Người Việt trong “Việt Nam sử lược”

Lê Hồng Lâm 10/12/2017 08:03

Đọc thì thấy người Việt ta tốt xấu lẫn lộn, tính xấu thậm chí nhiều hơn tính tốt. Nhưng một dân tộc tồn tại được mấy nghìn năm, giặc giã liên miên, nghìn năm Bắc thuộc vẫn không bị đồng hóa, chiến thắng quân Nguyên Mông, thắng Pháp, thắng Nhật, thắng Mỹ, thống nhất bờ cõi... thì nhất định không phải là một dân tộc tầm thường.

“Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không biết thì... tra google”. Cơ mà thời buổi sách in càng ngày càng đẹp thế này, mua một cuốn sách sử về vừa đọc vừa để bày lên giá, nó lại là một thứ khoái khẩu khác.

“Người Việt Nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong tục, nói một thứ tiếng, cùng giữ một kỷ niệm, thật là cái tính đồng nhất của một dân tộc từ đầu đến cuối nước...”

Không hẹn mà trùng, trước khi đọc cuốn sách, tôi được mời tới Bảo tàng thành phố xem bộ phim tài liệu Lê Bá Đảng, từ làng Bích La đến Paris của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bộ phim kể về hành trình đáng tự hào của một họa sĩ ra đi từ một ngôi làng nghèo thuộc miền quê Quảng Trị và trở thành một tên tuổi được quốc tế tôn vinh, được bình chọn là một trong những danh họa đương đại của thế giới. Vậy mà 70 năm xa quê, ông vẫn nhớ về cái làng quê với bao kỷ niệm ấu thơ ngọt bùi khoai sắn ấy, vẫn giọng cười hào sảng khi gọi về quê nhà. Tiếng cười ấy vang lên cuối phim, tiếng ngoài hình để lại một niềm xúc cảm lớn về cuộc đời của một con người. Phim quay những ngày cuối đời của ông ở Paris và lúc hoàn thành bản dựng đầu tiên, ông qua đời ở tuổi 94. Bảo tàng Lê Bá Đảng sắp hoàn thành ở Huế, học bổng Lê Bá Đảng đã được trao hai năm nay cho 10 sinh viên mỹ thuật...

Xem xong phim thì ra đường sách, tha một mớ về, trong đó có cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Trong đoạn nói về người Việt Nam, thiết tưởng có thể khiến ối người trong chúng ta cảm thấy giật mình:

“Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt Nam có cả tính tốt và tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: Lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm năm đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có sự can đảm, biết giữ kỷ luật.

 Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tông giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.

Đàn bà thì hay làm lụng và đảm đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy gia đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các cái đức tính rất quý là: Tiết, nghĩa, cần, kiệm.

Người Việt Nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong tục, nói một thứ tiếng, cùng giữ một kỷ niệm, thật là cái tính đồng nhất của một dân tộc từ đầu đến cuối nước...”.

Lạm bàn tí chút: Đọc thì thấy người Việt ta tốt xấu lẫn lộn, tính xấu thậm chí nhiều hơn tính tốt. Tính xấu dường như thuộc về đàn ông (nông nổi, làm liều, thích khoe khoang, khoác lác, ưa danh vọng, hiếu chơi bời, mê cờ bạc); tính tốt phần nhiều thuộc về đàn bà (đảm đang, khéo chân tay, lấy gia đình làm trọng, chiều chồng chiều con...). Nhưng một dân tộc tồn tại được mấy nghìn năm, giặc giã liên miên, nghìn năm Bắc thuộc vẫn không bị đồng hóa (dù ảnh hưởng nhiều), chiến thắng quân Nguyên Mông, thắng Pháp, thắng Nhật, thắng Mỹ, thống nhất bờ cõi, thì nhất định không phải một dân tộc tầm thường. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Người Việt trong “Việt Nam sử lược”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO