Tản mạn

Người thợ vẽ sáp ong trên tuyến xe bus số 2

- Thứ Ba, 02/03/2021, 08:36 - Chia sẻ
Bà có 25 năm đi khắp phố cổ bán thổ cẩm do bà và chị em trong xã làm ra để nuôi các con ăn học. Cứ một cái gùi sau lưng, bắt xe buýt số 2 lên Bờ Hồ. Bà không biết chữ, nhưng xe số 02 thì không bao giờ nhầm.

Bà Máy được giới thiệu là một trong những nghệ nhân vẽ sáp ong giỏi nhất Pà Cò. Năm nay 68 tuổi, bà kể rằng bà bắt đầu vẽ sáp ong từ khi là một cô bé mới lên 7 lên 8, do mẹ bà dạy, cũng như cách mà bà dạy các cô con gái của mình sau này. Bà có hơn 20 năm đi khắp phố cổ bán thổ cẩm do bà và chị em trong xã làm ra để nuôi các con ăn học. Cứ một cái gùi sau lưng, bắt xe buýt số 2 từ bến xe Yên Nghĩa lên Bờ Hồ. Bà không biết chữ, nhưng xe số 02 thì không bao giờ nhầm lẫn. Phố cổ, nhà Thờ, bà thuộc lòng. 6 cô con gái của bà hầu hết đều đại học, cao đẳng. 

Những món đồ thêu, đồ vẽ sáp ong cực kỳ tỉ mỉ. Khăn quàng, khăn trải bàn, vạt váy, chăn thêu... Mỗi món một hoa văn khác nhau, một nét vẽ khác nhau, làm thủ công hết nên không món nào giống món nào. 

Bà Máy chỉ vào vạt váy của mình, nói rằng đó là cái váy bà tự làm. Một cái chân váy vừa vẽ sáp ong, vừa thêu và đắp vải kín đặc, sặc sỡ, từng đường kim mũi chỉ nhỏ xíu đều tăm tắp, những ô vuông ghép vải nhỏ chỉ cỡ hạt ngô. Một năm mới làm được một cái chân váy như thế, người nào chăm thì một năm có thể được 2 cái. Hỏi bà Máy, ngày xưa khi đi lấy chồng bà có phải tự thêu váy không, bà Máy kể: Người con gái Mông phải làm được ít nhất 5 - 6 bộ váy như thế mới được đi lấy chồng, mới được xem là chăm chỉ. Cô nào chịu khó thì có đến 10 - 12 bộ váy, cô nào chỉ có 1 - 2 bộ thì không lấy được, người ta bảo là lười...

Ngoài vẽ sáp ong, bà Máy còn có nghề bốc thuốc. Trong vùng chỉ còn bà, chị gái bà, cô con gái cả của bà và một hai người nữa biết nghề bốc thuốc. Buổi sớm, bà lên rừng hái thuốc, phải hái sớm khi còn sương, cả đi cả về chừng một tiếng rưỡi.  Bà kể có nhiều người hiếm muộn, lên chỗ bà, bà xoa bóp bụng thế nào đó, rồi cho thuốc, về là họ mang thai. Lúc đến lấy thuốc thì bà sẽ thắp hương trước bàn thờ của người Mông để cầu xin tốt lành cho cả họ, cả bà. Trong làng có người khó khăn, đến xin bà thuốc rồi hứa cuối năm sẽ đến tạ ơn bà, họ mà không đến thì bà sẽ bị ốm. Lúc đó phải nhớ lại xem ai từng đến cắt thuốc, giục họ đến lễ tạ, bà mới khỏi. Thuốc uống của bà chưa biết thế nào, nhưng thuốc ngâm chân thì rất thích. Cả một ngày mệt mỏi, tối về buốt lạnh, ngồi ngâm chân bằng thuốc bà cắt về, mùi thơm sực nức. Nước nóng như vỗ về đôi chân mệt mỏi trên những bước đường đời, làm ấm tận đến những ký ức xa xưa...

Những tấm thổ cẩm, tấm vải sáp ong, những bài thuốc của bà Máy tựa như một trong những mạch ngầm âm ỉ, giữ chân du khách, cũng là để giữ cuộc sống của người Mông ở đây neo vào cội nguồn, bản sắc của chính họ, để họ là mình, trong dòng du khách nườm nượp đổ về vùng đất vẫn nguyên sơ nơi đây.

Vĩnh Nguyên