Sau 2 tuần xuất hiện triệu chứng sốt cao kéo dài và mệt mỏi nhiều, chị T.L.M., 25 tuổi ở Lai Châu được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Qua khai thác tiền sử được biết, một tháng trước, chị M. đi làm nương rẫy, sau đó xuất hiện sốt. 3 ngày cuối trước khi đến bệnh viện, tình trạng sốt trở nên trầm trọng hơn, kèm theo khó thở nghiêm trọng, khiến bệnh nhân gần như không thể tự thở.
Khi nhập viện địa phương, do tình trạng nặng, bệnh nhân được đặt ống thở máy và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, kết quả cho thấy bệnh nhân mắc sốt mò. Sau đó, người bệnh được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốt mò và được điều trị bằng các phương pháp tích cực: hỗ trợ thở máy, lọc máu để cải thiện tình trạng suy hô hấp cũng như chống lại các biến chứng.
Theo ThS.BS Hà Việt Huy, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân T.L.M. bị mò đốt ở vị trí nhạy cảm thuộc bộ phận sinh dục. Đây là vị trí khó phát hiện, đòi hỏi sự kiểm tra kỹ lưỡng và tỉ mỉ của bác sĩ.
"Rất may, các bác sĩ tuyến dưới đã phát hiện được nguyên nhân. Tìm ra vết đốt trong trường hợp này là yếu tố quyết định giúp chẩn đoán đúng bệnh và áp dụng phác đồ điều trị ban đầu. Với bệnh nhân mắc sốt mò, việc sử dụng thuốc đặc hiệu đóng vai trò quyết định trong quá trình điều trị. Nếu phát hiện sớm, bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả và bệnh nhân phục hồi nhanh chóng", bác sĩ Huy cho biết.
Tới nay, nhờ sự can thiệp kịp thời tại cơ sở y tế tuyến dưới và các phương pháp điều trị chuyên sâu, bệnh nhân đã có cơ hội phục hồi tốt.
ThS.BS Hà Việt Huy thông tin, sốt mò là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thuộc họ Rickettsiacea gây ra, thường lây truyền qua vết đốt của loài mò Leptotrombidium. Đây là bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng suy đa cơ quan và tử vong. Dù là bệnh hiếm gặp, nhưng sốt mò thường ít gây biến chứng nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Đây là lý do tại sao việc phát hiện sớm rất quan trọng.
Sốt mò có đặc điểm nhận dạng đặc biệt. Vết đốt do con mò gây ra thường có đặc điểm khi đã đóng vảy đen kích thước 2-3x3-5mm, không đau, không ngứa, có viền đỏ và nổi lên bề mặt da, thường không liền. Kèm theo là các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, phát ban, nổi hạch, giai đoạn trở nặng sẽ xuất hiện tình trạng khó thở.
Bệnh không lây qua đường hô hấp hay tiếp xúc thông thường mà chỉ lây truyền qua vết đốt trực tiếp của con mò. Điều này khiến bệnh dễ bị bỏ sót trong giai đoạn đầu nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng.
Bác sĩ Huy khuyến cáo, những người sống hoặc làm việc tại các khu vực vùng núi có nguy cơ cao mắc bệnh sốt mò. Vì vậy, người dân cần chú ý bảo vệ bản thân khỏi con mò bằng cách mặc quần áo dài tay, sử dụng thuốc chống côn trùng và tránh tiếp xúc với các môi trường có nguy cơ cao.
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như sốt cao kéo dài, mệt mỏi hoặc khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.