Nguồn nhân lực thấp là yếu tố cản trở giảm nghèo bền vững

Văn Thăng thực hiện 10/03/2014 15:07

Khó khăn nhất trong thu hút đào tạo nguồn nhân lực là sự phát triển không đều nhau của các dân tộc; là vấn đề nhận thức, về lợi ích của học vấn và tri thức; là tâm lý, tập quán, các thông tin có liên quan và nhu cầu của xã hội còn nhiều sự khác biệt. Đây cũng chính là chia sẻ của PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC SƠN PHƯỚC HOAN với PV báo ĐBND khi trao đổi về giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi.

Nguồn nhân lực thấp là yếu tố cản trở giảm nghèo bền vững ảnh 1-Thưa Ông, ông đánh giá thế nào về vai trò nguồn nhân lực thực hiện chính sách giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

PCN Sơn Phước Hoan:
Trước hết phải thấy rằng, để nâng cao hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững, các bộ, ngành, địa phương cũng không ngừng đổi mới cơ chế triển khai thực hiện. Cụ thể, chúng ta đã chú trọng nhiều đến nguồn nhân lực, phân cấp mạnh cho địa phương, nâng cao vai trò chủ động của hộ nghèo, địa bàn khó khăn là đối tượng thụ hưởng chính sách, theo hướng giải quyết nghèo đa chiều. Vấn đề hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo đã chú trọng đến việc hình thành các mô hình sản xuất bao gồm cả hộ cận nghèo, hộ có kinh nghiệm sản xuất và quan tâm đến đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nâng cao năng lực của người dân. Nhờ vậy, công tác giảm nghèo chung của cả nước đã đạt những thành tựu quan trọng; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn, đến cuối năm 2013 chung trong cả nước chỉ còn 7,8%.

Riêng đối với vấn đề nguồn nhân lực, theo tôi, nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp… của mỗi cá nhân. Xem nguồn lực con người như là một nguồn vốn cao quý bên cạnh các loại vốn vật chất khác như: tiền tệ, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên. Và đối với miền núi và vùng dân tộc thiểu số, nguồn nhân lực còn nhiều yếu tố chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Qua số liệu tổng điều tra dân số và kết quả khảo sát cho thấy nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay có mặt còn rất thấp. Hạn chế đó bộc lộ cả về thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp; thể hiện rõ qua sức khỏe, tuổi thọ, nhận thức, trình độ dân trí, khả năng ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; năng lực thích nghi với nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới.

- Từ những hạn chế như ông vừa đề cập trên, phải chăng, những năm qua, nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của vùng dân tộc, miền núi chưa thực sự được chú trọng nhiều, thưa Ông?

PCN Sơn Phước Hoan: Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của vùng dân tộc và miền núi. Xét cho đến cùng mọi sự phát triển kinh tế - xã hội cũng chỉ vì con người. Thực tế cho thấy trong công tác giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức bởi kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn lớn, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao; hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, sự quan tâm và nguồn lực đầu tư.

Có một nhân tố quan trọng làm cản trở công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi là do nguồn nhân lực thấp ít được đề cập. Điều đó, thể hiện ở nhiều mặt của đối tượng thụ hưởng chính sách, cả về tâm lực, trí lực, thể lực và tập quán của đồng bào. Do không nắm được kỹ thuật sản xuất, không cân đối được chi tiêu, phần lớn nông dân với nhiều nguồn chi nhưng chỉ một nguồn thu ít ỏi là nông sản. Không ít gia đình được chính sách hỗ trợ cho vay tiền với lãi suất ưu đãi và một số chính sách hỗ trợ khác có tính dàn trải nhưng đồng bào chưa biết sử dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh cho có hiệu quả nên cuối cùng vẫn không thoát được nghèo.

Nếu tất cả các nguồn lực được lồng ghép tập trung, đồng bộ, có tính dài hạn; đồng bào được hướng dẫn nâng cao cả về nhận thức, biết cách sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, biết ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, biết cân đối thu chi thì có lẽ nguồn lực chúng ta đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi sẽ có hiệu quả hơn.

Như vậy, khi người dân, hộ nghèo là dân tộc thiểu số được nâng cao nhận thức, được hỗ trợ nâng cao nhận thức, kiến thức trong sản xuất, kỹ năng lao động, thông tin thị trường, có tư liệu, đất đai sản xuất, được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, được vay vốn… và có đầu ra cho sản phẩm chắc chắn họ sẽ vươn lên thoát nghèo là điều hiển nhiên. Đó chính là yếu tố quyết định của vai trò nguồn nhân lực trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.

- Thời gian qua, chúng ta có Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định về chính sách cử tuyển, được coi là một trong những giải pháp giúp đáp ứng nguồn nhân lực tại chỗ cho vùng dân tộc và miền núi. Tuy nhiên, thưa Ông, từ chính sách đến việc triển khai trong thực tiễn gặp không ít khó khăn khiến chính sách này chưa thực sự phát huy hết hiệu quả của nó? 

PCN Sơn Phước Hoan: Sau 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển số lượng học sinh cử tuyển cùng với số học sinh trúng tuyển thẳng vào các trường đại học đã góp phần đáng kể vào việc bổ sung nguồn nhân lực cho vùng dân tộc và miền núi. Nhờ đó, nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi từng bước được cải thiện, đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ công tác dân tộc và cán bộ chuyên ngành ở địa phương là người dân tộc thiểu số được nâng dần cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ lao động có tay nghề được bổ sung, chất lượng hiệu quả công việc, năng suất lao động từng bước được nâng lên.

Tuy vậy, công tác cử tuyển đang bộc lộ nhiều bất cập.

Thứ nhất là việc không cân đối được ngành nghề đào tạo, đa số sinh viên cử tuyển đã được bố trí vào học tại các đại học, học viện, cao đẳng đều tập trung đăng ký vào học các nhóm ngành: sư phạm chiếm 23,03%, y tế chiếm 25,96%, kinh tế chiếm 16,82%, kỹ thuật chiếm 15,55%, nông lâm chiếm 12,91%. Vì không cân đối được ngành nghề đào tạo nên khó cân đối các dân tộc, địa bàn cử tuyển và không bố trí được việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều đó do nhiều nguyên nhân như: việc lựa chọn ngành nghề không phù hợp với nhu cầu của địa phương, không có chỉ tiêu biên chế, tâm lý các em ngại đi vào chỗ khó khăn, thi tuyển công chức không cạnh tranh được với ứng viên có lợi thế.

Thứ hai là việc phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện Nghị định 134 cụ thể ở việc giao chỉ tiêu, thực hiện chế độ chính sách, nguồn kinh phí chi trả có mặt cũng còn nhiều bất cập. Chưa có cơ quan chủ trì từ khâu giao chỉ tiêu cho đến khi các em tốt nghiệp ra trường. Chưa có cơ chế khuyến khích những người học giỏi, chế tài đối với người bỏ học hoặc không về quê nhận việc sau khi tốt nghiệp hoặc có nhưng chưa đủ mạnh có tính giáo dục, răn đe. Mặt khác, cơ chế đầu vào và đầu ra của chính sách cũng chưa hợp lý, chỉ chú ý việc đào tạo là phải giải quyết việc làm, chưa quan tâm đến việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài có tính xã hội hóa đối với các dân tộc thiểu số và các địa bàn khó khăn.

- Với những khó khăn như vậy, theo Ông, chúng ta cần giải pháp gì cho phát triển nguồn nhân lực từ đào tạo, sử dụng cũng như các chính sách đãi ngộ?

PCN Sơn Phước Hoan:
Theo tôi, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện một số việc cụ thể như:

Nghiên cứu, đánh giá tình hình giáo dục, đào tạo tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần làm cho phát triển nguồn nhân lực có bước chuyển biến mạnh mẽ.

Hướng dẫn các địa phương tập trung đầu tư đồng bộ cho hệ thống giáo dục và đào tạo; coi phát triển giáo dục và đào tạo là một nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp. Bám sát yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước để tổ chức tuyển sinh, đào tạo một cách thiết thực và hiệu quả, gắn với địa chỉ sử dụng, đồng thời hướng tới đào tạo nhằm nâng cao dân trí.

Cần có dự báo về nguồn nhân lực để đào tạo đáp ứng với sử dụng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, khu vực và trong cả nước.

Cần có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là người dân tộc thiểu số, cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi và cán bộ trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc. Có như vậy, chúng ta mới phát huy được nguồn lực con người, coi đó là một trong những nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số.

- Xin cám ơn Ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nguồn nhân lực thấp là yếu tố cản trở giảm nghèo bền vững
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO