Nguồn gốc tư tưởng lập hiến vương quốc Anh
Hạn chế quyền lực của vua
Muốn hiểu được chức năng căn bản của hiến pháp chúng ta phải trả lời câu hỏi: hiến pháp ra đời để làm gì? Nhìn lại lịch sử tư tưởng lập hiến Anh quốc, mà khởi đầu là bản Đại hiến chương (Magna Charta) có thể thấy rằng, chủ nghĩa hiến pháp Anh được hình thành với mục tiêu ban đầu là hạn chế quyền lực của nhà vua.
![]() Bản Đại hiến chương của Anh năm 1215 |
Bản Đại hiến chương của Anh quốc, được coi là một trong những văn bản đầu tiên mang trong nó tư tưởng lập hiến, ra đời năm 1215 sau một cuộc nội chiến ngắn của các chư hầu. Trong 17 năm trị vì nước Anh (1199 đến năm 1216), vua John đã tăng 11 lần thuế nghĩa vụ (loại thuế mà các chư hầu phải nộp cho tôn chủ của họ để tránh phải đi nghĩa vụ quân sự). Ông cũng cho thu một loại thuế thu nhập mới lên đến 60.000 bảng. Bất mãn trước những đòi hỏi thái quá của nhà vua về nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ tài chính, ngày 10.6.1215, một số nam tước đã phối hợp với lực lượng trung lập tiến hành cuộc nổi dậy chiếm lấy thành London. Ngày 15.6.1215, quân nổi dậy buộc Vua John chấp nhận “Bản yêu sách của các nam tước”, sau này là bản Đại hiến chương (Magna Charta). Văn bản này đưa ra những quy định nhằm hạn chế sự chuyên quyền của nhà vua, thiết lập quyền an ninh nhân thân để ngăn cản sự bắt bớ bỏ tù một cách tùy tiện. Văn bản này còn thiết lập quyền kiểm soát thuế vụ do Đại Hội đồng của Triều đình đảm trách.
Sự ra đời của bản Đại hiến chương được đánh giá như một sự kiện quan trọng về quyền lợi của dân được nhà vua tôn trọng. Nhưng thực ra, dân ở đây chưa phải là người dân tay lấm chân bùn, thợ thuyền lao động mà là tầng lớp chư hầu của nhà vua, tức các ông hoàng bà chúa, những nhà quý tộc.
Hiến pháp của nhiều quốc gia sau đó chịu ảnh hưởng Đại hiến chương nên bản văn này trở thành một tài liệu về luật pháp quan trọng trong lịch sử dân chủ ngày nay. Nó đánh dấu một Nhà nước chuyên chế bước qua một Nhà nước pháp trị trên cơ sở quyền của nhà vua bị giới hạn.
Thực tế Magna Charta ở thời trung cổ cũng không có ý nghĩa đáng kể, ngoại trừ vai trò là biểu tượng cho những khát vọng “quyền lực của nhà vua phải bị giới hạn bởi Luật” trong thời kỳ nội chiến ở Anh. Có nhiều tác giả còn bổ sung rằng, Magna Charta dù quan trọng nhưng không thể được coi là Hiến pháp thành văn đầu tiên của nhân loại, đó chỉ đơn thuần là một trong hàng loạt đạo luật đầu tiên ở Anh đề cập đến việc bảo vệ quyền con người như Luật cấm bắt giam người trái pháp luật, được Nghị việån Anh thông qua năm 1679 dưới thời vua Charles II; Luật khiếu nại về quyền năm 1628, quy định một người chỉ có thể bị tống giam khi có phán quyết của tòa án hoặc lệnh bắt giữ của cơ quan hành chính; Luật về quyền của Anh quốc năm 1689, quy định về quyền bầu cử nghị viện và quyền tự do ngôn luận trong hoạt động của nghị viên; Luật về thiết lập trật tự năm 1701, quy định về sự thay đổi chế độ cha truyền con nối của nhà vua ở Anh.
Có thể nói, ban đầu các văn bản luật mang tính chất hiến pháp của Anh nhằm mục đích giới hạn quyền lực của nhà vua. Sau khi chế độ quân chủ lập hiến Anh quốc được hình thành với phương châm “Nhà vua trị vì nhưng không cai trị”, hiến pháp trở thành bản văn giới hạn quyền lực của nhà nước. Đây là chức năng cổ điển hay còn có thể gọi là chức năng cơ bản của hiến pháp. Nó được hình thành ngay từ khi tư tưởng lập hiến manh nha và cho đến bây giờ vẫn không thay đổi.
Sự hiện diện của một văn bản quy định hoạt động của nhà nước đã bao hàm một ý nghĩa giới hạn nhất định quyền lực nhà nước. Như trên đã nêu, hiến pháp bất thành văn của Anh quốc bao gồm nhiều văn bản và tập tục. Chúng được hình thành một cách chậm chạp, dần dần, không phải một chốc, một lát, ngay sau cuộc đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn của giai cấp quý tộc đối với nhà vua thất bại bị mất ngôi, mà là kết cục của cuộc đấu tranh dai dẳng dưới nhiều hình thức bao gồm cả vũ trang lẫn sự thương thuyết kéo dài cả một thiên niên kỷ, giữa tầng lớp quý tộc đang muốn giành quyền lực với nhà vua đang nắm quyền lực một cách vô hạn định, và sau này được thay bằng giữa lực lượng cầm quyền và thế lực đối lập.