Nguồn lực nội sinh

- Thứ Tư, 04/11/2020, 06:27 - Chia sẻ
Kể từ khi FTA đầu tiên được ký năm 1995 đến nay, Việt Nam được đánh giá đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu về tăng trưởng bao trùm trong khu vực doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2004 - 2014, tức gần 20 năm Việt Nam lần đầu tham gia sân chơi thế giới, các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng, mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng lên nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được thị trường quốc tế lại giảm so với 10 năm trước đó.

Kết luận này có phần nào đi ngược lại với nhận định Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới hay không? Nếu tỷ trọng doanh nghiệp Việt tiếp cận được thị trường thế giới giảm thì kết quả hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới từ nhiều năm nay mà chúng ta đánh giá đến từ đâu, khu vực nào đã và đang khai thác sử dụng hiệu quả con đường cao tốc này mà tỷ trọng hơn 70% xuất khẩu suốt thời gian qua đã đủ để minh chứng cho lập luận trên hay không?

Báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (về việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên) trình kỳ họp lần này cũng nhận định, nếu như Trung Quốc và Thái Lan tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng dệt may thì Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu cuối cùng là gia công theo hình thức lắp ráp các chi tiết nhập khẩu hoặc hoàn thành các sản phẩm giày dép, quần áo từ các nguyên liệu nhập khẩu.

Thời gian gần đây, nhiều nhận định và kỳ vọng khả năng Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất máy tính thế giới. Khi dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có xu hướng dịch chuyển trong tâm điểm đại dịch thì chúng ta cần tỉnh táo trước nhận định trên khi biết rằng 3/4 số lượng các bộ vi xử lý của Tập đoàn Intel được sản xuất tại Mỹ, còn lại là ở Iceland và Israel, trong khi đó cơ sở Intel ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào kiểm lỗi và đóng gói.

Điều này cho thấy Việt Nam thiếu hẳn công nghệ hiện đại. Do đó, lợi nhuận từ khâu gia công quần áo, giày dép đến kiểm lỗi, đóng gói là bao nhiêu trong tổng giá thành sản phẩm đó - rất cần câu trả lời của nhà hoạch định chính sách. Đặt trường hợp một vài năm nữa, khả năng nội lực hóa triển vọng hơn thì vấn đề cốt lõi là chúng ta có thể chen chân vào chuỗi cung ứng được hay không, khi mà FDI thế hệ mới mang cả hệ sinh thái vào Việt Nam? Làm thế nào để chiếm lĩnh lại thị trường trong nước và có thể mong đợi gì ở thị trường xuất khẩu?

Bên cạnh việc thiếu công nghệ hiện đại, chúng ta thiếu cả nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đạt được kỳ tích thịnh vượng vào năm 2045 thì phải vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, như dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII nêu ra, có nghĩa là thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000 USD vào năm 2025, trong khi GDP đầu người năm 2019 chỉ là 2.750 USD. Như vậy, trong 5 năm tới chúng ta phải đạt gần gấp đôi con số hiện tại; trong khi để nâng cao về năng suất lao động, đòi hỏi hàm lượng lao động lành nghề, trình độ giáo dục cao là các mẫu cấu phần rất quan trọng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình lại là một trong những "điểm nghẽn" hiện nay của nền kinh tế.

Chủ quan tôi cho rằng nếu thị trường lao động đáp ứng yêu cầu thì có lẽ không có chuyện hơn 81.300 lao động nước ngoài tại Việt Nam thì có hơn 77% là giám đốc điều hành, nhà quản lý và chuyên gia mà Báo cáo giám sát của Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã thống kê tại Kỳ họp thứ Sáu. Trong khi lao động giá rẻ là một trong những động lực tăng trưởng ở giai đoạn thu nhập thấp đang yếu dần, nhưng năng suất lao động, trình độ giáo dục đào tạo là những động lực tăng trưởng quan trọng trong giai đoạn thu nhập trung bình thấp, lại chưa được hình thành đầy đủ thì tiền đề và điều kiện gì để có thể thoát bẫy thu nhập trung bình trong những năm tới?

Trong kịch bản tăng trưởng, chúng ta luôn đặt mình ở thế động và các nước so sánh ở thế tĩnh. Thế nhưng, với thời đại khoa học công nghệ phát triển vũ bão hiện nay, khi chúng ta tiến một bước thì họ cũng tiến nhiều bước quan trọng mà tỷ trọng đầu tư và đổi mới sáng tạo trong GDP của Australia, Singapore là 2,2%, Trung Quốc là 2,1%, Malaysia là 1,3% so với 0,4% của Việt Nam, phần nào củng cố quan điểm trên. Trong khi đầu tư và đổi mới sáng tạo với tỷ lệ khiêm tốn như trên thì công cuộc chuyển đổi số cho một nền kinh tế hậu Covid-19 cũng không dễ dàng gì, khi tâm lý những doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như ít quan tâm đến chuyển đổi số, do đặc thù, tính chất cũng như nhiều lý do khác.

Do đó, để quá trình chuyển đổi thành công thì trước tiên Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp phải đi đầu quá trình này nhằm lôi cuốn tất cả thành phần trong xã hội tham gia. Để đi đầu thì phải chuyển đổi nhận thức, bởi chuyển đổi số đơn giản là sự chuyển đổi nhận thức mà Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định. Chúng ta chỉ có thể vay mượn sức mạnh của người khác trong một khoảng thời gian nhất định để chạy đà. Điều quan trọng là phải trở về với nguồn lực nội sinh, bởi đây mới chính là tài sản tinh hoa của đất nước mà sau cơn đại dịch, khi nguồn lực đang gắng gượng phục hồi thì có một nỗi lo khác là có tạo thêm điều kiện cho làn sóng thôn tính từ các công ty, tập đoàn nước ngoài hay không?

Thịnh vượng chỉ có thể thành hiện thực khi toàn dân đoàn kết một lòng cùng hướng về khát vọng với những nỗ lực phi thường trong thời gian ngắn còn lại của thời kỳ dân số vàng. Sự đoàn kết đó không chỉ trong các cấp lãnh đạo mà còn là câu chuyện tổng hòa, điều phối, liên kết nguồn lực nội tại trong nước. Chúng ta từng là nguồn cảm hứng và niềm tin cho nhiều quốc gia, bằng những kỳ tích của thời chiến thì trong 25 năm nữa, chúng ta phải là nguồn cảm hứng mới cho phần đang phát triển còn lại của thế giới.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)