Dù Việt Nam đang nằm trong giai đoạn "dân số vàng" nhưng tỷ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp rất cao và đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Hệ vận động hay cơ xương khớp rất ít khi được chú ý cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu của lão hóa, người bệnh mới nhận ra bị các vấn đề cơ xương khớp gây giảm hiệu suất công việc và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Theo số liệu thống kê của Hội Cơ Xương khớp Việt Nam, có khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 80 tuổi bị thoái hoá khớp. Hội Loãng xương TP.HCM ước tính, có khoảng 3,6 triệu người Việt Nam đang bị loãng xương - một rối loạn chuyển hóa của bộ xương, là nguyên nhân dẫn đến gãy xương.
Theo dự báo, đến năm 2030 sẽ có khoảng hơn 4,5 triệu người bị loãng xương, trong đó nữ giới chiếm 70 - 80%. Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì 1 người mắc bệnh loãng xương.
Hội Loãng xương TP.HCM cho rằng, loãng xương là một "bệnh âm thầm" vì người bệnh sẽ không có triệu chứng cảnh báo bệnh rõ ràng cho đến khi gãy xương thì mới phát hiện mình bị loãng xương.
Không chỉ Việt Nam, loãng xương cũng là căn bệnh rất phổ biến trên toàn thế giới. Ước tính toàn thế giời có khoảng 1,71 tỷ người mắc bệnh cơ xương khớp, trên 200 triệu người bị loãng xương. Vậy nên, loãng xương trở thành một vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu và gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ.
Số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý cơ xương khớp càng lúc càng tăng và mức độ ngày càng nặng nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang lên kế hoạch từng bước giải quyết gánh nặng do các bệnh lý cơ xương khớp trên một số lĩnh vực theo chương trình "Sáng kiến phục hồi chức năng 2030".
Theo TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Chủ tịch Hội Nội soi & Thay khớp Việt Nam, dù bệnh lý cơ xương khớp đang ngày càng gia tăng ở người Việt Nam nhưng người dân vẫn đang còn rất "thờ ơ" vì vẫn còn nếp nghĩ cũ "Già mà, thôi kệ".
Chủ tịch Hội Nội soi & Thay khớp Việt Nam khuyến cáo, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ loãng xương của người dân Việt Nam ngày càng gia tăng và trẻ hóa đó là lười vận động nhất. Ít nhất có khoảng 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc – UNFPA, Việt Nam là một trong 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới.
Bên cạnh đó, sự già hóa của dân số làm cho tỷ lệ người cao tuổi tăng lên, số người bị loãng xương sẽ tăng tương ứng. Sự thiếu hụt trầm trọng canxi do không cung cấp đủ nhu cầu canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày hoặc có thói quen ăn uống không lành mạnh; thiếu hụt vitamin D; sử dụng một số thuốc kéo dài cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến xương... cũng khiến cho tỷ lệ loãng xương ngày càng cao.
Loãng xương để lại hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm thay đổi hình thể, giảm chức năng, chất lượng cuộc sống mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh khác và tử vong.
Theo TS.BS Tăng Hà Nam Anh, phụ nữ sau mãn kinh, người cao tuổi cả nam và nữ, người hút thuốc lá, tiền sử gia đình thiếu canxi trong khẩu phần ăn hằng ngày, thiếu vận động thể lực... là những đối tượng có nguy cơ cao bị loãng xương.
Những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ bị loãng xương thứ phát do các bệnh nội tiết, bệnh thận mãn, các bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp... Tuy nhiên, bệnh loãng xương có thể phòng ngừa được nhưng đòi hỏi phải thực hiện bền bỉ suốt cuộc đời, kết hợp chặt chẽ giữa vận động và dinh dưỡng hợp lý để có khối lượng xương đỉnh cao nhất lúc trưởng thành.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh cho rằng đã đến lúc mọi người Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình bằng cách thường xuyên vận động giúp cơ xương khớp linh hoạt, giảm thiểu loãng xương; chăm sóc sức khỏe tinh thần, chăm sóc dinh dưỡng giúp cơ thể bổ sung đầy đủ dưỡng chất, nhất là những người trên 50 tuổi hấp thu kém để duy trì cơ thể khỏe mạnh lâu dài.