Người trẻ hát then, đàn tính
Hát then, đàn tính là loại hình nghệ thuật dân gian của nhóm ngữ hệ Tày - Thái - Nùng. Có nhiều yếu tố thiêng biểu hiện rõ nét trong then cổ. Ngày nay, bên cạnh lớp nghệ nhân đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, vẫn có một lớp trẻ, rất trẻ, đặc biệt quan tâm, yêu mến và say mê hát then.

Những ngày cuối tháng tám, tại thị xã Bắc Kạn trong cái nóng gắt gay, có những dáng người trầm tư ngẫm ngợi với cây đàn tính cùng sắc chàm quyến rũ, đó là nghệ nhân từ nhiều vùng khác nhau đang chuẩn bị cho Liên hoan Hát then Đàn tính Toàn quốc lần III.
Tre già măng mọc
Liên hoan Hát then Đàn tính 8.2009 có đủ mọi thành phần, lứa tuổi từ 20 đến 83 cùng tham gia, đặc biệt có cháu bé của đoàn Tuyên Quang, Hà Thu Thảo chưa đầy 10 tuổi. Sự nối dài nhiều thế hệ là những tín hiệu vui, minh chứng cho sự không đứt đoạn của các thế hệ hát then hoặc làm then. Được sự giới thiệu của nhạc sĩ Lương Nguyên, chúng tôi đã gặp hai gương mặt trẻ triển vọng của Liên hoan.
Tuy đã hẹn trước từ chiều, nhưng Chu Văn Minh của đoàn Lạng Sơn phải gấp rút chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn của mình, mãi đến hơn 9 giờ 30 tối chúng tôi mới tiếp cận được với anh. Đó là một chàng trai Nùng chính hiệu, dáng người thấp bé, nụ cười hiền với ánh mắt như biết nói. Chu Văn Minh cho biết anh đam mê với loại hình nghệ thuật này từ bé, 4 tuổi đã bắt đầu theo bà học hát then, ngoài việc có chút năng khiếu về hát then, Minh may mắn được bà của mình, nghệ nhân Mông Thị Sấm, truyền dạy. Anh cũng tìm hiểu khá kỹ về loại hình nghệ thuật này. Minh kể, bà Mông Thị Sấm là người làm then, có thời gian Minh được bà cho theo mỗi khi đi cúng, điều đó có tác động không nhỏ đến lựa chọn của anh với hát then, đàn tính sau này. Vốn ngôn ngữ Nùng cổ khá đầy đặn cộng thêm sự ham học, Minh đã trang bị được lượng kiến thức khá sâu rộng về loại hình then cổ. Minh tâm sự, mỗi câu then, mỗi tiếng đàn đều tạo cho anh cảm giác khó tả, anh mê mẩn tiếng đàn tính, mê mẩn với lời then, các đường then, đặc biệt là then cổ. Minh cho biết: “Mình không hề đắn đo khi lựa chọn theo học trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Lạng Sơn. Học ở đây được chuyên sâu hơn và có điều kiện tiếp xúc với các thầy, các nghệ nhân để hoàn thiện mình hơn”. Trong Liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam 2009, Chu Văn Minh đã giành được giải A cho bài then cổ người Nùng Dâm tậu giả dẩu (Mượn gậy yêu tinh). Mong muốn lớn nhất của Chu Văn Minh là loại hình nghệ thuật này được giới thiệu rộng rãi hơn nữa, đặc biệt với thế hệ trẻ, vì ngày nay ít người biết về nó quá. Hai mươi tuổi, đã có gần 16 năm theo học hát then và tìm hiểu về nó nhưng Minh bảo thế đâu đã nhiều, còn cần phải đi sâu, sưu tầm để không bị mất những đường then cổ và tranh thủ khi các nghệ nhân còn nhớ.
Cô bé Hà Thu Thảo của đoàn Tuyên Quang có nước da trắng ngần, tươi tắn, cao có lẽ chỉ mới bằng cây đàn tính đang cầm trên tay. Nghệ nhân Hà Thuấn, ông nội cô bé, cho biết cháu Hà Thu Thảo năm nay lên lớp 5. Cô bé khá rụt rè khi tiếp xúc với người lạ nhưng trước cây đàn lại hết sức tự tin. Tiếng hát, tiếng đàn của cô bé đã thuyết phục được hội đồng nghệ thuật khi quyết định trao giải nhất cho tiết mục của hai ông cháu cô bé với bài then Cung bướm lượn tháng ba. Ông Hà Thuấn cho biết ông đam mê nghệ thuật hát then từ nhỏ, khi đã có tuổi, ông mở lớp dạy hát then, đàn tính miễn phí cho các cháu ở bản làng để lưu giữ bảo tồn các làn điệu then. Lớp học của ông khá đông và cũng có khá nhiều cháu bộc lộ năng khiếu hát then. Ông tin hát then sẽ ngày một phát triển và người hiểu biết về loại hình nghệ thuật này cũng sẽ nhiều hơn.
Sẽ không bị mai một
Nhiều người cho rằng cũng giống như các loại hình nghệ thuật dân gian khác, nghệ thuật hát then, đàn tính hoàn toàn có nguy cơ bị mai một. Trái với các ý kiến đó nhạc sĩ Lương Nguyên khẳng định khả năng mai một là rất ít, thậm chí là không. Bởi cũng giống như hầu đồng của người Việt, nghệ thuật hát then, đàn tính của nhóm ngữ hệ Tày - Thái - Nùng gắn chặt với đời sống tâm linh và tín ngưỡng của các tộc người. Chính nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh ấy đã giúp cho hát then, đàn tính sống được và truyền lại từ đời này sang đời khác. Ông cho biết thêm hầu hết các bản làng của người Tày – Thái - Nùng đều có thầy then, một phần không thể thiếu của đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Và thực tế hát then, đàn tính được các nghệ nhân gìn giữ, truyền dạy và phát triển mang tính bền vững. Có chăng sự mất đi ấy là lỗi của các nhà làm văn hóa: khi tính nguyên bản bị phá vỡ, tác động và thay đổi cũng từ đó mà ra.
Sự kế thừa và phát triển của hát then, đàn tính được khẳng định qua các thế hệ tuổi, và trình độ đàn hát của các nghệ nhân tham dự Liên hoan phản ánh sự không đứt gẫy về thế hệ kế tục và phát triển, đặc biệt là các đường Then cổ. Theo Nhạc sĩ Lương Nguyên, cần tránh sự cải biên, thiếu hiểu biết, không có gốc từ then cổ như một số ít đoàn trong đợt Liên hoan lần này. Có vậy mới bảo đảm được tính nguyên bản của then cổ khi sân khấu hóa hát then, đàn tính.