Người vi phạm giao thông không nộp phạt, bỏ lại phương tiện sẽ bị xử lý thế nào?

Xin hỏi, trường hợp người vi phạm giao thông không nộp phạt, bỏ lại phương tiện sẽ bị xử lý thế nào? Người vi phạm giao thông không nộp phạt có được đăng ký xe không? – Câu hỏi của bạn Xuân Lương (Phú Thọ).

Người vi phạm giao thông không nộp phạt, bỏ lại phương tiện sẽ bị xử lý như thế nào -0
Ảnh minh họa/ITN

Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Người vi phạm giao thông không nộp phạt, bỏ lại phương tiện sẽ bị xử lý thế nào?

Căn cứ Điều 78, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 39, Điều 1, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định thủ tục nộp tiền phạt:

Điều 78. Thủ tục nộp tiền phạt

1. Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 68 hoặc khoản 2, Điều 79 của Luật này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2, Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

...

Căn cứ Điều 86, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 43, Điều 1, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

Điều 86. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này;

b) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5, Điều 85 của Luật này.

...

Căn cứ khoản 4, Điều 126, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung bởi điểm b, khoản 65, Điều 1, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính:

Điều 126. Xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

...

4. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều 125 của Luật này khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

a) Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

...

Theo quy định trên, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Trường hợp khi đã hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt hành chính mà người có hành vi vi phạm vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt sẽ phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Về phương tiện bị bỏ lại thì khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì phải thông báo cho người vi phạm 2 lần.

Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.

Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Người vi phạm giao thông không nộp phạt thì có được đăng ký xe không?

Căn cứ khoản 15, Điều 3, Thông tư số 24/2023/TT-BCA quy định nguyên tắc đăng ký xe:

Điều 3. Nguyên tắc đăng ký xe

...

15. Tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì chưa giải quyết đăng ký xe; sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì được đăng ký xe theo quy định của Thông tư này.

Theo đó, người vi phạm giao thông không nộp phạt vi phạm giao thông thì sẽ chưa được đăng ký xe. Chỉ khi nào chủ xe đóng phạt hành chính đầy đủ thì mới được đăng ký xe.

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là bao lâu?

Căn cứ Điều 74, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 36 , Điều 1, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

Điều 74. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

...

Như vậy, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Giải đáp pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả
Pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp số 38/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27.6.2024, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Nhằm bảo đảm việc triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả; các văn bản hướng dẫn Luật đang được gấp rút xây dựng và hoàn thiện.