Nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn

Lê Thủy 02/12/2014 08:48

Sau 90 năm phát hiện và nghiên cứu, nhiều phương diện của văn hóa Đông Sơn đã được làm sáng tỏ. Đặc biệt, những phát hiện khảo cổ học gần đây đã chứng minh sự phát triển liên tục của văn hóa Đông Sơn, khẳng định chân xác nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn.

Từ khi được phát hiện năm 1924 bên bờ sông Mã thuộc làng Đông Sơn, huyện Đông Sơn (nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), đến nay, quá trình phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn tròn 90 năm. Những năm gần đây, nhiều cuộc khai quật di chỉ, di tích Đông Sơn tiếp tục được thực hiện và đã đạt thành tựu nhất định. Trong đó, dựa vào sự phân bố, niên đại của các di tích từ giai đoạn Tiền Đông Sơn đến giai đoạn Đông Sơn muộn, có thể nhận thấy sự dịch chuyển dần của cư dân Đông Sơn. Từ vùng địa bàn truyền thống là chân núi trung du, họ đã chiếm lĩnh, chinh phục và từng bước làm chủ các vùng đất mới - vùng đồng bằng cao, đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển. Tại các vùng đồng bằng này, số lượng di tích giai đoạn Đông Sơn muộn tăng nhiều so với các giai đoạn Tiền Đông Sơn và giai đoạn Đông Sơn. Trong mỗi vùng, các di tích thường phân bố khá tập trung tạo thành trung tâm văn hóa Đông Sơn, mỗi trung tâm có đặc trưng riêng. Ngoài trung tâm lớn ở vùng miền núi, trung du, các nhà khảo cổ đã nghiên cứu các trung tâm ở rìa đồng bằng cao, đồng bằng và đồng bằng thấp, trong đó nổi bật là Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương, trung tâm duy nhất có đầy đủ các loại di tích, đặc biệt là di tích phòng ngự thành.

Khung trang trí khai quật tại Đông Sơn, Thanh Hóa
Khung trang trí khai quật tại Đông Sơn, Thanh Hóa
Các kết quả nghiên cứu gần đây cũng chứng minh nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn. Pgs, Ts Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học, Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho biết: tại di tích Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội, dấu tích văn hóa Tiền Đông Sơn, Đông Sơn và Hậu Đông Sơn phân bố trên diện tích khoảng 19.000m2. Những dấu tích đầu tiên của giai đoạn văn hóa Đông Sơn ở Vườn Chuối được phát hiện trong cuộc khai quật năm 2009, tiếp đó là các cuộc khai quật năm 2011. Qua nghiên cứu đã phát hiện những dấu tích cư trú và mộ táng văn hóa Đông Sơn, cũng như những giai đoạn văn hóa phát triển liên tục từ Đồng Đậu đến Đông Sơn. Nghiên cứu di vật kết hợp với địa tầng, đặc biệt là diễn biến đồ gốm cho thấy tầng cư trú Đông Sơn ở Vườn Chuối gồm 3 giai đoạn phát triển liên tục từ sớm đến muộn...
Cây đèn hình người
Cây đèn hình người
Ở di tích Đình Tràng thôn Đình Tràng, Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội, có tầng văn hóa dày trên dưới 2m với 4 lớp văn hóa (Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn) phát triển liên tục trong thời gian trên 2.000 năm. Kết quả khai quật 2 lần năm 2010 trên tổng diện tích 375m2 đã khẳng định: Đình Tràng là di tích cư trú - mộ táng - xưởng quan trọng thời đại Kim khí ở châu thổ sông Hồng. Đặc biệt, trong lớp văn hóa Đông Sơn đã phát hiện được 4 loại hình di tích quan trọng: di tích mộ táng, hệ thống lò đúc đồng, di tích lỗ chân cọc gia cố đắp lũy đất và di tích dòng Hoàng Giang cổ. Nghiên cứu mộ táng đã cho thấy chưa có các yếu tố của văn hóa Đông Sơn muộn, đặc biệt chưa có yếu tố Hán trong đó, vì vậy, niên đại lớp văn hóa Đông Sơn ở Đình Tràng vào thời kỳ trước Hán. Theo Ts Lại Văn Tới - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, những phát hiện mới này, củng cố vững chắc hơn nhận định về diễn trình phát triển văn hóa khảo cổ thời đại Kim khí miền Bắc Việt Nam qua 4 giai đoạn văn hóa: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. “Từ địa tầng kết cấu chặt chẽ, di tích, di vật, cho thấy sự phát triển liên tục của văn hóa Đông Sơn. Điều đó phản bác mọi quan điểm tìm nguồn gốc văn hóa Đông Sơn ở bên ngoài Việt Nam, khẳng định chân xác nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn”.
Thạp Đào Thịnh
Thạp Đào Thịnh 

Đặc biệt, tại Đình Tràng đã phát hiện di tích hệ thống lò nấu đồng và dấu tích luyện kim, với những mảng tường lò, trong đó nhiều mảng có dấu vết kỹ thuật đắp lò, các hiện vật liên quan như than tro, cục đất nung, xỉ đồng và hiện vật đồng, hiện vật liên quan đến kỹ thuật đúc đồng như: khuôn đúc bằng đá, nồi nấu đồng... khẳng định nơi đây là xưởng đúc đồng và chế tác đồ đồng thau. Nghiên cứu so sánh sưu tập đồ đồng Đình Tràng và sưu tập đồng Cổ Loa, có thể thấy Đình Tràng ở giai đoạn sớm hơn so với Cổ Loa, chưa phát hiện được những hiện vật điển hình của văn hóa Đông Sơn sơ kỳ sắt như trống đồng, mũi tên đồng ba cạnh, dao găm, giáo có lỗ ở cánh... như ở Cổ Loa. Ts Lại Văn Tới cho rằng, “Đình Tràng có quan hệ hữu cơ với khu di tích Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương, thế kỷ III - II trước CN. Có lẽ nghề luyện kim, nấu đồng, đúc đồng đã có đóng góp lớn trong việc hình thành cơ sở vật chất cho nhà nước sơ khai”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa Đông Sơn cần tiếp tục được nghiên cứu và bổ sung tư liệu, đặc biệt là những đóng góp (đời sống kinh tế vật chất, văn hóa tinh thần, phân hóa xã hội) với nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, văn minh Đại Việt và văn hóa Việt Nam sau này; sự lan tỏa của trống đồng Đông Sơn ở miền Trung - Tây Nguyên, khi trống đồng được phát hiện với số lượng lớn, thậm chí nhiều hơn cả vùng địa bàn gốc… Bên cạnh đó, tuy đã muộn nhưng vẫn cần gióng chuông cảnh báo về hiện trạng di tích thời đại kim khí Việt Nam đang bị xâm hại nặng nề (đến 70 - 80%), trong đó có văn hóa Đông Sơn và di tích Đông Sơn; nhiều di vật, báu vật khảo cổ học văn hóa Đông Sơn đang hàng ngày, hàng giờ thành hàng hóa...

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO