Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15.5.1941 - 15.5.2021)

Người viết sử Đội bằng những khúc ca

- Thứ Bảy, 15/05/2021, 05:48 - Chia sẻ
Nhạc sĩ Văn Chung, thuộc thế hệ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam, từng nhận xét về ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã: “Những bài hát sâu đậm tình cảm với những nét nhạc mở đầu cũng như kết cấu rất nhuần nhuyễn và sáng tạo của Phong Nhã đã làm tăng thêm sức mạnh thúc đẩy sự hăng say hoạt động Đội của thiếu niên. Với riêng Phong Nhã, những bài hát của anh còn là chiếc cầu nối các nhạc sĩ, các cán bộ, chiến sĩ, các giáo viên, các phụ trách với các em nhỏ thân yêu”.

Trong suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Phong Nhã (1924 - 2020) đã viết gần 200 ca khúc (trong đó đa số là viết cho trẻ thơ) và là một trong số rất ít nhạc sĩ có nhiều bài hát viết cho thiếu nhi thành công nhất của Việt Nam.  

“Đời tôi sóng nhạc bay lên” có thể bổ sung cho cuốn biên niên sử của Đội Thiếu niên Tiền phong

Từ “tuyên ngôn” của trẻ em đi theo cách mạng

 Nhạc sĩ Phong Nhã vốn là một cán bộ phong trào thiếu nhi lâu năm. Như ông kể trong tập hồi ký, di cảo “Đời tôi sóng nhạc bay lên” (NXB Kim Đồng, 2011), những năm 1944 - 1945 trước Cách mạng, ông đã tham gia phụ trách đội Học sinh (chính là đội Nhi đồng cứu quốc Trần Hưng Đạo, sau gọi là đội Nguyễn Thái Học, lấy tên phố làm tên đội) - đội thiếu nhi đầu tiên của thành phố Hà Nội. Khi ấy, ông thường đến nhà Tô An, bạn học cùng trường Đỗ Hữu Vị cũ, dạy hát, dạy nghi thức cho đội học sinh thiếu nhi này do Tô An làm tổng phụ trách. Tô An có một người em trai nhỏ hơn Phong Nhã vài tuổi, say mê tập violon. Người ấy chính là nhạc sĩ Huy Du sau này.

“Tôi và Huy Du cùng tham gia vào đội nhạc miền Bắc Hà Nội, tức là đội nhạc thanh niên khu phố. Đội nhạc có mời nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát làm cố vấn. Trong đội nhạc Bắc Bắc, có cả anh Phạm Ngọc Thụ cũng làm nhạc cho thiếu nhi. Trong dàn nhạc, Huy Du, Phạm Ngọc Thụ chơi violon, tôi thì thổi sáo, kiếm được cây sáo trúc đúng nốt la do đồng bào Ninh Bình - Phát Diệm khoét rất chính xác và có độ vang không thua kém sáo Tây. Trong dàn nhạc lúc đó chúng tôi chơi các bài của Hoàng Quý, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước… Cây sáo trúc của tôi, được chơi solo nhiều câu cần mềm mại của các bài hát”.

Chính các tác phẩm của những đàn anh âm nhạc nói trên đã thúc đẩy Phong Nhã tập sáng tác. Đầu tiên là tập làm lời các bài hát trên giai điệu sẵn có của Tây, rồi tập làm lời trên giai điệu bài của ta. Sáng tác đầu tay của Phong Nhã là “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, được ông hoàn thiện năm 1944, khi là cán bộ thiếu nhi ở Nam Hà. “Có thể nói đó là một tuyên ngôn của trẻ em đi theo cách mạng do anh phụ trách thay mặt các em diễn đạt”. Đầu tiên lời bài hát là: Nhanh bước nhanh nhi đồng ta cùng nhau bước lên đường, sau Cách mạng tháng Tám thì sửa lại lời mới: Nhanh bước nhanh nhi đồng theo cờ đỏ sao vàng.

“Khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, cấp trên đã duyệt bài này làm bài hát chính thức của Đội Nhi đồng. Báo Thiếu sinh đã đến xin bản thảo, đăng ngay; thế là bài hát được phổ biến. Bài hát đầu tay ‘Nhanh bước nhanh nhi đồng’ có thể nói là một bài hát có ý nghĩa bản lề, kết thúc thời kỳ đầu tiếp xúc với âm nhạc và mở đầu giai đoạn sáng tác âm nhạc của tôi sau này”.

“Đời tôi sóng nhạc bay lên” - tập hồi ký, di cảo của nhạc sĩ Phong Nhã được Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15.5.1941 - 15.5.2021). Nội dung cuốn sách được biên soạn tổng hợp lại từ các bản di cảo đánh máy, viết tay, bản photo, tư liệu gia đình và cả văn bản do người thân chép lại theo lời kể của tác giả khi còn sống. Không chỉ là hồi ký với ăm ắp kỷ niệm ân tình, bằng lời kể giản dị, “Đời tôi sóng nhạc bay lên” còn là những trang chân thật có thể bổ sung cho cuốn biên niên sử của Đội Thiếu niên Tiền phong.

… đến “hành khúc” của thiếu nhi Việt Nam

“Năm đầu Cách mạng tháng Tám, không phải chỉ riêng tôi làm bài hát cho thiếu nhi mà các tác giả tôi vừa kể như Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận rồi Lưu Bách Thụ… cũng có bài cho thiếu nhi. Còn về phần tôi, lúc đầu tôi vào làm công tác thiếu nhi là chính, lại do có một bài hát thiếu nhi đầu tay nên cũng bắt đầu bước vào con đường sáng tác âm nhạc. Làm công tác thiếu nhi buổi ban đầu chưa có phương tiện giáo dục gì, tôi đã sáng tác bài hát làm phương tiện tập hợp và giáo dục các em thế mà may mắn lại đạt kết quả; cho đến lúc việc viết nhạc cũng trở thành một công tác chính, một mục đích chính của mình đi song song với công tác thiếu nhi. Đó là điều bất ngờ không tính trước được lúc vào đời”.

Đã sáng tác được bài đầu tiên, thể tất phải sáng tác bài thứ hai, bài thứ ba… nhất là khi bài đầu tiên ấy được các em hoan nghênh. “Chính các em Nhi đồng cứu quốc đội Kim Đồng ở Ấu Trĩ Viên đã đề nghị tôi sáng tác cho đội các em về anh Kim Đồng mà đội có vinh dự mang tên. Tôi chỉ được xem một bài báo của nhà văn Tô Hoài trên báo Cứu Quốc, kể chuyện sơ bộ về Kim Đồng, chưa biết quê quán anh ở nơi đâu, chỉ biết là trên chiến khu Việt Bắc”. Sau đó, cùng với những mẩu chuyện mà các em ở đội Kim Đồng thu thập được và kể lại, bài hát thứ hai đã ra đời. “Đã có ‘Nhanh bước nhanh nhi đồng’ mở đầu, nay lại có thêm ‘Kim Đồng’, thế là công việc làm âm nhạc của tôi có đà đi tới. Hai tác phẩm đó gắn bó với nhau. ‘Nhanh bước nhanh nhi đồng’ còn hô hào kêu gọi chung chung như một bài chính luận. Đến bài ‘Kim Đồng’ thì đã cụ thể hóa với người thật việc thật, anh Kim Đồng, người đội viên đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc”.

Năm 1950, bài Đội ca “Cùng nhau ta đi lên” được sáng tác theo yêu cầu của đồng chí Nguyễn Lam - Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khi ấy. Đây được coi là một “hành khúc của trẻ em”. Với “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, các em mới đang hình thành tổ chức, nay đội ngũ các em đã chững chạc, trải qua kháng chiến các em được tôi luyện ít nhiều, cho nên “Cùng nhau ta đi lên” có thể xem là một bài chính luận nhưng đã mang tính lý tưởng như một cương lĩnh hoạt động của Đội: Cùng nhau ta đi lên theo bước Đoàn thanh niên đi lên/ Cố gắng xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ/ Lời thề ta ghi sâu mãi mãi trong tim không phai/ Quyết xứng danh thiếu niên anh dũng nước nhà.

Hà Linh Ngọc