3”. Tài liệu cung cấp các khuyến nghị và hướng dẫn kỹ thuật quốc tế cho các quốc gia tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở, biên soạn và phổ biến kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở.

- Đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở lần này?

- Đại dịch Covid-19 khiến việc điều tra dân số bị trì hoãn nhiều lần. Trước khi xảy ra đại dịch, 63% quốc gia đã lên kế hoạch thực hiện tổng điều tra vào năm 2020 và 2021, trong đó 70 quốc gia dự kiến thực hiện vào năm 2020 và 69 quốc gia dự kiến thực hiện vào năm 2021. Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát, chỉ có 19 quốc gia có thể tiến hành tổng điều tra thành công vào năm 2020, các quốc gia còn lại hoãn đến năm 2021 hoặc muộn hơn. Tương tự, nhiều cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở dự kiến diễn ra trong năm 2021 cũng tiếp tục bị trì hoãn.

Hơn nữa, cũng cần phải lưu ý rằng mức sinh, mức chết và tình trạng di cư có thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và điều quan trọng là phải đánh giá tác động nhân khẩu học của Covid-19 và như vậy dữ liệu tổng điều tra dân số và nhà ở cập nhật nhất sẽ là vô cùng quan trọng.

Chuẩn bị cẩn trọng cho quá trình chuyển đổi

- Chu kỳ 2030 dự kiến xu hướng hiện đại hóa tổng điều tra dân số và nhà ở như chu kỳ 2020, bao gồm tăng cường áp dụng các phương pháp luận và công nghệ mới như sử dụng thiết bị cầm tay, hình ảnh vệ tinh và sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS); các phương pháp phân tích đổi mới sáng tạo hơn. Trong bối cảnh đó, UNFPA có khuyến nghị gì với Việt Nam?

- Tổng điều tra dân số và nhà ở của Việt Nam năm 2019 là một ví dụ điển hình tốt, được trích dẫn nhiều lần tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, tạo điều kiện cho các nước khác học hỏi kinh nghiệm. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng dụng công nghệ trong tất cả giai đoạn của tổng điều tra, đặc biệt là giai đoạn thu thập dữ liệu, đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng và tính minh bạch của dữ liệu được thu thập, rút ngắn thời gian xử lý dữ liệu, công bố kết quả điều tra dân số trong thời gian ngắn kỷ lục, 7 tháng.

Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thiết lập và đẩy mạnh cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cơ sở dữ liệu đó vẫn chưa đủ để thay thế tổng điều tra dân số và nhà ở, do chưa đáp ứng những điều kiện căn bản để bảo đảm các đặc trưng thiết yếu của tổng điều tra dân số và nhà ở, tức là điều tra từng cá nhân, tính đồng thời, tính phổ quát, dữ liệu theo khu vực nhỏ, tiến hành theo định kỳ, và bảo đảm chất lượng.

Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở, nhưng có thể khám phá các hình thức tổng điều tra khác: Tổng điều tra truyền thống, tổng điều tra dựa trên hệ thống đăng ký và tổng điều tra thực hiện kết hợp giữa 2 hình thức trên. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam cần đánh giá và chuẩn bị cẩn trọng cho quá trình chuyển đổi từ phương thức tiến hành tổng điều tra truyền thống sang các phương thức khác, chẳng hạn như xem xét nhu cầu dữ liệu sẵn có, tính khả thi về công nghệ, cân nhắc các vấn đề pháp lý và yêu cầu của các bên liên quan. Rất có thể trong quá trình chuyển đổi sẽ phát sinh một số thách thức không mong muốn và làm tăng chi phí cuối cùng, và đây có thể là lý do mà có ý kiến cho rằng Việt Nam không cần thực hiện tổng điều tra nữa.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Liên Hương thực hiện